Ngày 26/6, Bệnh viện Da liễu TPHCM thông tin về một trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng sau khi xăm môi.
Chị L.T.H. (39 tuổi, ngụ ở Bình Dương) đến bệnh viện một tuần trước trong tình trạng môi sưng, đóng mài dày, cảm giác đau rát.
Trước đó, chị H. đi xăm môi tại một thẩm mỹ viện. Sau xăm một tuần, môi bong tróc liên tục không ngừng, mài đóng ngày càng dày hơn, cảm giác đau rát khó chịu ngày càng tăng.
Một trường hợp tai biến sau xăm môi đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ cho biết. trường hợp của chị H. là viêm da tiếp xúc dị ứng sau xăm. Chị H. được chỉ định điều trị bằng kháng viêm, kháng dị ứng, bôi kem dưỡng giảm viêm và giảm đóng mài dày.
Dự kiến quá trình điều trị cho chị H. sẽ mất nhiều thời gian và khó có thể phục hồi như ban đầu. Trong trường hợp phản ứng dị ứng vẫn còn tiếp diễn, có thể chị phải điều trị laser để loại bỏ dần các hạt mực xăm gây dị ứng.
Cách đây vài tháng, khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng tiếp nhận một trường hợp tai biến nặng sau xăm môi. Chị T.T (27 tuổi, ngụ Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng môi trên sưng to, chảy mủ, môi dưới đóng mài, bong tróc gây đau nhức kèm sốt.
Trước khi nhập viện 2 tuần, chị T. đã đến một thẩm mỹ viện tại huyện Định Quán (Đồng Nai), được tư vấn xăm môi với giá 2 triệu đồng.
Sau khi xăm môi một tuần, môi dưới của chị nổi mụn. Ngày hôm sau môi trên cũng xuất hiện nhiều nốt mụn mủ sưng to, gây đau nhức kèm sốt. Chị T. liên hệ lại thẩm mỹ viện thì được hướng dẫn đến một phòng khám đa khoa gần đó để khám.
Tại phòng khám, chị T. được chẩn đoán nhiễm trùng sau xăm và được kê thuốc kháng sinh, nhưng tình trạng không đỡ, môi càng sưng to hơn kèm chảy mủ. Quá hoảng sợ, chị vội đi khám và được chỉ định nhập viện.
TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, nhu cầu xăm môi nhiều nên kéo theo tai biến xăm môi gia tăng. Tai biến xăm môi chiếm tỷ lệ cao nhất trong các ca tai biến xăm đến khám bệnh viện.
Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 3-5 ca tai biến do xăm môi, trong khi tai biến xăm ở các vùng khác như xăm mày, xăm mi mắt… chỉ khoảng 1-2 ca/tháng.
Theo bác sĩ Ánh Tú, việc xăm môi ẩn chứa rất nhiều nguy cơ tai biến như nhiễm trùng, nhiễm siêu vi như viêm gan siêu vi B, C, HIV… nếu người thực hiện không đảm bảo môi trường và kỹ thuật vô trùng.
Nếu cơ sở xăm môi sử dụng chất lượng mực xăm kém, rẻ tiền có thể gây ra các phản ứng dị ứng nặng tại nơi xăm như sưng nề, đỏ da, nổi mụn nước...
Hầu hết các trường hợp xảy ra tai biến do nơi thực hiện kỹ thuật xăm không tư vấn hoặc tư vấn sai cách chăm sóc sau xăm.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu có tai biến do xăm môi gây ra thì nên đến bệnh viện sớm để được xử lý kịp thời. Tuyệt đối không nên tự xử trí vì thương tổn dễ có nguy cơ nặng hơn và việc phục hồi càng khó khăn hơn.
Theo Vietnamnet