Nhắc đến “vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng”, khán giả sẽ nghĩ tới đế chế Marvel hay DC. Marvel Studios đang gây sốc trên toàn thế giới với dự án phim đầy tham vọng, Avengers: Endgame.

Kinh phí quay Avengers: Endgame được nhà sản xuất giấu kín nhưng giới phê bình tin rằng siêu phẩm hội tụ các siêu anh hùng có thể ngốn tới 600 triệu USD. Dự kiến phim sẽ lãi và lãi lớn khi các hệ thống rạp chiếu trên thế giới đều đang rơi vào cơn sốt vé. Marvel và DC đã đưa những nhân vật từ truyện tranh lên màn ảnh, điều từng là điều không thể.

Vũ trụ siêu anh hùng châu Á - Kim Dung có là bá chủ?-1
Kim Dung tạo ra giang hồ võ hiệp ở châu Á trong khi Marvel tại ra vũ trụ siêu anh hùng.

Phim về những người hùng luôn là vùng đất hứa của các nhà sản xuất. Các nhà làm phim châu Á cũng tìm cho mình những siêu anh hùng riêng đậm chất châu Á. Và nếu như phương tây có Stan Lee, người vừa qua đời vào tháng 11/2018, tạo ra đế chế Marvel thì châu Á luôn tự hào với Kim Dung. Kim Dung đã vẽ lên cõi giang hồ của thế giới võ hiệp.

Giang hồ võ hiệp không kém vũ trụ Marvel

Stan Lee tạo ra vũ trụ Marvel còn Kim Dung tạo nên cõi giang hồ của riêng ông. Những tiểu thuyết do Kim Dung viết đều có liên kết với yếu tố lịch sử. Mỗi tác phẩm đều là sự đan xen giữa hư cấu và thực tế. Tân Hoa Xã từng viết về Kim Dung như “cây đại thụ lỗi lạc gắn với lịch sử phong kiến Trung Quốc”.

Ở cõi giang hồ có sự xuất hiện của những anh hùng siêu phàm. Những cao thủ võ lâm không phải sinh ra đã là anh hùng mà luôn trải qua quá trình từ “zero thành hero”. Dưới ngòi bút Kim Dung, nhiều anh hùng giang hồ Trung Quốc ra đời như Kiều Phong, Dương Quá, Quách Tĩnh, Lệnh Hồ Xung…

Vũ trụ siêu anh hùng châu Á - Kim Dung có là bá chủ?-2
Kiều Phong là nhân vật anh hùng cái thế trong phim của Kim Dung.

Họ có lòng yêu nước lớn lao, mang theo hoài bão hành hiệp trượng nghĩa mang lại bình yên cho giang hồ. Nhân vật Kiều Phong trong Thiên long bát bộ là một siêu anh hùng điển hình. Anh có đầy đủ tính cách mong đợi của một siêu anh hùng: chính trực, dũng cảm và võ công cao cường. Kiều Phong chưa bao giờ nghĩ đến lợi ích bản thân mà sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hòa bình quốc gia.

Kim Dung và Stan Lee là hai bậc thầy sinh ra cùng thời đại, khác về văn hóa. Nhưng họ lại gặp nhau trong tư tưởng. Mối quan hệ giữa chính phủ và các siêu anh hùng luôn được đặt trong sự mâu thuẫn, phức tạp.

Vũ trụ siêu anh hùng châu Á - Kim Dung có là bá chủ?-3
Những siêu anh hùng trong phim võ hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung trượng nghĩa, có tình. Đa số họ đều là người trưởng thành từ zero thành hero.

Trong truyện của Marvel, đạo luật kiểm soát các siêu anh hùng từng gây ra tranh cãi giữa Captain America và Iron Man.

Đạo luật yêu cầu các siêu anh hùng tiết lộ danh tính và chịu sự kiểm soát của chính phủ khi hành hiệp trượng nghĩa. Iron Man đồng ý quan điểm này nhưng Captain America cho rằng đây là sự nhảm nhí.

Ở cái nhìn bênh vực Captain America, ai cũng hiểu thật khó có thể đánh bại Thanos với sự giúp đỡ của Interpol.

Thế giới võ hiệp của Kim Dung cũng tồn tại những xung đột tương tự. Tuyến nhân vật chính thường sống tự tại trong giang hồ, không chịu sự trói buộc lễ giáo phong kiến. Họ như tồn tại ở một thế giới khác.

Cái hay của Kim Dung còn là việc ông tạo ra loạt tác phẩm liên kết xâu chuỗi phức tạp. Bộ ba tiểu thuyết Xạ Điêu tam bộ cho tháy rõ sự liên kết về mặt lịch sử. Đầu tiên la Anh hùng xạ điêu với bối cảnh thời Tống, Thần điêu đại hiệp là câu chuyện xảy ra khi Mông Cổ đem quân xâm chiếm nhà Tống. Ỷ thiên đồ long ký là giai đoạn về thời nhà Minh.

Vũ trụ siêu anh hùng châu Á - Kim Dung có là bá chủ?-4
Hình tượng siêu anh hùng trên màn ảnh Bollywood.

Điều khiến các nhà làm phim Trung Quốc tiếc nuối nhất là họ chưa thể tạo nên đế chế điện ảnh mang tên Kim Dung trên màn ảnh rộng. Những năm qua, các tác phẩm của ông chủ yếu được dựng thành phim truyền hình. Đây cũng là điểm hạn chế khiến Kim Dung chưa có “vũ trụ điện ảnh” của riêng mình giống Marvel.

Cư dân mạng trên Douban vẫn tin rằng ngày Trung Quốc mang tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung chinh chiến trên màn ảnh rộng thế giới không còn xa. “Kịch bản tốt, nhân vật siêu anh hùng trượng nghĩa đậm chất châu Á có thể bay lượn và đấu võ với các tuyệt học võ công là đề tài mới lạ với khán giả Mỹ và châu Âu”, độc giả Douban viết.

Bollywood - “cường quốc siêu anh hùng” của châu Á?

Các nhà làm phim châu Á gặp nhiều khó khăn khi muốn làm phim về siêu anh hùng. Về cơ bản, các phim này khó có thể so sánh với các phim Hollywood với ngân sách khổng lồ. Phần nhiều trong số các phim này có kịch bản do các nhà làm phim trong nước sáng tạo, ví dụ như Cicak Man của Malaysia, Krrish của Ấn Độ, Red Eagle do Thái Lan sản xuất, Zebraman xuất xứ từ Nhật bản.

Tuy nhiên, hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh không như ý là điểm trừ lớn của các phim này. Hầu hết các nhà sản xuất của châu Á gặp khó khăn khi nghĩ đến việc làm tiếp phần thứ hai về siêu anh hùng, trước khi tạo ra đế chế.

Vũ trụ siêu anh hùng châu Á - Kim Dung có là bá chủ?-5
Hình ảnh kỹ xảo trong phim siêu anh hùng Ấn Độ. Kỹ xảo là vấn đề không nhỏ của các nhà làm phim châu Á.

Theo Hindustan Times, Bollywood đã tạo ra nhiều siêu anh hùng phong cách Hollywood trên màn ảnh nhất so với các quốc gia châu Á còn lại. Bollywood làm phim về đề tài này từ những năm 1980 với Shiva Ka Insaaf, Mr India. Những năm gần đây, Bollywood tiếp tục ra mắt loạt siêu anh hùng như Ra.One, Drona, Krrish, Ajooba.

Dự án phim gần nhất về đề tài này của Bollywood là Bhavesh Joshi, ra mắt năm 2018. Bộ phim là câu chuyện về chàng trai trẻ sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn để bảo vệ lẽ phải. Cây viết Bhavesh Raja Sen của NDTV nhận định phim có ý tưởng tốt nhưng kịch bản thiếu chặt chẽ, các pha hành động kỹ xảo không hấp dẫn.

Trang Filmfare từng chê bai phim siêu anh hùng châu Á có kỹ xảo hành động như thập niên 1990. Các phim có mô típ na ná nhau và sự chồng chéo quá nhiều tình tiết khiến phim bị rối.

“Có cảm giác các siêu anh hùng của chúng ta phải vật lộn giữa bảo vệ hòa bình với vấn đề tôn giáo và việc có thể phải hát múa trong phim”, nhà phê bình Samit Basu viết trên trang cá nhân.

Những khán giả tin rằng việc chinh chiến ở mảng đề tài siêu anh hùng là điều không dễ dàng với các nhà làm phim châu Á. Tuy nhiên, dù có yếu tố "sến", tôn giáo vẫn làm nên điểm khác biệt của dòng phim này so với các bom tấn Hollywood.

Theo Zing