'VŨ TRỤ MẶT ĐƠ': Hoa ngữ có Cảnh Điềm, Việt ngữ có Nhã Phương

Khán giả không muốn Việt Nam có một Cảnh Điềm, vậy nên thay vì kể khổ, biện hộ bằng tỷ lý lẽ, Nhã Phương nên tập trung hơn vào nghề nghiệp mình đã lựa chọn và một lòng hy sinh.

Khán giả khó tính hay ngôi sao kém tài?

Biết rằng nghề nào cũng là cái khó, người làm nghề nào cũng phải yêu thích công việc mà mình đã lựa chọn. Khi yêu thích rồi lại cần phải trăn trở vì công việc để bản thân mình tốt hơn, hiểu công việc sâu sắc và tiến bộ hơn qua mỗi giai đoạn của nghề.

Việc chọn lựa công việc cũng vậy, nếu bạn chọn làm một chú cá, ban đầu có thể bạn bơi chưa giỏi, nhưng trên đường đua của mình, bạn buộc phải rèn luyện để bơi sao cho nhanh, hay ít nhất là bơi cho “bằng bạn bằng bè”.

Sẽ không ai đánh giá một chú cá bởi khả năng leo cây, nhưng nếu đã là cá mà bơi không giỏi, đương nhiên phải nhận góp ý. Thẳng thắn, cởi mở nhận ra mình chưa hoàn thiện cũng chính là cách để bản thân mỗi người biết mình khiếm khuyết chỗ nào, thông qua đó thay đổi, làm mới hoặc chuyển hướng sao cho phù hợp.

Nhận góp ý là một trong những cách khá tốt để đạt đến sự tiến bộ. Đặc biệt với trường hợp của Nhã Phương sau bộ phim Song Song, khán giả dành sự quan tâm cho cô rất nhiều với hàng nghìn ý kiến an ủi, phê bình và cả mỉa mai.

Mới đây, đạo diễn bộ phim Song Song – Nguyễn Hữu Hoàng đã có chia sẻ về vai diễn của nữ chính Nhã Phương với thái độ bênh vực. Lý do vị đạo diễn đưa ra để biện hộ cho diễn xuất của cô thực sự “không liên quan”.

Diễn xuất là tài sản, tài năng của mỗi diễn viên nhưng có thể luyện rèn, mài giũa. Có thứ tài sản đó, tức là có vốn để đầu tư cho sự phát triển của bản thân sau này, nhất là khi điện ảnh nước nhà đang “thay áo” mỗi ngày, đòi hỏi diễn viên phải năng động, quyết liệt hơn trong từng mỗi vai diễn. Điều đó chẳng phải cũng là cách để tự khẳng định vị trí của mình sao?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng đưa ra các lý lẽ: Nhã Phương vừa quay trở lại đường đua sau 2 năm sinh và nuôi con rất vất vả; kịch bản chưa đủ mạnh để Nhã Phương “cảm” được; điều kiện quay khó khăn bởi mưa, quay đêm, di chuyển nhiều… Đồng thời vị đạo diễn cũng chia sẻ cả anh và Nhã Phương đều đã rất kiên nhẫn để “đẩy diễn xuất lên”.

VŨ TRỤ MẶT ĐƠ: Hoa ngữ có Cảnh Điềm, Việt ngữ có Nhã Phương-1VŨ TRỤ MẶT ĐƠ: Hoa ngữ có Cảnh Điềm, Việt ngữ có Nhã Phương-2VŨ TRỤ MẶT ĐƠ: Hoa ngữ có Cảnh Điềm, Việt ngữ có Nhã Phương-3

Cần phải bóc tách từng chi tiết, phản biện từng vấn đề để đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng thấy rõ:

Thứ nhất, sinh con là thiên chức của phụ nữ, Nhã Phương không phải người duy nhất trên thế giới sinh con, vẫn còn những cô lao công, chị kế toán, bác giáo viên vừa phải bon chen với nghề, vừa phải hoàn thành xuất sắc việc sinh đẻ.

Ai cũng biết, gia đình là điểm tựa của Nhã Phương. Chắc chắn Nhã Phương có điều kiện sống và hưởng chăm sóc tốt hơn rất rất nhiều so với các chị em phụ nữ kể trên. Việc kể khổ do sau sinh thật vô nghĩa, vì điều đó không trực tiếp ảnh hưởng đến năng lực diễn xuất hay thái độ nghề nghiệp của bà xã Trường Giang.

Hơn nữa vẫn còn một lựa chọn khác tốt hơn, đó là nếu quá đau ốm, quá mệt mỏi, Nhã Phương có thể cho mình thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi quyết định bước vào cuộc chiến tái xuất; còn đạo diễn hoàn toàn có thể nhắm tới một nhân vật khác phù hợp hơn chứ không cần quá cố.

Thực tế chứng minh không diễn được là do thể trạng, còn nếu vì vai diễn quá sức, biểu cảm “đơ” hay một màu thì điều đó hoàn toàn thuộc về khả năng.

Thứ 2, việc quay đêm, thời tiết, di chuyển nhiều được coi là đặc thù công việc. Mỗi công việc có một đặc thù riêng, có lợi nhiều lợi ít, bất cập nhiều bất cập ít, nhưng đã chọn nghề thì lẽ dĩ nhiên phải chấp nhận.

Sợ phải đi nhiều, chi bằng thu hẹp, giảm bớt bối cảnh. Ngại mưa nắng, hãy hoãn lịch quay và xin thêm kinh phí bổ sung. Không muốn quay đêm thì có thể ngủ ngày – đêm thức, hoặc cắt luôn kịch bản không quay cảnh buổi tối nữa cho “rảnh”, nên chăng?

Sau cùng, kịch bản là một trong những thứ đầu tiên được đưa đến tay diễn viên, nếu có bất cứ khúc mắc nào về vai diễn, lời thoại, bối cảnh thì phải được hiệu chỉnh. Nhưng theo lẽ thường, một kịch bản sẽ được chính đạo diễn nhắm duyệt, đạo diễn tham gia casting, vậy lẽ nào anh lại không rõ Nhã Phương có bao nhiêu thực lực để giao kịch bản; hay không rõ vai diễn có vượt sức Nhã Phương, có làm cô “thoát” khỏi cái bóng chính mình sao?

Những lý lẽ đó đã bị cư dân mạng phản bác rất thẳng thắn. Và quả đúng vậy. Không phải khán giả quá khắt khe mà bởi thời cuộc đã yêu cầu họ phải cất tiếng nói, để bộ phim thôi nhàm chán, hết đơ, và bởi vì họ là người bỏ tiền để THƯỞNG THỨC tác phẩm, trong số đó có cả những cô lao công, bác giáo viên, chị kế toán vốn vất vả hơn Nhã Phương rất nhiều lần cả về vật chất lẫn tinh thần…

“Cảnh Điềm” phiên bản Việt Nam

Nói về Cảnh Điềm, đừng quên kể về 3 điều thú vị. Thứ nhất cô ấy là “mỹ nữ đẹp nhất Bắc Kinh”. Thứ hai cô ấy là “bình hoa di động” với biểu cảm “ngàn lần như một”, cũng đơ, cũng rập khuôn, cũng làm người xem chán nản. Sau cùng cô ấy có một vũ trụ riêng mang tên mình: Vũ trụ Cảnh Điềm.

Tham gia diễn xuất từ năm 2008, lấn sân từ thân phận là một diễn viên múa nhưng đến thời điểm hiện tại, Cảnh Điềm vẫn bị người ta nói “dùng tiền mua vai”. Nhan nhản những phim có Cảnh Điềm, nhưng khổ thay tất cả biểu cảm cô thể hiện dù vui, dù buồn, dù khóc, dù cười... đều như một.

Cảm Điềm bị nhận xét diễn xuất lố, thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp và trình độ diễn xuất không cải thiện trong suốt thời gian dài.

Điển hình trong Tử Chiến Tường Thành, chưa cần bàn đến nội dung nhưng với vai nữ chính, mỗi khi nhìn thấy Cảnh Điềm thôi là người ta “hết muốn xem”, đúng là chỉ có sắc chứ chưa đủ thực tài. Bộ phim sau đó báo lỗ 75 triệu USD.

VŨ TRỤ MẶT ĐƠ: Hoa ngữ có Cảnh Điềm, Việt ngữ có Nhã Phương-4

Nhân nói về Cảnh Điềm, hãy nói thêm một chút về “nữ hoàng giải thưởng” Hollywood – Meryl Streep, tượng đài sống về diễn xuất với “kho” tượng vàng khổng lồ. Con số của tượng thì nhan nhản trên internet, nhưng câu chuyện cần phải kể ở đây không phải tượng mà là Meryl, hay đúng hơn là thái độ cống hiến của bà.

Meryl Streep bị chửi bới, bị xúc phạm, kỳ thị ngay từ lúc mới tham gia diễn xuất. Bà từng chia sẻ trên sóng truyền hình khi bị mất vai “người đẹp” trong bộ phim King Kong bởi đạo diễn chê “quá xấu xí”. Nhưng sau đó, bà đã giành Oscar, Quả Cầu Vàng cùng nhiều cup điện ảnh khác.

Trong lần đầu tiên nhận tượng vàng Oscar danh giá, Meryl Streep muốn tô lại son. Bà nhớ ra màu son mình yêu thích, nhưng lại quên mất mình đang cầm tượng vàng. Con người đó chỉ quan tâm đến vai diễn, và vai diễn ấy đem lại cho bà không phải cái tượng, mà là sự công nhận – yêu mến của công chúng, thái độ cảm phục – ngang hàng của đồng nghiệp.

Vậy nên, thông qua câu chuyện của Meryl mà nói rằng, diễn xuất là tài sản của mỗi diễn viên. Số tài sản ban đầu có khác nhau, dựa vào tài năng của mỗi người nhưng không có nghĩa sẽ mãi mãi như vậy. Làm giàu vai diễn, biến hóa, hóa thân và “ăn nằm” với nghề, nhận góp ý, cải thiện… sẽ giúp diễn viên ngày càng trưởng thành hơn, đồng nghĩa tài sản đó cũng sẽ tăng lên.

Nếu một diễn viên mãi mãi không có thêm sự phát triển mới trong cách diễn, đa dạng cách diễn, hóa thân vào nhân vật thì quả thực sẽ là “diễn viên 1 vai” đến cuối cuộc đời.

Khán giả không ai muốn điều đó đến với Nhã Phương hoặc bất cứ diễn viên nào khác. Họ càng không muốn Việt Nam có một Cảnh Điềm, vậy nên thay vì kể khổ, biện hộ cả tỷ lý lẽ, Nhã Phương nên tập trung hơn vào nghề nghiệp mà cô đã lựa chọn và một lòng hy sinh.

P.V
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/xu-trung-co-canh-diem-nuoc-viet-co-nha-phuong-n-257493.html

diễn xuất dở tệ Cảnh Điềm Nhã Phương

Tin tức mới nhất