Ngày 4/7/1994, Sophie Serrano hạ sinh một bé gái tại bệnh viện Cannes-la-Bocca, thành phố Cannes, Pháp. Bị bệnh vàng da sau sinh, con của cô được đặt trong lồng ấp cùng một trẻ khác.

Nhận lại con sau khi điều trị, Sophie cảm thấy nghi ngờ vì màu da của đứa trẻ tối hơn so với lúc mới sinh. Ôm con trong vòng tay, Sophie còn sửng sốt khi thấy phần tóc của con dày và bóng hơn. Nhưng người y tá khi đó quả quyết rằng không có chuyện gì xảy ra, ánh sáng trong lồng ấp là nguyên nhân khiến màu da của bé thay đổi và tác động đến tóc. 

"Tôi đã không nhận thấy điều này trước đó và nó khiến tôi rất bất ngờ", Sophie kể lại giây phút đầu tiên chào đón con gái bé bỏng trong bệnh viện. Ở tuổi 18, người sản phụ trẻ đã không thắc mắc quá nhiều và tin câu trả lời của nhân viên y tế. 

Một năm sau, cô lại một lần nữa bối rối khi thấy đứa bé có mái tóc xoăn và nước da bánh mật không giống mình và bạn trai. Mặc dù vậy, tình yêu của mẹ người mẹ đã khoả lấp đi mọi nghi ngờ. Ngay cả khi mối quan hệ với bạn trai (chưa kết hôn) rạn nứt vì nghi ngờ nguồn gốc của đứa trẻ, Sophie vẫn chăm sóc con gái Manon với tình yêu thương đong đầy của một người mẹ.

Bảo vệ con bằng tình yêu thương

Sophie sống với người tình trong một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Grasse, nhưng không lâu sau khi làm mẹ, Sophie đưa con gái chuyển ra ngoài sinh sống vì không thể chịu đựng được sự ngờ vực. Cô cũng sống trong sự châm chọc của hàng xóm khi họ đồn rằng Manon là "con của người đưa thư".

Sophie nói mối quan hệ rạn nứt một phần vì người đàn ông luôn nghi ngờ. Khi Manon lên 9 tuổi, ông ngừng chu cấp tiền nuôi dưỡng và yêu cầu xét nghiệm mối quan hệ cha con. Người mẹ đã tin rằng kết quả xét nghiệm sẽ là cách giải thoát cho cả hai. Nhưng ngược lại, nó lại chứng minh rằng mối ngờ vực đó là chính xác. Ông không phải cha và Sophie cũng không phải mẹ của đứa trẻ. Các luật sư nói rằng chưa bao giờ gặp trường hợp tương tự trước đây và thật sự không biết phải làm gì.

"Nó tác động như một cơn sóng thần vậy. Tôi cảm thấy lo lắng vô cùng, nỗi lo lắng tồi tệ nhất mà một người có thể cảm nhận được. Bạn bỗng nhiên không còn biết đứa trẻ mà mình mang đến thế giới này đến từ nơi nào. Tôi tự hỏi làm thế nào có thể tìm được con và tôi chợt nhớ đến mái tóc của đứa trẻ", Sophie mô tả cảm xúc khi nghe tin sét đánh ngang tai.

Những câu hỏi như "Liệu đứa trẻ còn lại còn sống hay không?", "Liệu nó có được nuôi dưỡng tốt hay không?", "Điều gì xảy ra nếu gia đình kia muốn nhận lại con và liệu mình có mất con hay không? "cứ liên tục nhảy múa trong tâm trí Sophie.

Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, Sophie đã nói ra sự thật với Manon và đứa con đã khóc nức nở vì sợ rằng họ sẽ bị chia cắt. Dù vô cùng sợ hãi, Sophie luôn cố gắng mạnh mẽ và trấn an con.

Vụ tráo nhầm con ở Pháp và bài học về tình mẫu tử
Sophie ôm con gái Manon khi còn nhỏ. Ảnh: Sophie Serrano

Năm 2010, để tìm lại gia đình đã nhận con gái ruột, bà Sophie đã đệ đơn khiếu nại dân sự bệnh viện. Một cuộc điều tra được tiến hành sau đó và con đẻ của Sophie được xác định sống cách nơi bà ở chỉ 30 km. Theo cảnh sát điều tra, cha mẹ ruột của Manson là một cặp đôi đến từ đảo Réunion thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương. 

Câu chuyện xuất hiện trên báo chí Pháp lần đầu tiên vào tháng 2/2015, khi một tòa án ở miền nam nước Pháp yêu cầu bệnh viện tư ở thành phố Cannes, nơi xảy ra vụ tráo nhầm con, và công ty bảo hiểm của bệnh viện bồi thường 2,1 triệu USD cho hai gia đình.

Quyết định của toà án đã kết thúc cuộc đấu tranh lâu dài của Sophie và dập tắt những lời châm chọc của hàng xóm và nhiều người khác rằng cô thiếu bản năng làm mẹ hay không thể xác định con của chính mình. Khi mang thai và sinh con đầu lòng, Sophie mới chỉ 18 tuổi. Người mẹ trẻ khi ấy chưa bao giờ có thể tưởng tượng viễn cảnh này lại xảy ra. 

Daniel Verstraete, luật sư của gia đình còn lại, nói rằng chỉ một trong hai đứa trẻ đeo dây số và chiếc dây có thể đã rơi. Khi nhận con, người mẹ của gia đình này cũng đã hỏi tại sao con mình lại ít tóc và nhận được câu trả lời rằng đó là tác động của ánh sáng trong lồng ấp.  

"Việc trao nhầm con là điều không tưởng. Cô ấy không phản ứng vì cơ quan y tế đã trấn an rằng không nên lo lắng", Verstraete cho biết. 

Giằng xé và quyết định

Theo New York Times, trong loạt phim "Swithched at Birth" (tạm dịch: Hoán đổi lúc sơ sinh) của ABC Family, sau khi hai bé gái biết rằng đã được trao nhầm ở bệnh viện, các gia đình đều cố gắng sống hoà thuận với nhau để chúng luôn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng câu chuyện của Manon và sự việc đáng tiếc lại đẩy những người trong cuộc vào tình huống phức tạp hơn cả tiểu thuyết. 

Khi gặp lại con ruột bị y tá trao nhầm, cảm xúc của Sophie trở nên lẫn lộn. Bà nói rằng tình cảm dành cho Manon ngày càng lớn hơn dù biết đây không phải con ruột. Trong khi đó, sau khi gặp chính đứa trẻ mà mình mang nặng đẻ đau, Sophie lại không cảm nhận được sự kết nối đặc biệt nào. 

"Tôi vừa hào hứng vừa lo sợ. Ngày gặp mặt, tôi nhận thấy đứa con gái rất giống tôi. Chúng tôi ôm nhau thật lâu và nói rất nhiều chuyện. Tôi cảm thấy thanh thản vì con bé sống hạnh phúc và được chăm sóc tốt", Sophie kể.

Theo thời gian, những các cuộc gặp gỡ giữa hai gia đình bắt đầu thưa dần. Không đứa trẻ nào muốn rời xa người cha người mẹ đã nuôi nấng và chăm sóc chúng suốt từ tấm bé. 

"Tôi nhận ra rằng chúng tôi rất khác biệt và không có cùng quan điểm trong cuộc sống. Con gái ruột giống tôi, nhưng tôi chợt nhận thấy rằng tôi đã sinh ra cô con gái mà không hề hay biết, tôi không còn là mẹ của đứa trẻ đó", Sophie nói. Theo bản năng, bà yêu con gái ruột, nhưng vẫn dành nhiều tình cảm cho Manon.

"Không chỉ máu mủ mới tạo nên gia đình, mà đó còn là những điều chúng ta đã xây dựng và chia sẻ cùng nhau trong cuộc sống hàng ngày. Tôi đã tạo được một sự gắn kết tuyệt vời với đứa con gái mà tôi không sinh ra", Sophie chia sẻ. Ngồi bên con gái, người phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh mai này có phong cách dè dặt đối lập hoàn toàn với vóc dáng thể thao và tính cách thẳng thắn của Manon. 

Còn cô "con gái hờ" Manon nhớ lại: "Lần đầu tiên gặp mặt, tôi đã thấy mình giống họ đến nhường nào. Nhưng tôi đang ngồi trước mặt những người hoàn toàn xa lạ và không biết làm thế nào để xác định vị trí của mình". 

Niềm hạnh phúc

Sau vài năm, hai gia đình quyết định không ép buộc hai cô con gái đoàn tụ với bố mẹ đẻ. Manon, hiện 22 tuổi, quyết định vẫn sống cùng gia đình và người mẹ không cùng chung dòng máu nhưng đã ở bên cô suốt từ thuở lọt lòng. 

Phóng viên Maia de la Baume có cơ hội gặp hai mẹ con Sophie và Manon vài tuần sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về việc bồi thường của bệnh viện. Nhắc đến hình ảnh hai người ôm lấy nhau, nở nụ cười hạnh phúc và tay trong tay bước ra khỏi toà án, phóng viên nói rằng nếu gạt bỏ mặt pháp lý, câu chuỵện của họ rất đặc biệt và giống một kịch bản phim hơn là đời thường. 

Trong cuộc trò chuyện, người mẹ đã kể về giây phút sinh con, những khó khăn trong mối quan hệ với người bạn trai, cảm giác cô độc khi biết Manon không phải con đẻ và trong những lần gặp gỡ gia đình nhận nhầm con.

"Tôi lo lắng đến mức tự hỏi mình: 'Làm thế nào để trấn an con bé được đây?'. Tình yêu của tôi dành cho nó lớn đến mức tôi chỉ muốn hạn chế mọi tổn thương. Tôi muốn giữ lấy và bảo vệ Manon. Nói dối con bé là điều tồi tệ nhất vì ngoài đau khổ, nó sẽ còn cảm thấy bị phản bội", Sophie nhớ lại giây phút căng thẳng và cân não trước khi nói sự thật với Manon.

Sophie nói dù khác biệt về văn hoá, nền tảng giáo dục và xã hội giữa hai gia đình đã tác động đến mối quan hệ của họ, Sophie vẫn yêu con ruột và khẳng định từ sâu thẳm trái tim, bà luôn có 4 người con. (Sau khi sinh con đầu lòng, Sophie kết hôn và có thêm 2 người con).

"Tôi thường không bao giờ phó mặc cho số phận. Giờ đây, tôi thậm chí còn cố gắng tưởng tượng cả những điều không tưởng", người mẹ trải lòng. "Câu chuyện này đã khiến tôi mạnh mẽ hơn".

Theo Zing