Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn Thủ đô có 33 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Trong năm 2024, ngành giao thông Hà Nội đã nỗ lực xử lý được 13/33 điểm.
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn có nguy cơ phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, nâng tổng số lên 36 điểm, tuyến đường ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Điểm đen ùn tắc nghiêm trọng nhất trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay có thể kể đến tuyến đường từ Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Dù TP Hà Nội những năm gần đây dành nguồn lực rất lớn đầu tư hạ tầng, phân luồng phương tiện, nhưng tuyến đường này vẫn ùn tắc nghiêm trọng tất cả khung giờ trong ngày.
Dù ngành GTVT Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp, nhưng nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh vẫn thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Đình Hiếu
Đặc biệt là giờ cao điểm, tại điểm đen Ngã Tư Sở, ô tô, xe máy xếp dài hàng trăm mét chờ lên cầu vượt. Dòng phương tiện từ các tuyến đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… liên tục cắt ngang đầu ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi khiến giao thông trở nên hỗn loạn.
Tuyến đường thường xuyên ùn tắc phải kể đến nữa là Trường Chinh - Láng (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy). Dù ô tô chạy bon bon đường trên cao Vành đai 2, nhưng đến điểm xuống Ngã Tư Sở thì thường xuyên trong tình trạng ùn tắc kéo dài. Còn tuyến đường Láng, do chưa được mở rộng, nên mật độ phương tiện giao thông thường xuyên quá tải.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Sở GTVT Hà Nội là do hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch. Ngoài ra, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân cao gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc trên, vừa qua ngành giao thông TP Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp. Về giải pháp chung, lâu dài, theo Sở GTVT, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó có phát triển vận tải hành khách công cộng, đầu tư kết cấu hạ tầng…
Về giải pháp cấp bách, vừa qua, Sở GTVT đã phối hợp với Công an TP lập 5 tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp giải quyết ùn tắc.
Cụ thể, tổ công tác sẽ nghiên cứu, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhằm điều tiết lưu lượng, điều chỉnh pha đèn phù hợp với lưu lượng phương tiện; rà soát các bất cập tại các nút giao có mật độ giao thông cao để điều chỉnh tổ chức giao thông; sắp xếp, bố trí lại các điểm dừng, đỗ xe buýt một cách hợp lý.
Cùng với đó, lực lượng chức năng của TP Hà Nội cũng tăng mức xử phạt và tăng cường phạt “nguội” nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội đề xuất xây dựng 5 cầu vượt kết cấu thép, nhằm giải quyết ùn tắc và tăng khả năng kết nối giao thông. Các cây cầu này được xây dựng ở nút giao: Châu Văn Liêm – Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); Cổ Linh - Thạch Bàn (quận Long Biên); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); Cổ Bi – Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm); Nguyễn Huy Nhuận – Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm).
Trong số này, theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn vào giờ cao điểm, đặc biệt là sau khi hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Tại nút giao trên, Sở GTVT Hà Nội đang thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông theo hướng cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Cổ Linh vào đường Thạch Bàn và điều chỉnh cho các phương tiện đi vào ngõ 541 Bát Khối, 33 Cổ Linh, 191 Thạch Bàn để giảm áp lực giao thông.
Các vị trí còn lại cũng đều có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc đầu tư xây dựng cầu vượt nhẹ là giải pháp hiệu quả, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại các nút giao này.
Theo Vietnamnet