Ngoài người con trai tên Nguyễn Quốc Toàn bị tố chiếm giữ cổ phần của gia đình tại Ngân hàng Nam Á, vợ ông Toàn là Á hậu Dương Trương Thiên Lý, cùng cha ruột của người này cũng “ghi danh” khi đã chiếm giữ nhiều tài sản do vợ chồng bà Tư Hường dày công tạo lập…

Thông gia “biến hình” thành gian gia

Trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Chấn cho biết: Vào tháng 11-12/2017 vì nghe lời con trai là Nguyễn Quốc Toàn, ông đã giao Công ty Hoàn Cầu (vốn điều lệ 1.170 tỷ đồng) và Công ty Hoàn Cầu Nha Trang (vốn điều lệ 720 tỷ đồng) cho ông Dương Tiến Dũng (trú quận Bình Thạnh, TP.HCM) là cha ruột của Á hậu Dương Trương Thiên Lý, quản lý. Á hậu Dương Trương Thiên Lý chính là người vợ kém gần 20 tuổi của của ông Nguyễn Quốc Toàn.

“Tôi có ký các Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của vợ chồng tôi tại hai công ty trên cho ông Dương Tiến Dũng để thuận lợi cho công tác quản lý và làm thủ tục hành chính với nhà nước. Hai bên cũng không tiến hành thẩm định giá trị, bàn giao tài sản, sổ sách của công ty. Trên hợp đồng chuyển nhượng có ghi giá chuyển nhượng trên 1.700 tỷ đồng, tương đương giá trị góp vốn ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng ông Dũng không thanh toán bất kỳ khoản tiền nào cho tôi”, ông Chấn cho biết.

Theo ông Chấn, vì tin tưởng con, hơn nữa khi đó toàn bộ sổ sách, chứng từ của Công ty Hoàn Cầu và Công ty Hoàn Cầu Nha Trang vẫn do ông nắm giữ để tại tủ két sắt nhà 141 Võ Văn Tân, do đó ông có ký các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp nhưng mục đích chỉ là để thuận lợi thủ tục hành chính.

Ông Chấn nhấn mạnh, hơn ai hết, ông Dũng cũng biết rõ vốn góp tại 2 công ty này là tài sản chung của vợ chồng ông được hình thành từ khi thành lập công ty năm 1993. Cũng vì đây là tài sản chung của vợ chồng ông, khi bà Tư Hường qua đời, chưa mở thừa kế nên bản thân ông Chấn cũng không được toàn quyền quyết định.

“Theo quy định của pháp luật thì trong số tài sản này có một nửa là của vợ tôi. Do đó khi vợ tôi qua đời không để lại di chúc, ngoài tôi thì 10 người con của chúng tôi đều có quyền lợi. Chính vì vậy mà tôi không thể tự mình chuyển nhượng số tài sản đó cho người khác được. Như đã nói ở trên, việc tôi chuyển nhượng phần vốn góp cho ông Dũng chỉ là để thuận lợi trong thủ tục hành chính”, ông Chấn chia sẻ.

Vậy nhưng tất cả đều nằm ngoài dự liệu của ông Chấn, ngày 25/7/2018, nhiều giấy tờ, chứng từ trong tủ két tại nhà 141 Võ Văn Tần đã bị mất cắp. Ngay sau đó, toàn bộ tài sản là vốn góp của vợ chồng ông Chấn tại hai công ty trên đã bị ông Dũng chuyển nhượng cho người khác và nhanh chóng hợp thức hóa trái pháp luật toàn bộ thủ tục sang nhượng vốn góp này.

Nhà hương hỏa cũng “bốc hơi”?

Theo ông Chấn, căn nhà số 141 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) là căn nhà do vợ chồng ông tạo lập và sinh sống từ năm 1991, dự kiến sẽ làm nơi thờ phụng, xum họp gia đình sau này. Tuy nhiên ông Chấn cho biết, hiện tại căn nhà đã bị người con dâu là Á hậu Dương Trương Thiên Lý –vợ ông Toàn chiếm đoạt.

Ông Chấn kể: “Khi vợ tôi - bà Tư Hường qua đời, căn nhà 141 chính là nơi tổ chức tang chay cho bà ấy. Sau đó tôi vẫn sinh sống ở căn nhà này để ngày ngày thắp hương cho vợ. Tôi sinh sống ở tầng 1, còn vợ chồng Toàn sinh sống ở tầng hai. Tuy nhiên trong một thời gian dài tôi không được gặp con vì chúng tránh mặt tôi.

Tôi có hai người họ hàng, họ gắn bó với gia đình tôi suốt khoảng 20 năm, họ lo việc ăn uống và thuốc men cho tôi. Tuy nhiên, bằng cách nào đó vợ chồng Toàn cũng đuổi họ đi, cho họ nghỉ việc. Toàn bộ căn nhà 141 Võ Văn Tần cũng bị chiếm đoạt, họ còn sử dụng quyền sở hữu tài sản (sau khi chiếm đoạt) để tố ngước lại tôi. Vì không còn ai chăm sóc và bị bức ép nên tôi phải chuyển đi khỏi căn nhà này.

Theo tôi được biết, hiện người chiếm giữ toàn bộ căn nhà này chính là con dâu tôi- Dương Trương Thiên Lý và người làm công hiện đang làm việc tại Công ty Hoàn Cầu đứng tên trên giấy tờ”.

Vụ Nam Á Bank: Tài sản khủng của bà Tư Hường biến mất bằng cách nào?-1

Con trai chiếm hết cổ phần của cha?

Còn về chồng của Á hậu Dương Trương Thiên Lý - ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Á thì bị ông Chấn tố chiếm giữ hết cổ phần tại Ngân hàng Nam Á và đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Ông Chấn cho biết: “Vào giữa năm 2016, vợ tôi đau bệnh nên có giao cho người con trai là Nguyễn Quốc Toàn quản lý Ngân hàng Nam Á và Tập đoàn Hoàn Cầu nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về vợ chồng tôi”.

Thế nhưng, vợ chồng ông Chấn không ngờ rằng sau đó tài sản của vợ chồng ông đã bị chiếm giữ hết. Theo ông Chấn, lợi dụng lòng tin và quyền quản lý tài sản, người con trai thứ của ông đã tự làm thủ tục sang tên cho người khác kiểm soát, chiếm giữ toàn bộ tài sản.

“Cụ thể, các cổ phiếu và hồ sơ liên quan do người thân của tôi đứng tên được gửi cất giữ trong tủ két của gia đình tại nhà số 141 Võ Văn Tần đã bị sang nhượng có chủ ý cho những người gia đình không hề quen biết.

Hậu quả là gia đình và người thân của tôi hoàn toàn mất các cổ phiếu và mất quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động tại Ngân hàng Nam Á. Các đối tượng ngang nhiên sử dụng các quyền của cổ đông để được chia cổ tức và nắm quyền điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Nam Á”, ông Chấn nói.

Ông Chấn cho biết, khi sự việc xảy ra, vì gia đình ông còn đang thời gian tang chay (bà Tư Hường qua đời) nên muốn dùng con đường tình cảm, dùng tình máu mủ ruột thịt để mong những người liên quan chấm dứt việc làm sai trái, hoàn trả lại cổ phiếu và doanh nghiệp cho chúng tôi. Thế nhưng, những người này vẫn không coi trọng luân thường đạo lý, vì đồng tiền bất chấp tình thân và luật pháp.

Ông Chấn cho hay, hiện tại ông đã gửi đơn tố cáo tới Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Ủy ban tư pháp Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước… với mong muốn làm sáng tỏ vụ việc.

Theo tìm hiểu, ngoài số tài sản 30.000 tỷ mà ông Chấn tố bị chiếm đoạt, ông vẫn còn nhiều tài sản khác nữa, thoải mái cho ông xài tới cuối đời. Tuy nhiên, ông Chấn cho biết ông không thể chỉ sống cho riêng mình. Bởi ông còn có tới 10 người con và rất nhiều cháu chắt. Lâu nay, ông và bà Tư Hường vẫn giao cho các con luân phiên nhau quản lý các công ty, tập đoàn của gia đình và Ngân hàng Nam Á. Đó là cách thử thách tố chất của từng người con và cũng là để các con đều được đối xử công bằng.

Đối với việc ông đòi 30.000 tỷ là vì ông muốn tài sản của gia đình phải được chia một cách công bằng cho tất cả các con, ông muốn các con hòa hợp, không đố kỵ lẫn nhau và đặc biệt là tôn trọng công lao của cha mẹ. Ông không thể chấp nhận được việc có một người con bất hiếu, dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản chung của gia đình để làm của riêng.

Được biết, ông Chấn đã có buổi làm việc với Cơ quan CSĐT Bộ Công an để cơ quan này tiếp nhận điều tra.

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng