Gần 1 tuần qua, câu chuyện anh Trịnh Mạnh Hải – Giám đốc Kinh doanh Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi DANBREDS có địa chỉ xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) và lái xe là anh Lê Văn Nam vào nhà chị Lê Thị Hồng Quyên (SN 1984) trú tại thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà (Hải Dương) mua đồ gỗ và bị chủ nhà nghi ngờ thôi miên, bắt cóc trẻ con xảy ra vào tối 20/7.

Sau khi anh Hải và người tài xế bị dân làng Đồng Hởi bắt giữ, một số người quá khích đòi lao vào đánh và đã đốt chiếc xe ô tô tiền tỷ của anh. Mọi nghi ngờ về anh Hải chỉ được giải đáp khi Công an huyện Thanh Hà vào cuộc điều tra, xác minh và có thông báo chứng minh thân nhân trong sạch của anh.


Chiếc xe ô tô tiền tỷ của anh Hải bị đốt cháy hoàn toàn. Ảnh: Đ.Tuỳ


Liên quan đến sư việc nghiêm trọng trên, luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay, cơ quan chức năng đã xác minh anh Hải và anh Nam không phải bắt cóc trẻ em hay thực hiện các hành vi thôi miên mà đi mua gỗ thật,

Cơ quan chức năng cần phải làm rõ ai là người loan tin không đúng sự thật, để làm rõ hành vi cố ý, hay có ai đứng sau để kích động gây mất trật tự, an ninh chính trị tại địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Ngoài ra, cơ quan cảnh sát điều tra cần làm rõ hành vi của những người phá, đốt chiếc xa Fotuner. Xác định rõ danh tính trên cơ sở xác minh, điều tra cũng như dựa trên hội đồng định giá tài sản thiệt hại để tiến hành khởi tố vụ án “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự”, Luật sư Long cho biết.

Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 500 nghìn đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500 nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.



Rất nhiều người có mặt tại gia đình chị Quyên sau khi sự việc xảy ra. Ảnh: Đ.Tuỳ


Nói về hành vi người tung tin bị thôi miên và bắt cóc trẻ em lên mạng xã hội, luật sư Nguyễn Ngọc Anh - Đoàn luật sư Hà Nội cho hay, thời gian gần đây một số người dân theo tâm lý đám đông chưa tìm hiểu kỹ sự việc nhưng đã tự ý xử lý vụ việc xuất hiện ngày càng nhiều.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do xuất phát từ thông tin bịa đặt bắt cóc trẻ em, bị thôi miên nhằm câu like, câu view của một số trang mạng xã hội gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, làm thiệt hại cho người khác, còn bản thân người thực hiện hành vi thì vướng vào vòng lao lý.

Đối với hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" thì theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013 mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng

Nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm, vu khống là nghiêm trọng và có đủ căn cứ thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo tội “Làm nhục người khác” theo Điều 121 Bộ Luật hình sự hoặc “Vu khống” theo Điều 122 của Bộ luật này.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Anh, thông tin chị Quyên thấy hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, trong người khó chịu, sau đó nghĩ mình bị anh Hải thôi miên và hô hàng xóm bắt giữ thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009 chị Quyên rất có thể phạm tội vu khống.



Hiện tại, gia đình chị Quyên không biết xử trí thế nào. Ảnh: Đ.Tuỳ


Tội này được biểu hiện ở những hành vi như: bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật...

Bịa đặt là hư cấu những chuyện không có thật; loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước, cho rằng họ đã phạm một tội nào đó. Hành vi vu khống có thể thực hiện thông qua các hình thức như: truyền miệng, viết bài, gửi đơn, thư tố giác, thư nặc danh.

Trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội. Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan nhà nước về việc người khác phạm tội.

"Tuy nhiên, xét về khía cạnh của vụ việc này, thì có thể xử lý hành chính đối với vợ chồng chị Quyên bằng việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 589 Bộ Luật dân sự năm 2015", luật sư Ngọc Anh cho biết.

 

Theo GiadinhNet