Khi Nguyễn Đức Nghĩa cứa cổ người tình rồi chặt xác phi tang, người ta không thể ngờ được ẩn đằng sau cặp kính tưởng như tri thức ấy lại là một kẽ nhẫn tâm tàn bạo, nhưng khi Lê Văn Luyện giết ba người trong một gia đình để cướp của, người ta mới thêm một lần nữa ngỡ ngàng, hóa ra cái ác nó vẫn chưa đạt đến giới hạn của nó.

Hôm qua, khi vụ thảm án kinh hoàng ở Bình Phước diễn ra, 6 mạng người đã bị cướp đi, trong đó có những sinh linh bé nhỏ, có cô gái đang tuổi đẹp nhất của đời mình thì dư luận thêm một lần nữa sững sờ bởi sự dã man không tưởng của những kẻ thủ ác vẫn chưa lộ sáng.

Xã hội của chúng ta bây giờ có quá nhiều thứ phải lo lắng. Trong nhà là những mối quan hệ phải điều chỉnh, những tính cách phải uốn nắn để dung hòa, những lo toàn tủn mủn vật chất đến rộng rãi tinh thần. Còn ở ngoài xã hội, những tiếng chuông xã hội vẫn ngày ngày được gióng lên.

Sự thờ ơ, thái độ hững hờ, người với người cứ mãi sống xa nhau. Nhưng sự thờ ơ ở mức độ nào đó vẫn có hệ số an toàn của riêng nó. Nó không trực tiếp cướp đoạt mạng sống của ai, tước đoạt ai khỏi gia đình của họ. Nhưng đôi khi ta vẫn tự hỏi: Cái ác từ đâu mà ra. Có một nơi khởi nguồn cái ác không thể phủ nhận chính là thái độ thờ ơ của người với người.

 Vụ thảm sát ở Bình Phước: Tận cùng sự dã man - 1

Người thân đau xót tổ chức tang lễ cho các nạn nhân xấu số ở Bình Phước

Trong mỗi con người đều trường tồn một phần nào đó của góc tối, của cái ác từ nhỏ li ti đến chiếm lĩnh tâm hồn. Cũng như vậy, khi lý giải về các hành động bạo lực, một chuyên gia xã hội học từng nói với tác giả bài này, cũng như ham muốn tình dục luôn ngự trị trong mỗi con người, nhưng khác nhau ở chỗ người này biết kiếm chế dục vọng của mình trước những lằn ranh, biết sững sờ và chợt tỉnh trước một sự rên xiết kêu van nào đó. Nếu một người khác không có được lằn ranh cho mình, không đủ sức mạnh để vượt qua cám dỗ sẽ dẫn đến phạm tội.

Phân tính tâm lý tội phạm, có chuyên gia đã chỉ ra các hành động phạm tội ở mức độ tàn khốc như trên đối với những người bình thường có yếu tố của bột phát tâm lý, khi đó bản năng tính cách phần ác trội lên, cộng với lý trí mất bình tĩnh nó sẽ khiến con người hành động khi phần ác chiến thắng. Trường hợp của bác sĩ trong vụ thẩm mỹ Cát Tường là một ví dụ điển hình.

Tuy nhiên ở trường hợp thảm sát Bình Phước người ta có nhiều lý do để tin hơn đây là một vụ thảm sát có chủ tâm, được sắp xếp từ trước, kẻ thực hiện hành vi bạo lực hoàn toàn ở thế chủ động.

Cuộc sống thú vị ở việc nó luôn khiến con người trải qua những việc “thật không thể tin nổi”, nhưng có những cái không thể tin đem đến cho chúng ta sự căm phẫn tột độ, giận dữ và dẫn đến tâm lý bất an.

Xã hội hóa ra vẫn còn những con quỷ đội lốt người, chúng vẫn nhởn nhơn đâu đó quanh ta đôi khi với những vỏ bọc hào nhoáng khác, để khi bị hoàn cảnh thúc đẩy, bản tính cái ác trỗi dậy, chúng lại hành động theo bản năng giống thú của mình. Có những giống ác khác không cần hoàn cảnh, bản năng vẫn luôn thường trực có trong người, chỉ cần có cơ hội là chúng thực hiện hành vi nhẫn tâm tàn bạo của mình.

Chúng ta không thể ngăn chặn cái ác nảy nở sinh sôi, chúng ta chỉ hạn chế nó kiểm soát nó bằng công cụ và thái độ. Chẳng ai trong chúng ta dám khẳng định rằng mai đây mình không phải là nạn nhân của nó, bởi giống ác chúng vẫn đâu đó ngoài xã hội, nhởn nhơ và chờ đợi thời cơ.

Bi kịch của xã hội nằm ở chỗ, đối với một điều tốt ở mức quá tốt chúng ta thường nghi hoặc và cố gắng gắn cho nó những động cơ không trong sáng khác, còn cái ác dù nó nhẫn tâm tàn bạo đến đâu chúng ta cũng đều tự cho mình một đáp án tự cho là khả dĩ.

Theo Khám Phá