40% số vụ tai nạn giao thông đường bộ có nguyên nhân từ rượu bia. Con số thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nói lên tất cả, để không cần phải phân tích thêm điều gì về vụ tai nạn thảm khốc đêm 21/10 tại ngã tư Hàng Xanh, TP. HCM.
Người đàn bà ấy say rượu và lái xe, chị ta đã tước đoạt mạng sống của một người, hàng loạt người khác bị thương trong đó 1 nạn nhân đang nguy kịch. Chị ta cũng cắt đứt tương lai của chính bản thân. Chị ta sẽ phải trả giá bởi luật pháp và nỗi ám ảnh kéo dài.
Nhưng, có lẽ đây không chỉ là chuyện của một mình người đàn bà ấy. Tôi nghĩ, rất nhiều người trong chúng ta cũng đã đến lúc nhìn lại thói quen của mình từ câu chuyện tang thương này.
Tôi xem đi xem lại đoạn clip ghi hình ảnh người đàn bà ấy sau khi bị lôi ra khỏi chiếc xe oan nghiệt. Chị ta ngồi bệt bên lề đường, giọng nói méo xẹo: “Em lo, em lo hết, đời em chưa bao giờ thế này...” – Đó là một hình ảnh vừa đáng giận vừa đáng thương. Giận thì rõ rồi, nhưng thương là bởi chứng kiến một con người đang yên đang lành tự đẩy mình xuống hố mà có lẽ vẫn không hiểu vì sao mình phải làm thế.
Tai nạn thảm khốc đã xảy ra vì một người phụ nữ lái xe khi đang say xỉn.
Ném đá vào một người đã rơi xuống đáy hố thì dễ, nhưng điều khó hơn là làm thế nào để những người phụ nữ khác không còn tự đẩy mình xuống hố, và kéo theo những sinh mạng vô tội chỉ vì cuộc rượu. Bởi tôi biết rằng, chẳng có ai muốn uống đến say mèm khi biết mình còn phải lái xe, chẳng có ai tự nhiên mà muốn đánh đổi cuộc sống của mình, và người khác lấy một cơn say.
Việt Nam là đất nước mà người dân tiêu thụ rượu bia hàng đầu thế giới. Điều đó… nổi tiếng rồi. Nhưng tôi đồ rằng người Việt không thực sự có nhu cầu rượu bia nhiều đến thế! Có lẽ, phần lớn chúng được dùng ở xứ ta là để ép nhau uống, ép nhau say.
Có lần, tôi thấy một người phụ nữ chệnh choạng bước ra từ phòng VIP của một nhà ăn cơ quan. Mặt đỏ tía, cái váy điệu đà xộc xệch, dáng liêu xiêu, thở như nuốt từng ngụm lớn không khí bên ngoài cái phòng ăn ồn ã. Tôi nhìn cô, tự hỏi “những đồng nghiệp, những vị khách đáng kính trong căn phòng muốn nhìn thấy điều gì nơi cô khi ép cô uống nhiều đến thế?”
Người ta ép nhau uống đến say để làm gì? Để vui ư? Nhiều người đã nói với tôi về niềm vui ấy mỗi khi tôi đặt câu hỏi này. Nhưng có gì vui khi nhìn bạn bè mình khổ sở, bê tha vì cơn say, mất kiểm soát vì cơn say? Tôi không thể hiểu niềm vui ấy, cũng như chưa từng nhìn thấy ở đâu người ta có cái văn hóa ép nhau uống rượu như ở xứ sở này.
Hai mươi năm trước, tôi từng bị ép rượu đến bục cả dạ dày trong những chuyến công tác miền núi triền miên. Các cô giáo bám trụ trong những lớp cắm bản đìu hiu sương phủ uống rượu vì buồn, vì cần một cái cớ để sẵn sàng nói ra những tâm sự thầm kín với một vị khách phương xa, khi say, khi họ cần một sự gần gũi, sự an toàn giả tạo để nói ra những điều không nên nói, làm những điều không nên làm. Điều đó thì tôi hiểu.
Nhưng tôi không thể hiểu vì sao ở thành phố hôm nay, những con người bận rộn, nhiều thú vui, nhiều trách nhiệm, lại cần ép rượu người khác đến mức say ở bữa trưa công sở, ở bữa tối bạn bè?
Tôi nhìn những người đàn bà say rượu, và thấy sự kiểm soát đầy bất lực của họ, thấy họ cố gắng để có vẻ bình thường, như con người mà bình thường chúng ta vẫn thấy. Và tôi nhận ra câu trả lời, rằng khi ép một ai đó phải uống đến say, người ta tìm thấy niềm vui, thậm chí là khoái cảm khi chứng kiến một con người bộc lộ bản năng con vật. Đó là một nhu cầu hạ tiện, nhu cầu thấy người khác thấp kém hơn ta, thấy người khác phải phô bày bản thể trần trụi của mình, cái bản thể mà mỗi chúng ta đều luôn tìm cách giấu kín trong lớp vỏ đạo đức, điệu đà được bọc lên mỗi ngày ta sống.
Tôi nhìn người đàn bà say rượu và thường nhìn thấy những gương mặt đàn ông đầy sự khao khát. Những người đàn ông khao khát nhìn thấy phần thú vật của mình ở những người khác. Và họ ép rượu nhau.
Theo Vietnamnet