Tôi mới lấy chồng chưa đầy một năm nhưng đang vô cùng bế tắc. Chưa khi nào tôi nghĩ, bản thân lại rơi vào hoàn cảnh éo le như thế này.
Tôi và chồng cùng huyện, quen biết nhau khi cả hai cùng nộp đơn xin việc chung một công ty và trùng hợp là đều được nhận. Vì thấy có duyên nên chúng tôi trao đổi số điện thoại để nói chuyện qua lại. Và dần dần từ đồng nghiệp, chúng tôi trở thành người yêu.
Thời điểm đó, tôi cũng xác định mối quan hệ lâu dài vì thấy người yêu hiền lành, lại cùng quê (cách nhà tôi hơn chục cây số), sau này lấy nhau đi lại cũng tiện. Vậy là sau hơn nửa năm hẹn hò, cuối năm ngoái, chúng tôi quyết định về ra mắt hai gia đình để bàn chuyện đám cưới.
Con dâu choáng váng với lời đề nghị của mẹ chồng. Ảnh minh họa.
Lúc về gia đình anh, tôi cũng được mọi người chào đón và trải qua vòng "hỏi đáp" của mẹ chồng tương lai một cách khá nhẹ nhàng.
Phần thử thách "nữ công gia chánh" cũng không làm khó được tôi vì tôi là con gái cả trong nhà, thường xuyên phụ mẹ nấu nướng nên cũng được gọi là biết nấu ăn.
Những tưởng mọi chuyện suôn sẻ, thuận lợi, nào ngờ, sau khi chính thức về làm dâu trong gia đình nhà chồng, tôi mới choáng váng với loạt yêu cầu oái oăm mà mẹ chồng đưa ra.
Nhà chồng tôi có 2 anh em. Chồng tôi là cả, bên dưới có một em gái. Lúc trước đám cưới, thấy có bé gái chừng hơn 1 tuổi trong nhà, tôi hỏi thì được giới thiệu là con của em gái chồng. Cô ấy lấy chồng xa, vợ chồng mải làm ăn nên gửi về ông bà trông giúp, sắp tới sẽ về đón để cho đi học mẫu giáo.
Song sau đó tôi phát hiện, thực chất em gái chồng là mẹ đơn thân, chưa từng lấy chồng, chỉ là có bầu và sinh ra đứa bé. Khi con bé mới được 6 tháng, cô ta bỏ lại con ở với ông bà ngoại và bác, còn bản thân đi vào miền Nam, biền biệt cả năm không về thăm con.
Biết chuyện, tôi cũng rất thương cháu, thầm trách em chồng trẻ người non dạ, giờ khiến đứa trẻ vô tội còn nhỏ đã thiếu vắng tình cảm gia đình. Nhưng tôi không ngờ, chỉ sau chưa đầy 1 tuần về làm dâu, mẹ chồng đã bắt tôi phải có trách nhiệm với cháu gái như thể đó là con do tôi sinh ra vậy.
"Từ nay, mọi việc liên quan đến cái Bống, mẹ giao lại cho con. Con thương cháu thì hãy coi nó như con đẻ nhé. Nó đã thiệt thòi quá nhiều rồi nên giờ con cố gắng bù đắp cho cháu nó một gia đình hoàn chỉnh".
Chưa kịp để tôi phản ứng gì, mẹ chồng đã "phủ đầu" tôi nói bà tin tôi là người nhân hậu, bao dung nên sẽ không từ chối. Và đó cũng là việc mà một đứa con dâu mới như tôi nên làm để thể hiện tấm lòng với gia đình nhà chồng.
Vậy là tôi vừa "chân ướt chân ráo" về nhà chồng đã phải trở thành bà mẹ bất đắc dĩ của một em bé gần 2 tuổi. Và cái trách nhiệm làm mẹ ấy nặng nề hơn tôi nghĩ rất nhiều…
Mang tiếng vợ chồng son nhưng tối nào, cháu gái cũng lên ngủ cùng hai bác vì mẹ chồng tôi nói làm vậy cho có tình cảm gia đình.
Trong nhà đã không có không gian riêng tư, nhiều lúc muốn ra ngoài đổi gió, tôi cũng bị mẹ chồng ép bằng được cho cháu theo. Thậm chí ngay cả khi tôi về thăm bố mẹ đẻ, mẹ chồng cũng yêu cầu dắt theo cháu gái như thể cho con về thăm ông bà ngoại thật.
Điều oái oăm nữa là chính mẹ chồng chủ động đề nghị tôi nên kế hoạch hóa gia đình, chưa có con vội để toàn tâm toàn ý lo cho cháu gái. Một điều tưởng chừng như rất phi lý nhưng lại diễn ra với bản thân tôi.
Chưa hết, chuyện chi tiêu trong gia đình cũng khiến tôi vô cùng áp lực. Vợ chồng tôi làm công nhân, tổng thu nhập cũng chỉ hơn 20 triệu một chút nhưng phải lo toàn bộ sinh hoạt phí trong gia đình 5 người (bao gồm bố mẹ chồng, vợ chồng tôi và cháu gái).
Vì vậy, tháng nào tôi cũng phải đau đầu cân đo đong đếm nào là tiền ăn, tiền mắm muối, xà phòng, tiền điện nước rồi ma chay, hiếu hỷ. Đó là chưa kể hàng tháng, tôi phải tốn thêm tiền mua sữa bỉm, quần áo, đồ ăn vặt cho cháu gái.
Đỉnh điểm, nửa năm nay, tôi phải gánh thêm cả tiền đi học mẫu giáo của cháu. Tất cả khiến tôi nhiều lúc cảm thấy bản thân không gồng mình lên được nữa.
Tôi ấm ức nói với chồng nhưng cũng chỉ nhận lại là sự động viên cố gắng. Còn bố mẹ chồng coi đó là trách nhiệm mà tôi phải lo nên không mảy may áy náy gì.
Thậm chí trong nhà thiếu cái gì, ông bà hạch sách cái đó. Hoặc tôi có lỡ quát cháu lúc bé không nghe lời thì lập tức bị bố mẹ chồng trách mắng không có tình thương con trẻ.
Tôi lấy chồng để mong vun đắp hạnh phúc, sinh con đẻ cái chứ đâu phải lấy chồng để chịu cảnh khổ sở nuôi con người khác như thế này. Tôi không biết tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa nhưng đến hiện tại, tôi chỉ muốn bỏ cuộc, tìm việc làm trên thành phố để thoát khỏi cuộc sống tù túng, bế tắc nơi nhà chồng.
Tôi có nên quyết tâm làm như thế hay nên làm thế nào trong hoàn cảnh này mới là tốt nhất?
Theo Sức Khỏe & Đời Sống