Dạy con trẻ thế nào để con vừa ngoan ngoãn lại vừa thể hiện được cá tính của mình là điều vô cùng nan giải với nhiều phụ huynh. Bởi vì, chỉ cần trong cơn nóng giận, không kìm chế được cảm xúc, cha mẹ có thể sẵn sàng dùng đòn roi dạy bảo - thứ là nỗi ám ảnh của không ít đứa trẻ.
Mới đây, nhiều bậc phụ huynh một lần nữa lại bàng hoàng, xót xa về clip một người mẹ "dạy" con gái bằng cách cầm chổi đánh liên tiếp vào người con. Cô bé bị đánh nhiều đến mức quá sợ hãi không dám làm theo lời mẹ ra lệnh nằm xuống. Cán chổi mỗi lần đánh vào người, thậm chí vào đầu cô bé như xé lòng với những ai chứng kiến.
Thế nhưng, bên ngoài câu chuyện con cái làm sai, bố mẹ nóng tính thì điều đáng nói là hàng xóm - những người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc - đã không trực tiếp vào khuyên can mà thản nhiên cầm điện thoại quay clip lại.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội), về vấn đề này.
Bé gái gào khóc sau mỗi lần cán chổi đánh vào người.
- Chào bà, cảm xúc đầu tiên của bà khi xem clip mẹ đánh con này?
- Tôi không đủ can đảm để xem nó đến cùng. Ngay lập tức trong đầu tôi hiện ra một câu hỏi: Khi tôi nói các mẹ, con phạm lỗi hãy nghiêm khắc phạt con, tước đi của con một thứ mà con thật yêu thích, thật vui khi có nó, các mẹ đã bảo điều đó quá dã man với trẻ. Vậy cái cách trừng phạt kinh hoàng này thì là yêu con chăng, là không gây tổn thương cho con hay sao?
- Theo bà, tại sao em bé trong clip lại không nghe lời mẹ?
- Người mẹ đã không cương quyết xử lý nghiêm những lần con nhõng nhẽo trước đây, nhiều lần dọa nạt nhưng không thực hiện lời dọa đó nên con nhờn và không nghe theo cha mẹ. Khi trẻ đã quá coi thường lời răn dạy thì mọi roi vọt chỉ có giá trị xả cơn giận và thể hiện nỗi bất lực của cha mẹ khi dạy con.
- Ám ảnh của mỗi đứa trẻ sẽ thế nào sau mỗi lần bị đòn roi?
- Bạo lực, đó là mầm mống đại họa cho mọi mối quan hệ. Một đứa trẻ bị bố mẹ đánh lúc nhỏ sẽ có một tâm hồn bị tổn thương sâu sắc. Chưa tính đến những vết thương trên cơ thể, tổn thương trong tâm lý của đứa trẻ thật không có thước nào đo được.
Hãy tưởng tượng cảm giác của một em bé đang rất trông chờ ở sự chở che của người mẹ, lá chắn, điểm tựa tinh thần của bé thì đột ngột cái điểm tựa ấy lại biến thành hung thần ác độc, dùng sức mạnh để gây đau đớn và sợ hãi tột cùng.
Có nhiều em bé khi bị mẹ đánh thì đã hoảng hốt chạy đến ôm chặt chân mẹ, người vừa đánh đập mình và kêu khóc thảm thiết. Vào đúng lúc bị "điểm tựa" của chính mình phản bội dã man, đứa trẻ vô cùng sốc, nó chỉ biết bám lấy điểm tựa cũ (vì còn biết bám vào đâu khác) nhưng nó sẽ hoang mang vô cùng.
Chưa nói đến những tổn thương về thân thể, tổn thương tinh thần mà đứa trẻ bị bạo hành gặp phải sẽ còn để lại những di chứng lâu dài trong cuộc đời của chúng về sau. Có trẻ sẽ bị rối loạn nhân cách, sinh ra tật xấu. Có bé bị hoảng loạn quá, sẽ nảy sinh những vấn đề tâm lý như: thiếu tự tin, trầm cảm...
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (bên trái).
- Nếu con hư, không nghe theo lời cha mẹ thì các bậc phụ huynh phải làm gì?
- Dạy con điều quan trọng cần làm là đặt ra các nguyên tắc, các giới hạn và không bao giờ vượt qua. Nếu trẻ bỏ quên nguyên tắc hoặc vượt qua ranh giới quy định, cần có thái độ rất nghiêm túc và cương quyết. Lâu dần trẻ sẽ hiểu được những điều đó và sẽ biết cách ứng xử ngoan ngoãn hơn. Đôi lúc trẻ không ngoan thì những hình phạt như ngồi ghế phạt, bị tước đoạt quyền lợi sẽ giúp trẻ hiểu và tự điều chỉnh mà không cần roi vọt.
- Bản thân chị có bao giờ không kìm được cảm xúc và đã đánh con chưa? Và từ cách dạy con chị rút được điều gì cho mình khi trở thành chuyên gia?
- Tôi phạt con rất nghiêm. Hình phạt là tước đi một niềm vui nho nhỏ nào đó của con khiến cho con hiểu mình đã vượt qua giới hạn cho phép. Vì thế, thật may mắn là con tôi chưa bao giờ bị roi của mẹ.
- Không ít người bức xúc vì những người hàng xóm trong clip trên không khuyên can mà thản nhiên đứng quay lại. Nếu chị là người hàng xóm đó chị sẽ làm gì?
- Tôi nghĩ, những người hàng xóm này cũng thật sự không muốn cứu đứa trẻ mà chỉ muốn làm xấu mặt bố mẹ cháu. Điều này chẳng những không giúp được ai mà có khi còn làm tăng mức độ căng thẳng của các mối quan hệ.
Nếu như đó là một vụ việc nghiêm trọng cần có bằng chứng trước tòa thì việc quay clip là hợp lý. Nhưng nếu không phải thì việc đó vi phạm quyền riêng tư cá nhân của người khác và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người ở trong clip. Cần có những biện pháp, chế tài để xử lý tình trạng thiếu tôn trọng người khác như thế này.
Nếu tôi là người hàng xóm đó, tôi sẽ gọi mẹ cháu ra ngoài nhờ việc để đánh lạc hướng. Cho uống nước để làm dịu cơn nóng và sau đó tặng mẹ sách dạy con.
- Xin cảm ơn bà!
Theo Khám Phá