“Có hay không giữa khoảnh khắc nào đó đột nhiên bạn muốn ly hôn?”, đó là một câu hỏi trên diễn đàn Zhihu thu hút nhiều lời chia sẻ, tâm sự của người dùng mạng.
Trong đó có câu trả lời đến từ một người vợ, tình huống cô đưa ra tưởng như nhỏ nhặt nhưng ẩn chứa sau đó lại là những tầng ý nghĩa sâu xa.
Ý định ly hôn đến từ một sự việc nhỏ
Mở đầu lời chia sẻ, người vợ kể về một sự việc bình thường diễn ra trong cuộc sống. Hôm đó cô vừa mở cửa tủ lạnh thì đồ bên trong bất ngờ rơi ra vì người chồng để quá nhiều thứ vào tủ. May mắn là anh chồng đứng gần đó nên đã đỡ được đồ vật.
Cô cứ nghĩ phản ứng đầu tiên của anh ta là phải cảm thấy vui mừng vì có mặt ở đó, tránh được cảnh đồ rơi xuống đất. Song người chồng lại vô cùng phẫn nộ, lên tiếng chỉ trích, trách mắng vợ ngu ngốc, dùng sức quá mạnh mở tủ lạnh. Trong khi đó cô vẫn mở như vậy mỗi ngày không có gì khác.
“Đổi lại nếu tôi là người để quá nhiều đồ, khi anh ta mở tủ lạnh làm rơi thì sẽ lập tức mắng vợ là ngu ngốc, có cất đồ cũng không nên hồn! Tại sao khi có bất kỳ sự việc nào phát sinh đều phải tìm cách đổ lỗi, biến đối phương thành người sai?”, cô vợ viết.
Cô vợ chia sẻ cuộc sống hôn nhân ngày càng ngột ngạt, niềm vui cũng nhanh chóng bị rút cạn bởi những lời mắng mỏ và lên án một cách phũ phàng từ chồng.
Rõ ràng hai người đã kết hôn không ít năm song người chồng lại ngày càng thô lỗ và cộc cằn với vợ. Chứ không phải là càng ở bên nhau lâu thì càng tôn trọng, thấu hiểu và đối xử tử tế với đối phương.
“Lẽ nào tôi cũng phải treo hai từ ‘ngu ngốc’ trên miệng để mắng chồng mới có thể bảo vệ chính mình, phản kháng lại cách đối xử của anh ta. Mỗi lần đối phương mắc sai lầm dù là nhỏ cũng mắng mỏ, nếu như vậy thì những việc mà tôi có thể mắng thật sự quá nhiều”, cô vợ chia sẻ.
Khi chồng làm hỏng hộp cơm, khi anh ta chẳng may làm vỡ điện thoại, cô hoàn toàn có thể mắng chồng như cách anh ta làm với mình. Nhưng người vợ này nghĩ đơn giản, có hỏng thì sửa hoặc mua mới, sao phải dằn vặt nhau vì những chuyện nhỏ không đáng.
Người phạm sai lầm đồng thời cũng cảm thấy khó chịu và tự biết sửa đổi bản thân, không cần thiết người còn lại phải mạt sát bằng những lời lẽ nặng nề.
“Lẽ nào không thể thông cảm và kiên nhẫn với nhau hơn một chút?”, cô vợ kết thúc tâm sự bằng một câu hỏi bỏ ngỏ, cũng là tiếng lòng của nhiều người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Có những người phụ nữ chưa bao giờ được nghe một lời nói tử tế từ chồng
Bạo lực ngôn ngữ cũng nghiêm trọng chẳng khác gì bạo lực về thể xác. Nó đến từ những kẻ vô tâm, thiếu tôn trọng, không đủ bao dung cho người khác. Nhưng kẻ tấn công lại luôn có thể biện hộ cho bản thân với lý lẽ kiểu như “sao phải để bụng một câu nói” hoặc “nói vậy thôi chứ không có ý gì”.
Người ta vẫn coi thường sức sát thương của những lời nói thiếu tử tế, mà không biết rằng chúng cũng đủ sức mạnh để phá hủy một cuộc hôn nhân tưởng chừng tốt đẹp.
Người vợ trong câu chuyện không phải bỗng nhiên nảy ra ý định ly hôn chỉ với sự việc mở cửa tủ lạnh đó. Chắc chắn những ấm ức và tủi thân của cô đã tích lũy từ ngày này sang tháng khác. Chuyện đó chỉ như giọt nước làm tràn ly mà thôi.
Cho dù cô chưa hạ quyết tâm ly hôn lúc ấy, song người chồng không thay đổi thì dần dần ý nghĩ cũng sẽ biến thành hành động.
Có một sự thật đáng buồn là nhiều người phụ nữ trong suốt cuộc hôn nhân nhiều năm của mình thậm chí chưa nhận được một lời nói tử tế nào từ chồng. Họ vẫn luôn cố gắng chịu đựng, sống trong sự tủi thân, niềm mơ ước về những điều tử tế và tình cảm, rất đơn giản mà lại quá xa vời.
Lỗi "ăn nói cục súc" không đủ mạnh để người ta bỏ đi, từ đó hôn nhân trở thành một bát canh nhạt thếch, chẳng chút mùi vị ngon lành nhưng lại chưa đến mức thiu để mạnh mẽ hắt đi.
Theo Pháp luật và bạn đọc