Như chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc về việc ngư dân tại Vịnh Xuân Đài (Sông Cầu - Phú Yên) đã có hành động "nhuộm" đỏ tươi hàng trăm kg ruốc đánh bắt từ biển lên và được nữ nhiếp ảnh My Lê ghi lại một cách khá chân thực.

Sự việc được đăng tải trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng, đồng thời một số chuyên gia cho rằng có thể chất nhuộm màu ấy có khả năng gây độc hại khiến người tiêu dùng hoang mang.

ruốc
Ruốc bị "nhuộm" màu đỏ (ảnh My Lê).


Được biết phía Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)  đã nắm được thông tin và đã có công văn đề nghị đồng chí Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Đồng chí Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên điều tra làm rõ thông tin trên.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngày 24 tháng 3 năm 2016, trên các thông tin đại chúng có đăng tin phản ánh về tình trạng người dân tại Vịnh Xuân Đài, Sông Cầu, Phú Yên sử dụng hoá chất để nhuộm đỏ ruốc.

ruốc
Công văn của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ đạo các ban ngành, lãnh đạo tỉnh Phú Yên làm rõ thông tin ruốc bị "nhuộm" đỏ.


Để xác minh và xử lý kịp thời thông tin phản ánh của báo, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Đồng chí Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Đồng chí Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương triển kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Ngăn chặn ngay việc sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc, không an toàn để tạo màu cho ruốc (nếu có).

Đồng thời, Cục An toàn Thực phẩm cũng đề nghị các cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với việc sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm trong hoạt động chế biến, bảo quản thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Đặc biệt chú ý giáo dục tuyên truyền cho nhân dân thay đổi những phong tục tập quán lạc hậu, phổ biến những kiến thức khoa học trong bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, khả năng chất mà người dân dùng để nhuộm đỏ con ruốc (tên gọi khác là moi) chính là Rhodamine B và rất có thể gây ung thư.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Phẩm màu này theo tôi chỉ là để làm đẹp cho con ruốc thôi, điều này cũng giống như các cô gái tô thêm son, mặc thêm áo đẹp. Bản thân con ruốc này khi đánh bắt lên thường nó có màu đỏ hồng tự nhiên, vì thế tôi cho rằng ruốc này có thể đã bị hỏng, ôi thiu nên người dân tìm cách nhuộm cho con ruốc để có màu đẹp hơn, trông như tươi ngon. Người sử dụng sản phẩm này sẽ gánh chịu 2 lần độc hại”.

Hiện nay, Bộ Y tế cho phép sử dụng chất màu nhân tạo trong chế biến thực phẩm như làm nước uống đóng chai, làm bánh… nhưng chỉ được phép sử dụng chất màu an toàn và đảm bảo nồng độ. Bên cạnh đó cũng có những phẩm màu an toàn, cũng có phẩm màu nguy hiểm, đặc biệt là những chất màu không trong danh mục của Bộ Y tế cho phép.

Nói thêm về điều này, này PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Nếu trong trường hợp bà con ngư dân đánh bắt ruốc rồi dùng phẩm màu rẻ tiền, không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế thì rất có thể là phẩm màu Rhodamine B. Rhodamine B là một chất gây màu đỏ, cho vào nhuộm thực phẩm cho màu đỏ rất đẹp, nhưng chất này bị cấm và vô cùng độc hại. Đặc biệt là Rhodamine B có khả năng gây ung thư rất cao”.

“Tôi không hiểu hiện nay sao người dân lại lắm trò, lắm chiêu để tự đầu độc nhau thế. Con ruốc vừa đánh ở biển lên đã nhuộm màu, con gà vừa giết đã bơm nước, nhuộm màu... Hành động này không chỉ là hành vi gian dối mà còn là đầu độc cả cộng đồng” này PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh bức xúc.

Theo Afamily/ Tri Thức Trẻ