Trên sân thượng của gia đình chị Kim Dung ở Lai Châu, ngoài các loại hoa yêu thích còn có 40 chậu dâu tây. Theo chị Dung, dâu chín rộ từ tháng 12 âm lịch đến giờ nên ngày nào hầu như khu vườn nhỏ cũng cho thu hoạch.
Chị bắt đầu trồng dâu từ năm 2014 từ hai cây giống xin được của bạn.
Chủ nhà chia sẻ chị không chăm sóc cầu kỳ vườn dâu. Trước khi đến mùa quả, chị tỉa bớt lá già, bón NPK tan chậm, đến lúc ra hoa mới tưới nước vo gạo.
"Dâu nhà trồng được có vị ngọt và thơm lắm. Dâu sạch 100%, không thuốc bảo vệ thực vật, không dư lượng phân bón trong quả", chị Dung khoe.
Chùm dâu non chen chúc bên những quả chín đỏ.
Dâu chín, chị để trên cây và ngày nào cũng vặt tầm chục quả cho con ăn chứ không thu hoạch hết một lần như nhà vườn.
Những trái dâu đỏ mọng dưới ánh nắng mặt trời.
Cũng yêu thích làm vườn, chị Mai Hương (Hà Nội) gây dựng được vườn rau xanh tốt trên sân thượng để cung cấp rau sạch cho gia đình. Các con thích ăn dâu nên chị trồng thêm vài chục chậu.
Dâu chín một, hai hôm, chị Hương sẽ cùng các con lên vườn thu hoạch. Bà mẹ ba con cho hay do không chăm được như vườn chuyên nghiệp, nhiều cây lại mới tách và đang bói quả nên dâu chưa sai. "Mỗi lần hái chỉ tầm chục quả là nhiều", chị Hương nói.
Mùa đông là thời điểm cho trái, còn mùa hè là lúc cây đẻ nhánh. "Tôi thấy cây dâu khá khoẻ. Có lần cả nhà đi vắng để héo quắt nhưng về tưới nước, hái lá khô, cây lại sống. Cảm giác thật yomost", chị Hương kể.
Theo chị Hương, bệnh rệp là loại bệnh phổ biến với cây dâu. Những lúc cây "không khỏe", chị phun dung dịch ớt, tỏi, gừng pha với nước thuốc lào và nước rửa bát. Chỉ cần phun một lần là cây hết bệnh.
"Các con rất thích khi thấy mẹ mang những trái dâu tươi chín mọng từ vườn xuống. Hôm nào cháu cũng bảo mẹ vặt dâu cho con ăn. Dâu này thơm, dù không ngọt lịm. Tôi thường hái cho con ăn sống, nếu không sẽ thái lát rồi cho vào sữa chua", chị Hương chia sẻ.
Theo Ngoisao