Muốn bênh cũng…khó
"Ai cũng phải đi kiếm cơm, không chỉ có mỗi mình anh nên đừng gây ra lỗi lầm rồi đổ tại hoàn cảnh", một bình luận của độc giả Dân Trí về bài viết người giao hàng (shipper) tông vào đuôi xe hiệu Porsche, nhận được nhiều lượt thích và phản hồi đồng tình.
"Nhìn tội thật, nhưng sau mấy lần chứng kiến shipper vượt đèn đỏ, tôi cũng bó tay. Họ còn thường xuyên dán mắt vào điện thoại, phóng nhanh, lạng lách, gây nguy hiểm cho người khác", tài khoản B.N. bình luận.
Nam shipper quỳ gối khi tông vào ô tô Porsche (Ảnh cắt từ clip: N.M.T.).
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM), trong trường hợp chủ ô tô hiệu Porsche không có bảo hiểm xe ô tô, người shipper tông vào chiếc xe sang phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường.
Về tình tiết nam shipper cho rằng có xe máy tông từ đằng sau, đẩy xe anh lên phía trước gây ra vụ va chạm với xế hộp, người này phải có bằng chứng chứng minh đó là sự thật. Lúc đó, người lái xe máy tông vào shipper sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trường hợp không tìm được bằng chứng, việc nam shipper phải bồi thường là điều không tránh khỏi.
Anh Vũ Đăng (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) từng làm shipper trong hơn 1 năm. Anh Đăng cho hay, bản thân anh cũng chứng kiến cảnh shipper chạy nhanh, lạng lách, đánh võng trên đường phố.
Theo anh Đăng, tâm lý của tài xế, chạy nhanh có thể do khách hối thúc, sợ trễ đơn hoặc muốn tranh thủ "cày" thêm đơn hàng. Nhiều người còn sợ đơn hàng đến muộn sẽ bị đánh giá tiêu cực trên ứng dụng. Chung quy, những yếu tố này đều xoay quanh thu nhập.
"Khi chứng kiến cảnh shipper chạy ẩu, tôi chỉ kịp giật mình rồi lo lắng. Bởi việc đó không chỉ nguy hiểm cho chính tài xế mà còn cho những người xung quanh. Hi vọng các shipper cần ý thức lái xe cẩn thận hơn để giữ an toàn", anh Đăng bộc bạch.
Chia sẻ với công việc vất vả của các shipper nhưng dư luận chung vẫn không thể thông cảm với chuyện những người giao hàng chạy ẩu, lái xe lạng lách, bất chấp an toàn (Ảnh: V.H).
Đọc những bình luận về việc chỉ trích shipper chạy ẩu, anh Đăng rầu rĩ phân trần, không phải shipper nào cũng như thế. "Chẳng hạn như tôi, tôi lúc nào cũng cố chạy thật cẩn thận để không làm xấu hình ảnh của người làm nghề này", cựu shipper chia sẻ.
Về sự việc người giao hàng tông vào đuôi ô tô Porsche mới đây, bị bắt đền 200 triệu đồng, anh Đăng bày tỏ thương xót cho hoàn cảnh của shipper. Anh Đăng mong chủ ô tô chờ đợi làm rõ nguyên nhân sự việc, có hướng xử lý hợp lý, hợp tình.
Trải nghiệm đáng quên
Phương Nhi (20 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) chia sẻ, cô từng có nhiều trải nghiệm đáng quên trên đường phố với shipper.
"Mỗi lần dừng đèn đỏ trước xe máy của shipper là xem như... cực hình. Họ bóp còi inh ỏi, hối thúc tôi phải đi thật nhanh. Shipper vượt đèn đỏ, chạy ẩu là điều không hiếm thấy trên đường", Nhi nhận xét.
Ác cảm của cô gái lên đến đỉnh điểm trong một lần di chuyển trên đường, bị shipper chạy quá tốc độ va quẹt. Hậu quả, cô gái bị ngã xuống đường. Người shipper chẳng những không xin lỗi mà còn chửi mắng rất khó nghe.
"Tôi rất giận nhưng lại sợ vì người shipper tỏ vẻ hung dữ. Tôi không muốn rắc rối nên cứ nén đau đi về. Tôi chẳng biết người đó là ai nên cũng không thể khiếu nại lên tổng đài được", Nhi nói.
Sau sự việc người giao hàng tông vào đuôi xe sang, cộng đồng shipper cũng rút kinh nghiệm trong việc lái xe an toàn, giữ khoảng cách khi đi trên đường (Ảnh: NLĐ).
Theo nghiên cứu "Những hành vi nguy hiểm dẫn đến va chạm giao thông giữa các tài xế xe ôm công nghệ ở Việt Nam" được công bố trong tạp chí quốc tế Nghiên cứu phương tiện giao thông - Đại học RMIT Việt Nam, xe ôm là phương tiện giao thông rất phổ biến. Tuy nhiên, ít có tài xế hiểu được các hành vi lái xe nguy hiểm của bản thân.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 602 tài xế ôm công nghệ từ 3 thành phố ở Việt Nam. Khảo sát chỉ ra rằng, 30% tài xế xe ôm công nghệ cho hay từng gặp tai nạn xe cộ. Hơn hết, gần 80% tài xế xe ôm nhận định, tai nạn xảy ra là do chính hành vi lái xe không an toàn của mình.
Trong đó, sử dụng điện thoại di động khi lái xe là hành vi nguy hiểm phổ biến nhất (52%); tiếp đó là chuyện bỏ qua việc sử dụng đèn xi nhan (31%); lấn làn đường ô tô (25%); vượt quá giới hạn tốc độ cho phép (21%); vượt đèn đỏ (19%) và chở nhiều hơn một hành khách (17%).
"Những người lái xe ôm được coi là có nguy cơ gặp va chạm giao thông nhiều hơn vì họ có xu hướng lái xe thường xuyên trên đường. Nhóm này không được cơ quan quản lý và cấp phép ở hầu hết các nước đang phát triển nên có mức độ an toàn đường bộ kém hơn", nghiên cứu chỉ rõ.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất, những người lái xe ôm chạy trên ứng dụng phải tham gia khóa đào tạo về an toàn của công ty, trước khi bắt đầu làm việc.
Theo Dân Trí