Ngày 5/6, khoảng năm ngày sau khi truyền thông Hàn Quốc đưa tin T.O.P Big Bang bị cáo buộc sử dụng cần sa, rapper nhà YG (tên thật là Choi Seung Hyun) bị trục xuất khỏi đơn vị cảnh sát anh đang phục vụ.
T.O.P bị trục xuất khỏi quân đội vì hút cần sa. Ảnh: StarNews.
Phía cảnh sát nêu rõ sau khi có kết quả điều tra và xét xử, nếu không phải ngồi tù, thành viên Big Bang sẽ trở lại quân ngũ và bắt buộc phải đến một đơn vị khác chứ không phải sở cảnh sát hiện tại.
Điều này đồng nghĩa với việc thời gian 3 tháng 27 ngày ở trong quân đội của T.O.P vừa qua là vô nghĩa. Anh sẽ phải hoàn thành 1 năm 9 tháng nghĩa vụ quân sự lại từ đầu.
Giấy chứng nhận lòng yêu nước
Hàn Quốc được đánh giá là một trong những quốc gia có luật nghĩa vụ quân sự nghiêm ngặt nhất thế giới. Tại xứ sở kim chi, việc tham gia quân ngũ là tấm "giấy chứng nhận" lòng yêu nước bắt buộc phải có của mỗi nam thanh niên.
Có thể nói, quan điểm và thái độ đối với nghĩa vụ quân sự thể hiện rõ tinh thần chấp hành kỷ luật của người dân Hàn Quốc.
Hầu như mọi đối tượng nam thanh niên từ 18 đến 35 tuổi đều phải dành 2 năm để thực hiện nghĩa vụ này. Các trường hợp miễn giảm bao gồm người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần, truyền nhiễm, mất khả năng lao động.
Người dân Hàn phản ứng rất dữ dội với những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Tháng 9/1997, hai người con trai của ứng cử viên Tổng thống Lee Hoi Chang bị phát hiện được miễn trừ quân dịch với lý do đáng ngờ. Sự kiện này là một trong những lý do khiến ông thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử năm đó.
Mỗi lần bầu cử chính phủ mới, thông tin về địa điểm và thời gian các thành viên nội các từng phục vụ quân đội đều phải được công khai.
Truyền thông Hàn Quốc cũng tập trung tìm hiểu quá trình thi hành nghĩa vụ của con cái các nghị sĩ, doanh nhân và người nổi tiếng để đảm bảo tầng lớp thượng lưu bình đẳng với tầng lớp bình dân trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, có thể nói riêng ở Hàn Quốc, không ai có thể trốn tránh khỏi nhiệm vụ này, cho dù là con của các gia đình khá giả, chính trị gia hay người nổi tiếng.
Điều này đồng nghĩa những diễn viên, các ngôi sao và ca sĩ thần tượng cũng không được ưu tiên hơn người bình thường. Và không ít nghệ sĩ đã đánh mất cả sự nghiệp sau khi trở về từ quân đội.
Video T.O.P bị trục xuất khỏi quân đội vì hút cần sa.
Nghệ sĩ mất danh tiếng vì vi phạm nghĩa vụ quân sự
Thời gian hai năm có thể khiến người hâm mộ quên đi thần tượng của mình. Và tại một đất nước có ngành giải trí phát triển như Hàn Quốc, việc bị thay thế là không thể tránh khỏi.
Điển hình là Kangta, cựu thành viên ban nhạc đình đám một thời H.O.T hay nam ca sĩ nổi tiếng Kim Min Woo. Từ đó, không ít nghệ sĩ đã tìm cách trốn nghĩa vụ và phải trả giá vì hành động này.
Ca sĩ Steve Yoo có hai quốc tịch Mỹ và Hàn Quốc. Năm 2002, khi quân đội gọi nhập ngũ, anh ta liền bỏ quốc tịch Hàn. Đó là quyền công dân hợp pháp, nhưng chính quyền Seoul coi đây là hành vi đào ngũ. Do đó Steve Yoo bị trục xuất khỏi đất nước vĩnh viễn.
Nam ca sĩ Yoo Seung Joon cũng khiến người hâm mộ "nổi cơn thịnh nộ" khi nhập quốc tịch Mỹ để không phải nhập ngũ. Sau đó, nam ca sĩ bị trục xuất và cấm nhập cảnh dài hạn vào Hàn Quốc.
Diễn viên Song Seung Hun từng bị phát giác đưa ra bệnh án giả để xin được hoãn nhập ngũ. Ảnh: MyDaily.
MC Mong cũng là một trường hợp sao nam mất sự nghiệp vì trốn nhập ngũ. Ca sĩ hip-hop thậm chí còn nhổ bốn chiếc răng lành lặn để được miễn nhập ngũ. Sự việc bị phát giác, MC Mong lãnh sáu tháng tù giam, bị tẩy chay khỏi làng giải trí dù đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Năm 2004, ba nam diễn viên Jang Hyuk, Song Seung Hun và Han Jae Suk đồng loạt đưa ra bệnh án giả để xin hoãn nhập ngũ. Họ bị dư luận chỉ trích và phải tổ chức họp báo xin lỗi. Cả ba đã nhập ngũ bổ sung, nhưng đối với người dân Hàn, họ vẫn là "tội đồ".
Không chỉ đơn giản là nhập ngũ, nhất cử nhất động của các sao nam trong quân đội cũng nhận "quan tâm đặc biệt". Tháng 6/2006, khi xuất ngũ sớm vì tình trạng sức khỏe, diễn viên Won Bin vẫn phải cúi đầu tạ lỗi với toàn bộ người hâm mộ.
“Không thể làm tròn lời hứa sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội, tôi thành thật xin lỗi”, Won Bin nói khi đó. Sự nghiệp của anh cũng đóng băng trong ba năm tiếp theo.
Dù quỳ xin lỗi và cầu xin sự tha thứ, ca sĩ Yoo Seung Joon vẫn bị khán giả Hàn Quốc quay lưng. Ảnh: AfreecaTV.
Se7en từng bị phát hiện tới quán massage dành cho người trên 19 tuổi trong thời gian nhập ngũ. Vụ bê bối này khiến sự nghiệp khi xuất ngũ của nam ca sĩ không thể trở lại như xưa.
Bi Rain cũng từng hứng "gạch đá" khi bị phát hiện tự ý ra ngoài hẹn hò với Kim Tae Hee vào cuối tuần khi đang ở trong quân ngũ. Thậm chí một vài ca sĩ còn bị hứng búa rìu dư luận chỉ vì không cắt tóc gọn gàng, ăn mặc quá chỉn chu, hoặc không để mặt mộc vào ngày nhập ngũ.
Có thể nói, càng là người nổi tiếng, dư luận càng tập trung đánh giá lòng yêu nước, lòng trung thành và trách nhiệm với Tổ quốc. Đối với các ca sĩ, diễn viên danh tiếng, khi vi phạm kỷ luật quân đội, bên cạnh việc nhận hình phạt trong quân ngũ, còn nhận thêm "búa rìu" của dư luận, thậm chí đối mặt với việc sự nghiệp xuống dốc, bị người hâm mộ tẩy chay.
Theo quy định của chính phủ Hàn Quốc, thanh niên khi nhập ngũ có thể trở thành binh sĩ trong lực lượng lục quân, thủy quân lục chiến, hải quân hoặc không quân sau năm tuần tập huấn. Thời gian phục vụ trong lục quân và thủy quân lục chiến là 21 tháng, trong hải quân là 23 tháng và trong không quân là 24 tháng.
Thanh niên Hàn Quốc nhập ngũ cũng có thể được tuyển vào lực lượng cảnh sát. Thời gian phục vụ thường kéo dài 24 tháng hoặc lâu hơn. Sau bốn tuần tập huấn, họ được chỉ định làm cảnh sát chống bạo động, cảnh sát giao thông, sĩ quan tại các cơ quan nhà nước…
Theo Zing