Xem clip nữ sinh trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) đánh nhau ngay trong lớp học, tôi vừa sợ vừa đau lòng. Nếu là mẹ của những nữ sinh này, tôi chắc sẽ đau bội phần.

Cảnh quay là bục giảng lớp học. Tôi xem hết clip và quan sát những học sinh khác xung quanh 2 nữ sinh. Có em phụ giúp để một nữ sinh đánh bạn. Có những học sinh ngồi yên ở bàn. Có em đi lại và cười trước camera. Tất nhiên, có học sinh quay clip.

Vụ nữ sinh TP.HCM đánh nhau trong lớp: Tôi lo vì các em khác hờ hững-1

Vấn đề xung đột dẫn đến ẩu đả, bạo lực ngay trong lớp học đã nhức nhối. Thái độ của những học sinh khác trong lớp cũng khiến chúng ta lo âu. Gia đình, nhà trường phải làm gì để học sinh “có thái độ” trước cái xấu, cái ác?

Học sinh bây giờ vô cảm? Không phải vậy đâu! Học sinh ngày nay hay lắm, biết nhiều, thông minh, giỏi giang, nhạy cảm. Nhiều em được đầu tư, có điều kiện và cơ hội thể hiện năng lực cá nhân rất tốt.

Vấn đề là học sinh chưa được trang bị kỹ năng nhận diện và xử lý tình huống. Các em sẽ lựa chọn cách mà cho là dễ nhất cho mình: Không quan tâm - đó không phải việc của mình; không can dự - sợ hãi, sợ dính líu phiền phức; hùa theo cổ vũ vì đã quen nghe, xem những cảnh tương tự.

Không phải đến lúc này, ngay từ nhỏ, các em phải được trang bị cách thức nhận diện và bày tỏ, dần sẽ thành phản xạ và kỹ năng. Môi trường học đường không thể chấp nhận lối hành xử “chị đại”.

Thủ lĩnh, kẻ mạnh thực sự là người hiểu chuyện, đúng sai phân minh, lý tình thấu đáo; để có thể nắm tay và nâng người khác trên đôi vai của mình.

Trong học đường, nếu học sinh có kỹ năng và biết bày tỏ, chắc chắn sẽ ngăn chặn những hành vi xấu và bạo lực.

Về trách nhiệm gia đình, xã hội và nhà trường, không thể nói ai nặng ai nhẹ, nhưng chắc chắn các em phải được gia đình chỉ dạy, quan sát và uốn nắn từ bé.

Câu chuyện từ kênh của YouTuber Thơ Nguyễn vừa rồi, khi phụ huynh và cộng đồng lên tiếng, Thơ Nguyễn phải đóng kênh, tuyên bố giải nghệ, không biết đã cảnh tỉnh bao nhiêu phụ huynh, gia đình. Vì họ đã có phần bỏ mặc con với thế giới mạng "thượng vàng hạ cám" thông tin; có phần vô can không phản ứng không bày tỏ trước những điều xấu, thiếu văn hoá, phản giáo dục.

Tất nhiên, họ cũng có sự bất lực trước xu thế tiếp cận văn hoá, công nghệ giải trí và sự kiểm soát, quản lý mạng xã hội hiện nay.

Chúng ta phải lên tiếng, dạy bảo, quan sát, can thiệp... cái ác và lối hành xử vô đạo mới không đe dọa môi trường văn hoá giáo dục.

Theo Zing