Sau hơn 2 giờ nghị án, lúc 18 giờ 30 phút ngày 17-12, HĐXX TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên án. Theo đó, bị cáo Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước) - đều tạm trú xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP HCM - cùng lãnh án tử hình; Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú ở phường 13, quận Gò Vấp, TP HCM) lãnh 16 năm tù về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Trời không dung, đất không tha

Đây là vụ án gây chấn động dư luận bởi mức độ tàn ác của hung thủ khi giết hại 6 người trong một gia đình tại biệt thự ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước hôm 7-7. Các nạn nhân gồm: Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, bạn gái Dương), ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, cha của Linh), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, mẹ Linh), Lê Quốc Anh (15 tuổi, em của Linh) và 2 cháu ruột của bà Nga là Dư Minh Vỹ (14 tuổi), Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi). Con gái út của ông Mỹ mới 18 tháng tuổi may mắn sống sót. Tất cả nạn nhân đều tử vong với nhiều vết đâm ở cổ và ngực.

Bị cáo Nguyễn Hải Dương gục xuống khi nghe tòa tuyên án tử Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bị cáo Nguyễn Hải Dương gục xuống khi nghe tòa tuyên án tử Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngay từ sáng sớm 17-12, hơn 4.000 người từ nhiều tỉnh, thành đã đến dự khán phiên tòa lưu động xét xử vụ thảm sát. Có người còn đón 2-3 chuyến xe đò mới đến đúng vị trí phiên tòa. Họ có mặt trước 1 ngày để thuê nhà trọ với mong muốn tận mắt chứng kiến nhóm hung thủ bị pháp luật trừng trị.

Gia đình các nạn nhân xuất hiện tại tòa trong tang phục,  cầm theo di ảnh những người thân đã bị sát hại và những bông hồng trắng. Khi sát thủ Nguyễn Hải Dương cùng đồng phạm bị dẫn giải vào phiên tòa, anh Nguyễn Lê Hưng (em trai bà Nga) thét lớn trong căm phẫn, nhào về phía các bị cáo nhưng cha anh đã ngăn lại.

Trong khi công bố bản cáo trạng ghi lại toàn bộ hành vi của các bị cáo, mặc dù tham gia tố tụng từ khi vụ án vừa xảy ra nhưng đôi lúc giọng kiểm sát viên chùng xuống ở những thời điểm tội ác lên đến tột cùng.

Gia đình bị hại gào khóc khi thấy những kẻ sát hại người thân mình Ảnh: NHƯ PHÚ

Gia đình bị hại gào khóc khi thấy những kẻ sát hại người thân mình Ảnh: NHƯ PHÚ

“Bị cáo khẳng định chỉ muốn giết người để trả thù. Vậy tại sao lại tra khảo các nạn nhân một cách tàn độc như vậy?” - vị chủ tọa phiên tòa trầm ngâm chất vấn. Nguyễn Hải Dương lại bình thản: “Bị cáo muốn có tiền để trả công cho người đi cùng là Vũ Văn Tiến. Bị cáo có hứa sẽ cho Tiến tiền nếu cướp được”.

Trong suốt phiên xử, Nguyễn Hải Dương nhiều lần khẳng định vì gia đình người yêu ngăn cấm mối tình với Ánh Linh nên y quyết tâm trả thù bằng cách lên kịch bản thật hoàn hảo để mọi người không phát hiện, không nghi ngờ và theo kế hoạch, y sẽ có chứng cứ ngoại phạm.

“Tuy nhiên, tội ác trời không dung, đất không tha của bị cáo đã lộ dần. Tôi không hiểu bị cáo có phải là con người hay không? Bị cáo cũng có khát khao được sống, được yêu thương và được mưu cầu hạnh phúc. Vậy mà bị cáo lại nhẫn tâm dùng lưỡi dao oan nghiệt ra tay rất tàn độc với nhiều người, kể cả người từng yêu thương mình. Sao trên cuộc đời này lại xuất hiện một con người như bị cáo?” - vị hội thẩm phân tích.

Mở đầu phần bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến, luật sư Lê Văn Nam (Đoàn luật sư TP HCM) cúi gập người xin lỗi gia đình bị hại và tất cả những người đến xem tòa xử. Luật sư Nam cho biết ông rất phẫn nộ trước hành vi tàn độc mà bị cáo gây ra đối với các bị hại. Mặc dù không trực tiếp đâm các nạn nhân nhưng hành vi của các bị cáo đã giúp sức tích cực để Nguyễn Hải Dương ra tay.

Về cơ bản, luật sư Nam thống nhất với cáo trạng truy tố. Ông chỉ yêu cầu tòa xem xét các tình tiết như Tiến bị Dương lôi kéo, khống chế mặt tinh thần, đặt vào tình thế đã đành, lần đầu phạm tội...

Cả khu vực xét xử lưu động sụp tối, chỉ một số ít bóng đèn soi cho HĐXX tuyên án. Mặc dù lạnh lùng trả lời các phần thẩm vấn nhưng khi nghe tuyên án tử, bị cáo Dương lảo đảo như sắp ngã, phải nhờ các cảnh sát giữ lại. Khi bình tĩnh lại, mắt sát thủ tàn độc này ngân ngấn nước. Nói lời sau cùng, cả 3 bị cáo đều gửi lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân. Riêng bị cáo Dương cũng xin giảm án cho Tiến, do bị ép buộc mà phải ra tay giết người.

Nỗi đau người ở lại

Trong bóng tối, ngồi ở hàng ghế bị hại, cha mẹ, anh em và những người thân của các nạn nhân đều lặng lẽ, thỉnh thoảng lau lớp bụi còn vương trên di ảnh. Mẹ của Dư Ngọc Tố Như lau nước mắt rồi sụt sùi: “Con nhỏ xinh xắn vầy mà nó nỡ giết…”. Tiếng nỉ non của người mẹ khiến những người xung quanh không khỏi bùi ngùi.

“Ngày xảy ra vụ việc, con Na lẫm chẫm biết đi, suốt ngày nó cứ luôn miệng hỏi “Vú ơi, mẹ Nga đâu rồi?”. Nghe con bé ngây thơ hỏi mẹ mà lòng ông bà đau không xiết. Ai ngờ, lá vàng còn ở trên cây…” - cha bà Nga  bỏ lửng câu nói.

Theo gia đình, cho đến tận bây giờ, cháu Na không hề biết nỗi bất hạnh này đã giáng xuống gia đình êm ấm của mình. Gia đình đã đưa Na xuống TP HCM ở chung với người dì ruột, cháu đã đi học mầm non. Mỗi tháng, ông bà đón Na về Bình Phước thăm nhà. Mỗi lần bước vào ngôi nhà ấy, Na luôn miệng nói: “Con sợ quá!”.

Luật sư Hoàng Kim Vinh (người bào chữa cho bị cáo Dương) kể rằng cha mẹ của y không dám xuất hiện tại phiên tòa, có thể là do xấu hổ trước hành vi tội lỗi và tàn ác của con mình. “Trong suốt quá trình tiếp xúc với Dương tại trại tạm giam, bị cáo này chưa  bao giờ khóc. Dương luôn bình tĩnh miêu tả diễn biến quá trình giết người của mình một cách sắc lạnh” - luật sư Vinh cho biết.

Từ khi tạm giam đến giờ, Dương chưa một lần gặp mặt người thân. Vì vậy, y khát khao được gặp mẹ và bà ngoại để nói lời cuối cùng khi thực hiện án tử.

Trong khi đó, luật sư Lê Văn Nam (người bào chữa cho bị cáo Tiến) cho biết thân nhân của Tiến cũng có mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, họ không dám lộ diện, chỉ len lén lẩn vào đám đông để nghe tòa xét xử, lý do là sợ người dân và gia đình bị hại. Theo luật sư Nam, số tiền bồi thường mà gia đình Tiến phải trả cho người bị hại (480 triệu đồng) là quá sức đối với họ.


Kiểm sát viên Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước:

Chưa thấy vụ nào tàn độc như vậy!

Thử hỏi có nỗi đau nào hơn sự mất mát mà gia đình ông Mỹ đã gánh chịu? Họ đang có một cuộc sống êm ấm, làm ăn phát đạt và tạo dựng công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, có những đóng góp to lớn cho xã hội. Tuy nhiên, chỉ vì lòng tham và sự thù hận mà các bị cáo đã nhẫn tâm ra tay tước bỏ sự sống của 6 con người hiền lành, vô tội.

Cái chết oan nghiệt của gia đình ông Mỹ đã để lại sự đau thương mất mát đến tột cùng cho những người thân thích, để lại nỗi niềm thương tiếc, sự cảm thông sâu sắc của toàn xã hội. Tội ác của Nguyễn Hải Dương cùng đồng bọn đã đẩy bé gái mới 2 tuổi vào bi kịch cuộc đời, mồ côi cả cha lẫn mẹ, mất đi người anh, người chị.

Tội ác của các bị cáo không những gây phương hại đến cộng đồng mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cha mẹ, người thân mình. Cả cuộc đời còn lại, họ sẽ sống trong cuộc sống đầy mặc cảm, hoang mang trước sự dằn vặt của người đời. Có lẽ nỗi đau của họ cũng không thua kém gì nỗi đau trĩu nặng của gia đình các bị hại.

Các bị cáo cũng là con người, cũng khát khao được sống, không hiểu khi ra tay hành động trong con người các bị cáo không mất nhiều thời gian đắn đo suy nghĩ hay sao?

Đối với Nguyễn Hải Dương, xuất phát từ tình yêu với chị Lê Thị Ánh Linh, khi bị khước từ tình cảm, tính ích kỷ, lòng thù hận đã bén rễ trong tâm hồn đã thoái hóa đạo đức. Chính sự khát khao đổi đời nhanh chóng nên bị cáo đã lên kế hoạch rất chi tiết, lợi dụng sự non nớt của trẻ con mà ra tay. Bên cạnh đó, bị cáo rất ranh mãnh  trong khi thực hiện tội phạm nhằm chứng minh mình có chứng cứ ngoại phạm.

Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo còn giả vờ đến phụ đám tang và khóc lóc tỏ ra thương tiếc người yêu cũ nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng.

Có thể nói, trong 10 năm nghiên cứu 12.301 vụ phạm pháp hình sự, tôi chưa thấy vụ nào tàn độc như hành vi của bị cáo này gây ra. Mất hết tính người và không còn khả năng cải tạo, giáo dục để trở thành con người có ích cho xã hội, chính vì vậy, cần thiết loại bị cáo này ra khỏi đời sống xã hội này.

Theo Người lao động