Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Phanh xe container không hỏng

Kết quả khám nghiệm ban đầu của cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy hệ thống phanh xe container gây tai nạn hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn, không có bất kỳ hỏng hóc gì.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Phanh xe container không hỏng-1
Chiếc xe container gây tai nạn tại Long An (ảnh: Tiền Phong).

Theo Tiền Phong, chiều 3/1, cục Đăng kiểm Việt Nam công bố kết quả giám định chiếc xe container mang biển số 62C-043.48 gây ra vụ tai nạn kinh hoàng tại ngã tư Bình Nhựt, trên Quốc lộ 1A qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Tại trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 62-02D, tổ giám định đầu kéo xe gây tai nạn gồm đại diện sở GTVT tỉnh Long An, đăng kiểm viên của trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 62-01S và trung tâm 62-02D Long An, lực lượng CSGT và Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã tiến hành giám định hệ thống phanh chiếc xe trên.

Sau khi giám định, cơ quan chức năng kết luận, hiệu quả phanh chính trên băng thử của chiếc xe container biển số 62C-043.48 (nhãn hiệu Huyndai HD 700, sản xuất năm 2015) đạt 70% (theo quy định loại xe này giá trị hiệu quả phanh chính chỉ yêu cầu đạt 45%).

Độ lệch lực phanh trên một trục lớn nhất là 17% < 25%="" đảm="" bảo="" yêu="" cầu.="" hiệu="" quả="" phanh="" đỗ="" 55%=""> 16% theo tiêu chuẩn. Vì vậy, có thể khẳng định, hiệu quả hệ thống phanh của chiếc xe này hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Phanh xe container không hỏng-2
Cơ quan chức năng xác định phanh xe container gây tai nạn không trục trặc (ảnh: Lê Trai).

Bên cạnh đó, tình trạng chung, hệ thống phanh hoạt động linh hoạt, bình thường. Hiệu quả phanh khi áp suất khí nén trong hệ thống phanh 6kg/cm2 đảm bảo tiêu chuẩn (áp suất theo phản ánh khi xe tai nạn). Có tiếng rò rỉ khí nén tại van xả của bình khí nén do khi xảy ra tai nạn đã có va đập với các xe gắn máy.

Hiện, cục ĐKVN vẫn tiếp tục giao Giám đốc trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 62-01S cùng Giám đốc trung tâm 62-02D - Long An phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân và sẽ báo cáo Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải khi có kết quả.

Trước đó, tài xế điều khiển xe container gây tai nạn đến trình diện công an vào tối 2/1 và tường trình thời điểm xảy ra tai nạn hệ thống phanh có vấn đề.

Trao đổi với VOV, một kỹ sư ô tô đã từng làm việc cho hãng xe Toyota Việt Nam phân tích, cấu tạo của hệ thống phanh khí nén trên xe tải hạng nặng, xe container hiếm khi xảy ra hiện tượng mất phanh hoàn toàn. Bởi khi mất phanh bánh xe ở cầu chuyển động sẽ bị khóa cứng không thể dịch chuyển.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Phanh xe container không hỏng-3
Sơ đồ hoạt động của hệ thống phanh khí nén (ảnh: VOV).

Phanh khí nén chỉ yêu cầu lực đạp phanh nhẹ từ người lái, dễ điều khiển và không cần bổ trợ lực phanh. Hiệu quả phanh cao nên phát huy tác dụng tốt đối với ôtô có tải trọng trung bình trở lên, các loại phương tiện có quán tính lớn. Nhược điểm của phanh khí nén nằm ở kết cấu nhiều bộ phận, cồng kềnh hơn so với phanh thủy lực và kém nhạy hơn so với phanh điện.

Khi xe khởi động, hệ thống máy nén khí bắt đầu hoạt động để cung cấp đủ khí nén cho hệ thống phanh. Trong trường hợp thiếu hơi, bánh xe bị khóa không thể di chuyển xe được. Khi hệ thống phanh khí nén nhận đủ hơi, lò xo trong bộ phận hãm sẽ nhả phanh.

Khi người lái đạp chân phanh, thông qua ty đẩy làm cho piston điều khiển chuyển động nén lò xo và đẩy van khí nén mở cho khí nén từ bình chứa chuyển đến các bầu phanh bánh xe. Khí nén làm hai guốc phanh ép chặt má phanh vào tang trống tạo nên ma sát, làm giảm tốc bánh xe.

Khi chân người lái không tác động vào bàn đạp phanh nữa, lò xo của piston điều khiển và van khí nén hồi vị, đóng kín đường dẫn khí từ bình chứa, đồng thời xả khí nén ở bầu phanh ra ngoài không khí. Hệ thống lò xo trong bầu phanh hồi vị, kéo hai guốc phanh khỏi tang trống giúp xe có thể chuyển động bình thường

Trên xe đầu kéo còn có hệ thống phanh khẩn cấp. Tài xế cần kích hoạt hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp trước khi vận hành xe. Khí nén được nạp cho hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp, khi đủ áp suất, phanh sẽ nhả. Trong trường hợp có sự cố, áp suất giảm một cách vừa đủ để kích hoạt lại phanh khẩn cấp.

Đối với các loại xe tải hạng nặng, hệ thống phanh cổ xả động cơ được thêm vào nhằm bổ trợ cho quá trình phanh, kích hoạt khi xe di chuyển với tốc độ trên 20 km/h. Một van gắn trong ống xả động cơ sẽ điều chỉnh khí thải. Trong trường hợp khẩn cấp van sẽ đóng lại làm tăng áp suất trong ống xả, piston muốn đẩy khí trong buồng đốt ra ngoài bị cản trở làm giảm tốc độ.

Điều này phủ định yếu tố "xe mất phanh" mà tài xế điều khiển container khai nhận tại cơ quan điều tra tối 2/1.

 Theo Baomoi.com


Xe container tai nạn giao thông

Tin tức mới nhất