Theo thông tin được chia sẻ, sự việc xảy ra vào ngày 27/3, tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Hình ảnh cô gái bị lột sạch quần áo, từng nắm tóc bị cắt nằm rơi vãi trên đường phố... gây ám ảnh.
Được biết, trước đó, một nhóm người đã chặn chiếc xe ô tô màu đen và ép đôi nam nữ trên xe xuống đường. Rồi nhóm người này lao vào đánh đấm, giật tóc và tiếp đó là lột quần áo, cắt tóc cô gái ngay giữa đường phố đông đúc.
Vụ lột đồ, cắt tóc đánh ghen ở Bình Dương.
Hiện tại cơ quan công an đang xác minh, làm rõ về nhóm người này.
Dù những cảnh tượng đánh ghen, lột đồ không còn quá xa lạ trên mạng xã hội nhưng hình ảnh cô gái bị lột quần áo, cắt tóc giữa thanh thiên bạch nhật vẫn làm nhiều người ớn lạnh.
Nhiều người vợ, từ vai trò là nạn nhân khi chồng cặp bồ đã trở thành thủ phạm sau cuộc đánh ghen.
Mới đây nhất, vụ tạt xăng đánh ghen ở Quảng Nam làm dư luận bàng hoàng. Nghi ngờ chồng có quan hệ tình cảm ngoài luồng, chị Nguyễn Thị Diễm Phượng và mẹ chồng quyết đi tìm... đối phương để đánh ghen.
Khi phát hiện chồng và tình nhân, nàng dâu và mẹ chồng xông vào đánh, tưới xăng lên người tình địch và châm lửa đốt. Hình ảnh người phụ nữ như ngọn đuốc cháy ngùn ngùn giữa đường trở thành nỗi kinh hoàng về vụ đánh ghen.
Sau sự việc, chị Phượng và mẹ chồng bị khởi tố về tội "Giết người".
Trước sự việc này, đã rất nhiều phụ nữ phải ra vành móng ngựa, bị tù tội xuất phát từ việc đánh ghen. Ghen tuông, tìm cách níu kéo người chồng bội bạc hay trong giây phút mất kiểm soát nhiều người vợ, người mẹ đã biến mình thành tội phạm.
Trên thực tế, trong rất nhiều vụ việc, có thể thấy người vợ đi lột đồ, cắt tóc tình địch được nhiều người xung quanh tung hô, nhất là các bà vợ đang muốn "dằn mặt" những ông chồng bội bạc và kẻ thứ ba.
Xét về mặt tình cảm thì hành vi đánh ghen là một hành động, một dạng phản ứng có điều kiện. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM nhấn mạnh, xét trên khía cạnh pháp luật, người đánh ghen rất dễ vi phạm pháp luật.
Cụ thể, luật sư Chánh phân tích, hành vi đánh ghen có thể tạm chia ra làm hai hình thức phổ biến là xúc phạm danh dự nhân phẩm như chửi bới, lăng mạ, lột quần áo người khác trước đám đông và xâm hại thân thể, sức khỏe, tính mạng nạn nhân như cắt tóc, đánh đập, tạt axit...
Đối với hình thức đầu tiên, tuy không gây thương tích cho đối phương nhưng hành vi chửi bới, lăng mạ, lột quần áo... giữa nơi công cộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Người đánh ghen có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Cũng theo Nghị định này, người đánh ghen nếu trực tiếp hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe, thân thể của người khác có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.
Nếu mức độ nghiêm trọng hơn thì người đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, người đánh ghen có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến tối đa 5 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Vụ tẩm xăng đánh ghen kinh hoàng ở Quảng Nam.
Với hành vi xâm hại thân thể, sức khỏe người khác, nếu trong quá trình đánh ghen, người đánh ghen gây ra thương tích cho nạn nhân thì tùy tính chất, mức độ người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Mức xử lý thấp nhất của tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Theo Dân Trí