Vụ Mercedes tông sập tường nhà cổ: Xem xét trách nhiệm hình sự khi nào?

Theo luật sư, nếu giá trị tài sản thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, nữ tài xế sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp lý theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Rạng sáng 4/12, chị B.T.L. (20 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển ô tô hiệu Mercedes tông vào mạn trái nhà số 47 Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến ngôi nhà bị sập một phần tường đỡ mái hiên. Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, căn nhà này có tuổi đời hơn 100 năm, là một trong 538 ngôi nhà thuộc diện bảo tồn và thuộc nhóm những ngôi nhà cổ nhất Hà Nội còn sót lại.

Vụ Mercedes tông sập tường nhà cổ: Xem xét trách nhiệm hình sự khi nào?-1
Chiếc Mercedes GLC63S tông sập một bên tường đỡ mái hiên căn nhà cổ (Ảnh: CTV).

Còn theo lực lượng chức năng, thời điểm gây tai nạn, trong hơi thở của nữ tài xế có nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra cho thấy chị L. vi phạm nồng độ cồn ở mức 2 (ngưỡng từ 0,25 đến 0,4 mg/lít khí thở). Công an quận Hoàn Kiếm đang lập hồ sơ vụ việc để xử lý tài xế vi phạm theo quy định của pháp luật.

Vụ việc thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Trong đó, số phận pháp lý của nữ tài xế là một trong những vấn đề được độc giả Dân Trí đặc biệt quan tâm.

Bình luận về vấn đề này, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khung hình phạt cơ bản của tội danh này là phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Trường hợp người vi phạm trong hơi thở hoặc máu có chất cấm hay nồng độ cồn, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này, mức phạt áp dụng là phạt tù 3-10 năm.

"Đối với trường hợp trên, việc xem xét trách nhiệm hình sự của nữ tài xế là có cơ sở. Cơ quan chức năng sẽ định giá khối lượng tài sản thiệt hại, trong đó bao gồm giá trị tài sản bị hư hại và chi phí cần thiết để phục dựng lại phần tường bị húc đổ. Phần giá trị thiệt hại phải áp dụng theo thời giá, khấu trừ đi hao mòn tài sản theo thời gian hay các hao mòn khác (nếu có) còn phần chi phí phục dựng có thể bao gồm các khoản như tiền vật liệu xây dựng, tiền nhân công hay các khoản chi phí khác.

Về chi tiết bức tường thiệt hại thuộc căn nhà cổ, những chi phí như thuê chuyên gia, kiến trúc sư... lên bản vẽ, phục dựng công trình như trước, đây là những khoản chi phí không bắt buộc và nếu có cũng sẽ không được tính vào phần giá trị tài sản bị thiệt hại", luật sư Giáp phân tích.

Từ kết quả giám định, định giá tài sản thiệt hại, nếu giá trị tài sản thiệt hại từ 100 triệu trở lên, trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được xem xét áp dụng. Trong trường hợp chưa đủ căn cứ cấu thành tội phạm hình sự, lực lượng chức năng sẽ áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của nữ tài xế này.

Về trách nhiệm dân sự, nữ tài xế có trách nhiệm bồi thường cho chủ ngôi nhà bị thiệt hại trong phạm vi phần thiệt hại do lỗi của bản thân gây ra.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/vu-mercedes-tong-sap-tuong-nha-co-xem-xet-trach-nhiem-hinh-su-khi-nao-20231205145324973.htm

tai nạn giao thông tài xế

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao