Người thân của ông Trần Đức Linh (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đang vội vã chuẩn bị đón thi thể ông về an táng.
Do cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đang phải giám định pháp y, làm rõ nguyên nhân cái chết của ông nên gia đình chưa biết lúc nào sẽ được nhận thi thể.
Theo nguồn tin, dự kiến thi thể của ông Linh sẽ được hỏa táng trước khi đưa về quê.
Chị Đinh Th.H. (em dâu ông Linh) cho biết, khi biết tin anh chồng mất, cả gia đình bị sốc, không ai dám tin đó là sự thật.
“Anh Linh là người hiền lành, giỏi giang, có tài buôn bán. Lúc sang Ukraina, anh có mở cửa hàng buôn bán quần áo. Khi về nước, anh buôn bán đủ thứ, từ cam, quýt, dưa… Lúc nào cũng mang 2 sọt dưa sau xe máy xuống TP Vinh bán”, chị H. kể.
Tu luyện Pháp luân công
Sau 15 năm làm ăn tại Ukraina, năm 2014 ông Linh về nước. Ngoài thời gian đi làm ăn, buôn bán, ông còn hướng dẫn cho gia đình và một số người dân luyện tập Pháp luân công.
Ngoài sự hướng dẫn của anh chồng, chị H. cùng chồng và mẹ chồng còn xem, tập luyện Pháp luân công theo những video clip trên mạng.
Chị Đinh Th.H. kể sự việc
Ban ngày chị H. vẫn đi làm bình thường, trước khi đi ngủ, chị tranh thủ 2 tiếng để luyện 5 động tác. Ngoài ra, những lúc rảnh chị còn tải sách về Pháp luân công về đọc.
“Thi thoảng tôi xuống Vinh luyện công 2 tiếng rồi về. Không cần ai hướng dẫn, chỗ nào có lớp là đến tự nguyện học và tu tâm. Những người ở TP Vinh, Quỳ Hợp và các huyện xung quanh vẫn về nhà anh Linh giao lưu”, chị H. kể.
Chị H. cho rằng, tập những động tác này cũng giống như tập yoga hay tập gym. Bên cạnh rèn luyện để tăng cường sức khỏe và tinh thần, Pháp luân công còn dạy con người phải có chân, thiện, nhẫn.
Chị H. kể, chồng chị trước đây từng bị sỏi thận, bác sĩ chỉ định mổ. Sau một thời gian luyện tập Pháp luân công, viên sỏi trong người được bài tiết ra ngoài.
“Ngay cả tôi bị u vú, quá trình tu luyện, lâu dần vết u liền hẳn”, chị H. chia sẻ
Theo chị H., việc tu luyện này không phải để chữa bệnh mà là để tu tâm, dưỡng tính và sống phải chân (chân thật, chân thành). Khi tu tâm tính thì bệnh trong người tự biến mất.
Chị H. kể, sau khi ly hôn, vì muốn tránh mặt vợ nên ông Linh bán nhà năm 2017, vào miền Nam làm ăn, sinh sống. Trước khi đi, ông có tổ chức liên hoan chia tay anh em.
Từ đó đến nay, ông Linh chưa về thăm nhà lần nào. Thỉnh thoảng ông gọi điện về thăm hỏi mọi người trong gia đình.
Đến tháng 8/2018, gia đình mất liên lạc với ông Linh. Khi người con trai ông chuẩn bị cưới vợ, gia đình gọi điện nhưng không thể liên lạc được.
Ngôi nhà nơi ông Linh và mọi người trong gia đình từng tập Pháp luân công
Do có quen biết từ trước, cách đây 1 tháng, chị H. có gọi điện thoại cho bà Trịnh Thị Hồng Hoa (người bị công an bắt giữ liên quan đến vụ án mạng) để hỏi thăm tin tức ông Linh thì bà Hoa chỉ trả lời: “Anh Linh đã đi sai đường” mà không giải thích cụ thể.
Chị H. cho rằng, “đi sai đường” ở đây là sai cách tu luyện Pháp luân công. Tuy nhiên, chị không tin là anh chồng của mình tự tử.
“Tôi theo sách để học, không biết họ học kiểu gì, môn phái gì mà giết người tàn bạo như vậy”, chị H. nói.
Thượng tá Đinh Anh Dũng - Trưởng Công an huyện Quỳ Hợp cho biết, cuối năm 2017, ông Linh từng bị công an địa phương truy quét do dạy Pháp luân công, truyền bá, lưu hành sách vở không được cấp phép của ban ngành có thẩm quyền.
“Ở Nghệ An, môn Pháp luân công xuất hiện đầu tiên ở huyện Quỳnh Lưu, sau đó lên các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, TX Thái Hòa. Người dạy chủ yếu từ phía Bắc vào. Tuy nhiên, quần chúng nhân dân phản đối, có dấu hiệu vi phạm nên cơ quan điều tra truy quét ngay”, ông Dũng nói.
Theo VietNamNet