Giao dịch nào phải xác thực khuôn mặt?

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, từ ngày 1/7, chuyển tiền từ 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày sẽ phải xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt.

Ngoài ra, theo khoản 2 của Quyết định 2345, khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (Mobile Banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Nói về quyết định trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, với việc áp dụng Quyết định 2345, khi giao dịch phải so khớp, xác thực khuôn mặt nên tội phạm không thể lấy được tiền.

Điều quan trọng khi chiếm đoạt thông tin, kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. 

Do đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền. Mặt khác, khi thực hiện giao dịch thông thường thì người đi thuê tài khoản, người cho thuê tài khoản không thể sử dụng được tài khoản giao dịch.

Xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền, còn nguy cơ mất tiền trong tài khoản?-1
Khách hàng thực hiện xác thực khuôn mặt tại quầy. Ảnh: TPBank.

Lý giải vì sao NHNN chọn mốc 10 triệu đồng, ông Dũng chia sẻ giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 11% tổng lượng giao dịch. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày chỉ chưa đến 1%. Do vậy, không thể yêu cầu người dân chỉ thanh toán tiền mua chai nước hay cái vé xe buýt cũng phải thực hiện xác thực khuôn mặt. 

Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Không phải khi thực hiện 20 triệu đồng mà đến giao dịch 100.000 đồng sau giao dịch 20 triệu đồng phải làm sinh trắc học, mà ở mức 20 triệu đồng chúng ta xác thực xong sau đó chúng ta không phải xác thực nữa, cho đến tận 20 triệu đồng tiếp theo. Nguyên tắc không làm gián đoạn việc trải nghiệm của khách hàng”.

Với quy định trên, tài khoản không chính chủ, mở bằng giấy tờ giả sẽ bị loại bỏ. 

Làm rõ hơn về quy định này, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN, cho biết quy định chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền thông thường, không áp dụng với các giao dịch thanh toán mà ở đó bên nhận tiền đã là điểm đến rõ ràng.

“Ở đây tôi muốn làm rõ là giao dịch chuyển tiền”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh. Còn tất cả giao dịch thanh toán mà các đơn vị chấp nhận thanh toán, các tổ chức tín dụng (TCTD), các trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Ví dụ thanh toán tiền điện, nước, thanh toán thuế, thanh toán phí giao thông,... tất cả những giao dịch có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học.

Làm sạch dữ liệu, chống lừa đảo trong giao dịch trực tuyến

Mới đây, NHNN có văn bản số 4932/NHNN-TT gửi UBND các tỉnh, thành phố phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản của học sinh, sinh viên.

Thực tế, thời gian qua, tại nhiều địa phương, các đối tượng tội phạm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp CCCD mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở. 

Đối tượng cung cấp cho học sinh điện thoại sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking, SMS Banking. 

Sau đó, các đối tượng yêu cầu học sinh trả lại điện thoại, cung cấp thông tin trên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP)… các đối tượng này cũng thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của các học sinh để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu. 

Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…

Văn bản của NHNN nêu rõ, các hành vi bị cấm được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ: cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh);

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024, có hiệu lực từ 1/7/2024, thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP, trong đó có bổ sung quy định về hành vi bị cấm tại khoản 3,5 Điều 8 gồm: cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán…; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán, ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh); lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tín ví điện tử; điểm h khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) quy định chủ tài khoản thanh toán không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình.

Các hành vi vi phạm trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/NĐ-CP ngày 14/11/2019 (đã sửa đổi, bổ sung). 

Cụ thể, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với các hành vi: thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu động đối với các hành vi: thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

NHNN thời gian qua thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo rà soát và kiểm tra tất cả những hồ sơ tài khoản không khớp với giấy tờ tuỳ thân, nghiên cứu giải pháp sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác dữ liệu trên CCCD gắn chip.

Theo Vietnamnet