Vu Lan nhớ lời Thiền sư Nhất Hạnh: Làm được gì cho cha mẹ vui thì làm ngay đi

Không chỉ lễ Vu Lan, việc hiểu bố mẹ để trao món quà, đồng thuận, ủng hộ những quyết định của họ dù đôi khi trái với mong muốn của mình là điều cần được duy trì.

Lưu Quỳnh Anh là bạn thuở tắm mưa của tôi. Chúng tôi có 3 năm học chung THPT ở quê nghèo, nơi học sinh thuở hai mấy năm trước đi về bụng đói, đường 2B (bùn, bụi) nhiều kỷ niệm.

Nhiều năm sau tôi mới gặp lại Quỳnh Anh ở TP.HCM. Rồi gặp mẹ bạn, bấy giờ tôi mới được nghe kể hành trình chinh phục chữ nghĩa của Quỳnh Anh và các anh chị của bạn hết sức gian nan. Mẹ bạn, bà mẹ quê chân đất một mình nuôi cả gần 10 người con, thời bao cấp đó là chuyện thật sự đáng nể.

Quỳnh Anh vào đại học, đó là tiếp nối hành trình chinh phục ước mơ của các anh chị mình. Người mẹ đã truyền cho Quỳnh Anh động lực học hành: đó là con đường để thoát nghèo khó.

“Vì mình chịu khó chịu khổ một thời gian để kiếm cái chữ thì sau đó sẽ có cái nghề cái nghiệp, tự nuôi sống bản thân, đỡ bán mặt cho đất”, người mẹ quê chia sẻ.

Các anh chị của Quỳnh Anh đều có công việc ổn định ở TP.HCM, và yêu thương nhau. Cả hai điều hiếm thấy ở một gia đình đông con đã được mẹ của bạn kết nối, thổi hồn để biểu hiện.

“Bác vui nhất là mấy anh chị em Quỳnh Anh biết thương nhau”, bà nói với tôi.

Vu Lan nhớ lời Thiền sư Nhất Hạnh: Làm được gì cho cha mẹ vui thì làm ngay đi-1
Ơn cha nghĩa mẹ luôn dễ chạm đến trái tim của nhiều người.

Ngoài sự thành đạt của Quỳnh Anh, đang làm “sếp” của một chi nhánh ngân hàng thì tình thương, sự đoàn kết chính là món quà lớn mà bà nhận được từ các con.

Thực sự, không có gì buồn hơn chuyện con cái mình không hòa thuận, xào xáo lẫn nhau. Có những gia đình, vì tranh giành tài sản của bố mẹ mà anh chị em đưa nhau ra tòa, từ mặt nhau. Hẳn người mất, là bố mẹ, không bao giờ mong muốn điều ấy. Bố mẹ còn sống mà thấy con bất hòa, chắc chắn sẽ não phiền.

Tôi nhìn mẹ Quỳnh Anh, ở tuổi 80, bà khá tự tại và bình yên với căn nhà ở chính mảnh đất quê, nơi mấy anh em bạn đã lớn lên. Căn nhà kỷ niệm đó của mẹ và các anh chị em đã được mấy anh chị em Quỳnh Anh chung góp để xây dựng hoàn thành khang trang cách đây vài ba năm. 

“Mẹ muốn về quê ở cho thong thả”, mẹ Quỳnh Anh đề nghị. Dù rất muốn bà ở TP.HCM để tiện ghé thăm mỗi ngày, chăm sóc mỗi tuần nhưng mấy anh chị bạn lắng nghe mẹ, hiểu mong muốn sâu thẳm của người già nên đồng ý với quyết định đó.

“Mà hình như về quê mẹ khỏe hơn, tự ăn tự lo, ưng ngủ khi nào ngủ”, Quỳnh Anh kể.

Cứ vậy, mỗi tháng, bà đón các con về, có khi Quỳnh Anh đi công tác miền Trung, tạt về Quảng Nam thăm mẹ một hai hôm. Nhờ vậy, bà đã được đón con cháu thường xuyên hơn, nhất là những dịp hè, lễ Tết, ngôi nhà ở quê tràn ngập tiếng cười.

Hiểu bố mẹ để trao món quà, đồng thuận, ủng hộ những quyết định của bố mẹ dù đôi khi trái với mong muốn của mình là điều không phải ai cũng làm được. Có những người con đón bố mẹ từ quê lên phố, cắt đứt không gian sống quen thuộc của ông bà, làm cho họ mệt mỏi, chán nản nhưng sợ con mình buồn nên ráng sống. 

Mùa Vu Lan năm nay, tôi ngồi với một vị thầy bên tách trà sáng và nói về hiện tượng này. “Quả thực, con cái đôi khi áp đặt suy nghĩ của mình lên bố mẹ, bắt bố mẹ phải theo mình chỉ vì sự tiện lợi của bản thân”, vị thầy nói.

Đó là khi con cái đem bố mẹ lên phố để chờ con đi làm về trong bốn bức tường chung cư, thậm chí nhà trọ. Hoặc lên phố chỉ để chăm con mình trong khi tay chân đã lọng cọng, đến tuổi cần ngơi nghỉ.

Cuộc ly hương bắt buộc ấy khiến người già giảm chất lượng sống - là niềm vui bên mảnh đất tổ tiên, ông bà để lại, với những quen thuộc hàng ngày.

Vu Lan hiện nay không phải chỉ nằm trong sinh hoạt của Phật giáo với những lễ nghi, cúng kiếng, cầu siêu mà còn là dịp để nhắc nhớ đạo hiếu, vai trò làm con, bổn phận của bố mẹ đối với việc sinh, dưỡng, giáo dục con. 

Tôi rất thích quan điểm của thầy khi nói về hiếu đạo của con với trách nhiệm và tình thương của bố mẹ, luôn có sự nương nhau biểu hiện. Con cái sẽ khó có hiếu với bố mẹ nếu bố mẹ bất hiếu với ông bà. Câu chuyện về chiếc cũi chở bà nội vào rừng bỏ dạy mình về đạo đức có sự “di truyền”.

Ông bố đóng cũi chở bà nội vào rừng bỏ thì đứa con “nhắc” cha nhớ đem cũi về để mai mốt cha mẹ già con cũng đem vào rừng ở là một tiếng chuông tỉnh thức.

Muốn con có hiếu với mình thì bản thân ta phải trọn đạo làm con. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con những điều hay lẽ phải, không chỉ bằng lời nói mà quan trọng là “thân giáo”; giúp con thăng tiến trong khả năng cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm.

Từ đó, con cái trưởng thành sẽ nhớ ơn sinh, dưỡng, giáo dục kỹ lưỡng của bố mẹ mà tự nhiên có hiếu. Và, từ đó chúng cũng sẽ có phương pháp đúng để giáo dưỡng cháu mình. Nếp nhà hình thành từ lẽ sống tử tế, chính trực, biết ơn và báo ơn sâu sắc của người lớn, truyền lại cho người nhỏ qua nhiều thế hệ.

Vu Lan, tôi đi dự nhiều lễ “bông hồng cài áo”, thấy nhiều người khóc nghẹn, dù họ già hay trẻ, đàn bà lẫn đàn ông. Có lẽ vì ơn cha nghĩa mẹ luôn dễ chạm đến trái tim mỗi người. Có người khóc vì thương, có người khóc vì hối lỗi. Dịp này, thông điệp “cha mẹ là Phật sống” lại được nhắc nhở.

Theo đó, Phật không ở đâu xa, ở ngay trong nhà mình, tìm Phật phải hiếu kính mẹ cha. Nếu không có hiếu thì ta cũng sẽ khó thấy Phật, không thể nào gặp Phật. Do vậy, nhà Phật mới dạy: Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.

Năm nay, tháng Bảy - Vu Lan lại về trong lòng người. Tôi nhớ Thiền sư Nhất Hạnh, trong tinh thần hiếu ân, lại nghe đâu đó lời Thầy dạy: “Cha mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để cha mẹ vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng quá muộn”.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/le-vu-lan-nho-loi-thien-su-nhat-hanh-lam-duoc-gi-cho-cha-me-vui-thi-lam-ngay-di-2182790.html?fbclid=IwAR0-cAb8pyZ4FWRyoOLuHB-CvnORDKh8u8T95FeS6OSoCBDI0tMRNEKRiHY

lễ Vu Lan

Tin tức mới nhất