Trong video clip tự quay hơn 4 phút, hai bạn học sinh lần lượt xuất hiện và giải thích về vụ việc. Các bạn không kể rằng “mình vào quán bar để chụp ảnh làm màu” như lời quản lí quán bar đã trả lời với báo chí trước đó. Theo lời hai bạn trẻ này, các bạn xuất hiện ở quán bar đó là để chơi như mọi vị khách thông thường.


Hai bạn học sinh cho rằng chuyện đi bar của mình hoàn toàn không có gì sai. (Ảnh cắt từ clip)
Hai bạn học sinh cho rằng chuyện đi bar của mình hoàn toàn
không có gì sai. (Ảnh cắt từ clip)

Trong suốt video clip, những từ ngữ tục tĩu, không phù hợp liên tục bật ra từ miệng của hai bạn trẻ. Các bạn cho rằng chuyện các bạn ấy mấy tuổi, làm gì, có đi bar hay không là chuyện của các bạn. Dư luận phán xét hay bức xúc việc làm của các bạn ấy là không đúng.

Bạn nữ đầu clip nói: “Người ta bao nhiêu tuổi, người ta đi đâu, người ta làm gì, người ta chơi kiểu gì không phải là chuyện của mấy bạn đâu. Tập thở sao cho đều đi… Con người ta sinh ra không phải là để sống sao cho hài lòng mấy bạn nên làm ơn bớt soi đi.”.

Những gì các bạn học sinh cấp 2 này nói đều đúng cả nhưng chưa đủ. Đúng là mỗi người đều có quyền tự do làm tất cả mọi thứ họ muốn, miễn không vi phạm pháp luật và đạo đức. Tuy nhiên, đối với những cá nhân chưa vị thành niên, đặc biệt là quá trẻ như trường hợp của bạn thì cần có những hạn chế nhất định. Vì các bạn có quá trẻ, chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm sống và kiến thức để hiểu rõ hết tất cả những rủi ro gặp phải khi trải nghiệm những thứ dành cho người lớn.

Thuốc lá có hại nhưng vì sao nhà nước lại chỉ cấm bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi mà không cấm buôn bán thuốc lá cho mọi lứa tuổi? Ai cũng biết thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng khi đã trưởng thành, người ta có đủ nhận thức để chịu trách nhiệm cho quyết định có hút thuốc hay không của mình.

Xét cho cùng, người lớn ngăn chặn trẻ em tiếp xúc với những thứ chưa phù hợp là cũng để bảo vệ trẻ em. Các bạn trẻ nghĩ sao nếu các bạn được phép tiếp xúc với shisha, thuốc lá, bia rượu từ khi còn là thiếu niên. Sau đó các bạn lớn lên, sức khỏe của các bạn bị đe dọa bởi những căn bệnh từ hút shisha, hút cần, hút thuốc, uống bia… thì các bạn sẽ trách ai? Trách rằng khi còn thơ dại, không người lớn nào đã ngăn chặn bạn hay sao?


Video clip của hai bạn trẻ bị nhiều cư dân mạng phản đối. (Ảnh chụp màn hình)
Video clip của hai bạn trẻ bị nhiều cư dân mạng phản đối. (Ảnh chụp màn hình)

Bước vào không gian quán bar không phù hợp với lứa tuổi gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển tâm sinh lí bình thường của lứa tuổi nổi loạn.

Bạn trẻ thứ hai xuất hiện trong không gian quán bar với tiếng nhạc xập xình, bạn cho rằng: “Cha sinh mẹ đẻ người ta ra còn không có quyền nói, mắc mớ gì tụi bây phán xét. Người ta có tiền thì người ta đi bar. Sinh năm 2006 đi bar thì kệ người ta!”. Trong câu nói của bạn, không đếm xuể những ngôn từ tưởng rằng chỉ có thể nghe được trong một cuộc ẩu đả.


Một số quán bar, club, vũ trường... trên thế giới có quy định hẳn hoi về độ tuổi khách hàng. (Ảnh: Internet)
Một số quán bar, club, vũ trường... trên thế giới có quy định hẳn hoi về độ tuổi
khách hàng. (Ảnh: Internet)


Các bạn mới chỉ là học sinh mà đã có tư tưởng “có tiền có quyền” thì thử hỏi khi các bạn lớn lên, vì tiền, các bạn có gì mà không dám làm. Bởi vì có tiền thì có quyền! Suy nghĩ lệch lạc và ngôn từ không phù hợp của các bạn học sinh chính là những tác hại tâm lí trước mắt mà ai cũng phải thừa nhận.

Ở một số quốc gia trên thế giới, có quy định giới hạn độ tuổi nhất định để vào các quán bar, câu lạc bộ, vũ trường… Thiết nghĩ người lớn nên dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề này để bảo vệ các em trước những cạm bẫy khi tuổi đời còn quá nhỏ.

Theo Thế giới trẻ