'Xẻ toangư ngôi đền cổ nặng 16.000 tấn chuyển đến nơi mới, lắp như đồ chơi

Ngôi đền cổ đại được xẻ thành 807 tảng đá để di chuyển tới địa điểm mới cao hơn vị trí ban đầu 65m, sau đó lắp ráp lại như "đồ chơi lego".

Sự xuất hiện của con đập khiến hàng loạt công trình cổ ảnh hưởng

Abu Simbel là một di tích lịch sử gồm hai ngôi đền lớn bằng đá, tọa lạc tại ngôi làng cùng tên thuộc tỉnh Aswan, thượng Ai Cập, nơi gần biên giới với Sudan.

Công trình linh thiêng nằm bên bờ phía tây của hồ Nasser, cách Aswan khoảng 230 km về phía tây nam. Hai ngôi đền ban đầu được chạm khắc trên sườn núi vào thế kỷ thứ 13 trước Công nguyên, dưới triều đại thứ 19 của Pharaoh Ramesses II. Bởi vậy, công trình còn được gọi là đền Ramses II hoặc Ramesses II.

Xẻ toangư ngôi đền cổ nặng 16.000 tấn chuyển đến nơi mới, lắp như đồ chơi-1
Công trình là một trong những biểu tượng của Ai Cập (Ảnh cắt từ clip).

Với tuổi đời hơn 3.300 năm, ngôi đền cổ đại ngày nay là một trong những điểm thu hút khách du lịch tại Ai Cập. Nhìn quy mô bề thế bên ngoài, ít ai biết được, công trình đồ sộ này từng bị "xẻ toang" để di chuyển tới vị trí mới.

Trở lại câu chuyện lịch sử. Vào năm 1960, khi đập Aswan bắt đầu được xây dựng ở phía nam thành phố để ngăn lũ sông Nile, đồng thời phát điện và cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, các chuyên gia cho rằng, dự án sẽ có nhược điểm lớn.

Việc tạo ra hồ Nasser, một hồ chứa nhân tạo nằm phía thượng nguồn từ con đập sẽ khiến 90.000 người dân trong vùng phải đi tái định cư. Dự án sẽ đe dọa khu vực cũng như nhiều địa điểm khác, bao gồm cả khu phức hợp Abu Simbel gần biên giới Ai Cập - Sudan.

Xẻ toangư ngôi đền cổ nặng 16.000 tấn chuyển đến nơi mới, lắp như đồ chơi-2
Đến nay công trình đã hơn 3.300 năm tuổi (Ảnh: Trip).

Vì thế trong cùng năm, Ủy ban điều hành của UNESCO đã phát động chiến dịch kêu gọi sự giúp đỡ của những quốc gia thành viên để cứu lấy các di tích lịch sử cổ đại.

Khoảng 30 quốc gia đã thành lập Ủy ban quốc gia gồm các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học, kỹ sư và kiến trúc sư thực hiện sứ mệnh giải cứu.


"Xẻ toang" ngôi đền cổ nặng 16.000 tấn chuyển đến nơi mới, lắp như đồ chơi

Khi đó, chính phủ Ai Cập và các chuyên gia của UNESCO đã lập danh sách các di tích bị con đập "đe dọa". Đó là một phạm vi khổng lồ kéo dài hơn 2.000 năm của nền văn minh nhân loại. Những địa điểm bao gồm cả pháo đài cổ ở Sudan được xây vào thế kỷ 19 trước Công nguyên. Tuy nhiên, bản thân công trình này không thể cứu được và hiện đang bị chìm dưới nước.

"Xẻ toang" đền cổ, di chuyển tới nơi mới

Nhiều công trình cổ được di chuyển thành công như đền thờ Amada xây vào thế kỷ 15 trước Công nguyên, đền Wadi es-Sebua và đền thờ Kalabsha. Và thử thách lớn nhất là "cứu" ngôi đền "song sinh" Abu Simbel, nơi có 4 bức tượng khổng lồ của Ramses II.

Nhiệm vụ càng trở nên khó khăn hơn khi hồ chứa Nasser hoạt động hết công suất vào năm 1966.

Năm 1963, sau khi nhiều ý kiến được đề xuất và bác bỏ, nhóm chuyên gia quyết định, đền Abu Simbel sẽ được cắt xẻ thành 807 khối đá, mỗi khối nặng 20-30 tấn và di dời tới vị trí cao hơn.

Một con đập tạm thời được xây dựng ở quanh khu vực để giữ công trình khô ráo. Tiếp đó, công việc cần làm là lắp đặt trạm phát điện, xây mạng lưới đường cung cấp, tạo chỗ ở cho hàng nghìn lao động tham gia dự án.

Xẻ toangư ngôi đền cổ nặng 16.000 tấn chuyển đến nơi mới, lắp như đồ chơi-3
Ngôi đền được cắt xẻ thành 807 mảnh lớn (Ảnh: National Geographic).

Bốn pho tượng ngồi và sáu pho tượng đứng được cắt thành từng mảnh. Những thiết bị chuyên dụng như cần cẩu, xilanh, dây tời được dùng để nâng các khối đá nặng hàng chục tấn lên độ cao 65m.

Điều khó nhất là việc các kỹ sư phải tính toán chính xác góc độ khi lắp lại ngôi đền dựa trên thiên văn học. Thời điểm xây đền, Pharaoh yêu cầu nhóm kiến trúc sư cổ đại phải thiết kế sao cho mỗi năm 2 lần, mặt trời chiếu thẳng vào ngôi đền lớn, xuyên qua đại sảnh để chiếu sâu vào bên trong thắp sáng các tượng thần.

Do vậy, quá trình tháo dỡ di dời càng phức tạp hơn vì các kỹ sư phải đảm bảo khi lắp đặt tại vị trí mới nhằm đảm bảo ánh sáng mặt trời vẫn chiếu sâu vào bên trong theo đúng thứ tự như vậy. Mọi thứ được lắp ráp như "mô hình trò chơi lego".

Việc tháo dỡ kết thúc vào tháng 4/1966. Quá trình tái thiết diễn ra sau đó, được tạp chí National Geographic (Mỹ) ghi lại nỗ lực phi thường. Sau hơn 2 năm, ngôi đền cổ được khánh thành ở địa điểm mới vào tháng 9/1968, cao hơn nơi cũ 65m.

Nỗ lực được đánh giá là "vô song" trong lịch sử khảo cổ học. Khi đó, cựu giám đốc của Di tích Nubia (Ai Cập) đã viết: "Như vậy, tượng đài vĩ đại nhất từng được đẽo từ đá, viên ngọc quý trong kho báu của Nubia đã được cứu".

Xẻ toangư ngôi đền cổ nặng 16.000 tấn chuyển đến nơi mới, lắp như đồ chơi-4
Di chuyển và lắp đặt đòi hỏi cần tính toán chính xác (Ảnh: National Geographic).

Và việc di chuyển ngôi đền đã hoàn thành giấc mơ của Pharaoh Rames II về việc "trường sinh hóa công trình".

Xẻ toangư ngôi đền cổ nặng 16.000 tấn chuyển đến nơi mới, lắp như đồ chơi-5
Du khách chiêm ngưỡng công trình cổ đại (Ảnh: Tour).

Ngày nay, công trình trở thành một trong những điểm đến hút khách nhất tại Ai Cập. Du khách đến đây có thể di chuyển bằng đường bộ từ thành phố Aswan hoặc đi máy bay.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/du-lich/xe-toang-ngoi-den-co-nang-16000-tan-chuyen-den-noi-moi-lap-nhu-do-choi-20230330122630926.htm?fbclid=IwAR296nFzOS6rueuDSJgnD0c4R-7ASQoGm7EvqJT8ovjENrBpQQaQPSVoEuI

địa điểm du lịch Ai Cập

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao