Trong thời gian qua, nhiều vụ trẻ em tại các trường mầm non bị cô giáo hành hạ khiến dư luận bức xúc. Mới đây nhất là clip “Cô giáo trường mầm non Ánh Dương Sunshine Xa La, Hà Đông đánh học trò vì tè dầm” gây phẫn nộ dư luận. Cô giáo mới ra trường, thuộc thế hệ 9X, và những hành động dạy trò theo kiểu gọi cả lớp tập trung "lêu lêu" một học sinh khác vì tội tè dầm, hay lôi học trò ra một góc để đánh, dúi đầu, lột áo quần giữa trời lạnh đều không được dư luận tha thứ.

Liên quan đến vụ việc này, PV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tâm lý học Ngô Xuân Điệp, Trưởng bộ môn Tâm lý, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Lỗi là do giáo viên

Vụ trẻ mầm non bị cô giáo đánh vì tè dầm:
Tiến sĩ Tâm lý học Ngô Xuân Điệp.

Theo Tiến sĩ Tâm lý Ngô Xuân Điệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ việc nhưng trong tình huống này có thể nói đến từ nhân cách của chính cô giáo. Con người khi sống ở trong môi trường không được tốt thì chính những bực tức ở nhà hay trong cuộc sống của cô giáo đã dồn lên đứa trẻ.

“Ở góc độ nhân cách, con người không có lòng vị tha, độ lượng với trẻ em. Tính này ở chính bản thân cô giáo mà để sửa được thì rất khó. Để trưởng thành nhân cách thì nó cần thời gian, không phải ngày một, ngày hai là được. Ở đây tôi cho rằng, có thể nhân cách giáo viên không kịp trưởng thành so với độ tuổi”, Tiến sĩ Tâm lý Ngô Xuân Điệp chia sẻ.

Vụ trẻ mầm non bị cô giáo đánh vì tè dầm:
Hình ảnh được cắt từ clip do phụ huynh chia sẻ.

Tiến sĩ Tâm lý Ngô Xuân Điệp cũng cho biết, đối với góc độ của trẻ, khi bị bạo hành như vậy, cần xem xét góc độ tinh thần của trẻ. 

Nếu một hành vi bị lặp đi, lặp lại nhiều lần thì sẽ dẫn đến tình trạng lo âu, cuộc sống bị khống chế về mặt cảm xúc, trẻ bị tấn công về mặt tinh thần tâm lý sẽ phát triển không tốt. Mai này, đứa trẻ có thể sẽ bị những rối nhiễu về mặt tâm lý dẫn đến hoảng loạn. Những đứa trẻ lớn lên bị các dấu hiệu lo âu thì thường từ nhỏ đã gặp phải những sự việc bị bắt nạt.

Vụ trẻ mầm non bị cô giáo đánh vì tè dầm:
Trường mầm non Ánh Dương Sunshine Xa La, nơi xảy ra sự việc.

Nguyên nhân chính là do đạo đức xuống cấp

Cũng liên quan đến những vụ việc trẻ em bị bạo hành ở các trường mầm non, bà Ninh Thị Hồng, Trưởng ban Kiểm tra Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam từng lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ bạo hành trẻ em thời gian qua là do đạo đức xuống cấp. 

"Trong thời nay, khi đất nước đã bắt đầu phát triển, con người có nhiều điều kiện để chăm sóc, giúp đỡ nhau hơn, được học hành, hiểu biết nhiều hơn thì người ta lại đối xử với nhau vô cùng tàn bạo. Dù với bất cứ lý do gì thì việc chăm sóc, giáo dục các em bằng bạo lực là không thể chấp nhận, nó để lại những ảnh hưởng xấu tới tâm sinh lý cũng như quá trình phát triển của các em sau này. 

Có chắc rằng liệu sau này khi các em lớn lên, các em sẽ không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, liệu các em có thể phát triển bình thường hay trở nên rụt rè, nhút nhát", bà Hồng nói.

Những vụ việc khi xảy ra đều là những vụ việc "đã rồi", bà Hồng cho rằng không thể vì sự đã rồi mà có sự giải quyết nương nhẹ, phải xử lý nghiêm cả những người đã gây ra hành vi tàn ác và những người liên đới trách nhiệm để xảy ra vụ việc. 

"Việc bạo hành xảy ra ở người lớn, những người đã trưởng thành, ổn định về tâm sinh lý sẽ không nghiêm trọng bằng xảy ra ở những đứa trẻ vẫn còn non nớt, đang ở độ tuổi nhận biết, tiếp thu cái xấu, cái tốt. Các em khó có thể trở thành những hạt nhân tốt của xã hội nếu bị ảnh hưởng bởi cái xấu, bạo lực ngay từ tấm bé", bà Hồng nhấn mạnh.

theo Afamily/ trí thức trẻ