Bằng cấp "râu ông này cắm cằm bà kia"
Trong quá trình làm rõ vụ "Phát hiện "tiến sĩ siêu lừa", giả thông tin dạy đại học, cao đẳng", phóng viên Dân trí đã tiếp cận những thông tin bất ngờ về bằng cấp mang tên ông N.T.H. - được một người đàn ông sử dụng để giảng dạy tại hàng loạt trường đại học, cao đẳng trong những năm qua.
Theo đó, bằng thạc sĩ công chứng được ông H. cung cấp khi đi xin việc đã thể hiện điều không bình thường. Trong đó, tấm bằng có chi tiết ghi "bảo vệ luận án" ngày 31/12/2009. Điều này không phù hợp vì với quá trình cấp bằng thạc sĩ bởi yêu cầu ở hệ này chỉ là luận văn.
Bản công chứng văn bằng thạc sĩ của ông N.T.H. ghi "bảo vệ luận án" là không phù hợp (Nguồn: Nhà trường cung cấp).
Cùng với đó, một cán bộ của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM xác nhận ở bằng tiến sĩ mang tên N.T.H., chữ ký đề tên PGS.TS Trần Lê Quan - Hiệu trưởng nhà trường cấp - thực chất là của vị hiệu trưởng cũ GS.TS Trần Linh Thước.
"Điều này tạo nên hiện tượng 'râu ông này cắm cằm bà kia' khi gắn chữ ký của người này vào tên của người kia", người này cho hay.
Tấm bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. (SN 13/08/1981) được xác định không khớp với hồ sơ dữ liệu (Ảnh: Nhà trường cung cấp).
Ngoài ra, trong một tấm bằng tiến sĩ khác mang tên N.T.H. được Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam gửi đến Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM xác minh có số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx cấp năm 2021. Số vào sổ cấp bằng là 22-TS/2022/18N111xx.
Như vậy, năm cấp là 2021 nhưng số vào sổ lại ký hiệu của năm 2022. Vấn đề này cũng thường thiếu logic khi vào sổ văn bằng.
Với hàng loạt bất hợp lý trên, hồ sơ mang tên N.T.H. bộc lộ những nghi vấn dễ thấy bằng mắt thường.
Song, thực tế, ông N.T.H. đã lọt qua hàng loạt trường đại học, cao đẳng để tham gia giảng dạy hệ cử nhân và cả sau đại học.
Đơn vị công chứng có trách nhiệm liên quan?
Trong quá trình đi xin việc, ông N.T.H. từng sử dụng những giấy tờ có công chứng trong hồ sơ, sau đó, được xác định là không đúng.
Do đó, ngoài trách nhiệm cá nhân ông H., nếu văn bản công chứng được xác định là đúng thì đơn vị công chứng cũng có trách nhiệm liên quan trong việc này.
Luật sư Lương Ngọc Đinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Việt Trí - cho biết Khoản 2, Điều 7, Luật Công Chứng năm 2014 quy định về nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi có quy định: "Người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng".
Luật sư Lương Ngọc Định (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Hành vi của ông N.T.H. nếu đúng như phản ánh qua báo chí là hành vi vi phạm pháp luật nên sẽ bị phạt.
Việc sử dụng giấy tờ giả mạo để yêu cầu công chứng sẽ bị xử phạt hành chính nhưng nếu vượt qua khỏi khung hành chính có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật", luật sư Ngọc Đinh cho hay.
Cụ thể tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 như sau: Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch.
Ngoài ra, người vi phạm phải chịu hình phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Đối với đơn vị công chứng thực hiện việc chứng thực bản sao, khi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu chứng thực mà người thực hiện nghi ngờ, phát hiện giấy tờ, văn bản chứng thực là giả thì có các quyền theo quy định tại Điều 9 Nghị định 23/2015/NĐ-CP:
Các đơn vị được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực; lập biên bản tạm giữ, chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực được cấp sai thẩm quyền, giả mạo hoặc có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với đơn vị công chứng theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP là buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, các điểm a, b và c Khoản 3 Điều này.
Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng quy định tại Khoản 1 và điểm d Khoản 3 Điều này.
Đơn vị công chứng có trách nhiệm kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Luật sư Ngọc Định chia sẻ thêm, trường hợp người có thẩm quyền công chứng, chứng thực bản sao giấy tờ giả thiếu trách nhiệm và gây hậu quả nghiêm trọng thì người công chứng, chứng thực còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho biết, theo quy định, việc xác minh văn bằng là trách nhiệm của cơ quan cấp văn bằng, không phải trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.
"Các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát. Điều này có trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ.
Sắp tới, Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục", ông Chương cho biết.
Theo Dân Trí