Đây là thông tin được ông Hồ Minh Tấn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I và phương hướng nhiệm vụ trong quý II/2023 diễn ra vào chiều 6/4.
Ông Tấn cho biết, trực thăng Bell-505 là loại trực thăng hạng nhẹ một động cơ của Mỹ, do Bell Helicopter thiết kế, sản xuất. Tàu bay được Cục Hàng không Mỹ, Canada, châu Âu cấp giấy chứng nhận và cũng được Cục Hàng không Việt Nam công nhận chứng chỉ loại vào năm 2018.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được thư của nhà sản xuất, chế tạo Bell và Ủy ban An toàn vận tải Canada đề nghị hỗ trợ, cử đại diện tham gia công tác điều tra nguyên nhân tai nạn.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay công ty trực thăng miền Bắc đang khai thác 2 tàu bay Bell-505 với số đăng ký là VN-8650 và VN-8651.
Đối với tàu bay gặp nạn (VN-8650), tổng số giờ bay cho tới khi gặp nạn là 488 giờ, với 2.655 lần cất/hạ cánh.
Bảo dưỡng định kỳ của tàu bay thực hiện đầy đủ theo nội dung đã được phê duyệt. Cho đến khi tàu bay gặp nạn, Công ty trực thăng miền Bắc đã thực hiện 682 giờ bay du lịch với cả 2 tàu bay với trên 7.000 lượt hành khách.
Đối với phi công thực hiện chuyến bay, ông Tấn cho biết có giấy phép lái tàu bay thương mại và còn hiệu lực đến tháng 6/2026.
Tại thời điểm xảy ra tai nạn, thời tiết, khí tượng tốt, tầm nhìn 6-8km, nhiệt độ 26 độ C, khí áp 1003 hoàn toàn phù hợp với điều kiện bay bằng mắt.
"Do tàu bay Bell-505 có tải trọng nhỏ hơn 5.700kg nên không có quy định phải mang thiết bị tham số bay.
Tuy nhiên, tàu bay lại được trang bị Vision 1000 có chức năng ghi lại hình ảnh trong buồng lái và khả năng chống va đập. Đây là thiết bị có khả năng hỗ trợ công tác điều tra về nguyên nhân xảy ra tai nạn", ông Tấn khẳng định.
Trực thăng rơi: Nhà sản xuất xin hỗ trợ công tác điều tra
Theo báo cáo từ Cục Hàng không Việt Nam, sơ bộ sự cố diễn ra ngày 5/4, máy bay Bell-505 cất cánh từ bãi đỗ Tuần Châu lúc 16h56 để thực hiện chuyến bay ngắm cảnh trong vòng 10 phút ngắm Vịnh Hạ Long. Thời điểm kết thúc chuyến bay là 17h05.
Chỉ huy chuyến bay xác nhận không liên lạc được với người lái và đã báo cáo sở chỉ huy của công ty trực thăng miền Bắc. Vào lúc 17h25, chỉ huy đã nhận được thông tin tàu bay gặp tai nạn từ người dân.
Sau khi nhận được thông tin, Tổng công ty trực thăng miền Bắc đã báo cáo Binh đoàn 18 Bộ Quốc phòng và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn quốc gia cùng Cục Hàng không Việt Nam. Các đơn vị đã triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn đối với tàu bay.
Hiện nay đã xác định điểm rơi, công tác cứu nạn cũng đã thu thập được máy bay, mảnh vỡ và thi thể 4 nạn nhân.
Về xử lý ban đầu với tai nạn, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tìm kiếm cứu nạn cho tàu bay.
Căn cứ vào các quy định hiện hành của Việt Nam và thế giới, Cục Hàng không Việt Nam phân loại đây là tai nạn mức cao, có thiệt hại máy bay và người. Công tác điều tra phải thực hiện theo quy định.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hoạt động bay hàng không tầm thấp nằm trong khu vực bay hoạt động hàng không chung do Bộ Quốc phòng cấp phép, quản lý và thực hiện.
Để triển khai các bước tiếp theo, Cục Hàng không kiến nghị tiếp tục tập trung tối đa nguồn lực thực hiện cứu hộ, cứu nạn.
Cục cũng trình Chính phủ điều tra nguyên nhân tai nạn theo quy định của pháp luật cùng với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, quốc gia thiết kế tàu bay, quốc gia chế tạo tàu bay, nhà sản xuất tàu bay và động cơ.
Theo Vietnamnet