Ngày Phụ nữ Việt Nam, khi những người phụ nữ công sở được nhận hoa và quà, khi các bà các mẹ được cả gia đình dành tặng bao lời chúc tốt đẹp thì đâu đó ngoài kia, nhiều thân phận lam lũ vẫn đang phải nhọc nhằn mưu sinh giữa bộn bề cuộc sống.
Họ chẳng biết tới ngày 20/10, nói đúng hơn là họ không hề quan tâm vì cứ nhắc đến là cảm giác chạnh lòng lại thi nhau ùa về.
Hai mươi năm không có nổi một ngày nghỉ lễ
Phận đàn ông bươn chải kiếm sống đã vất vả lắm rồi, đây những người phụ nữ cũng đang phải nai lưng nhặt nhạnh từng đồng một giữa phố phường tấp nập. Chính vì thế, nỗi khó khăn lại nhân lên gấp bội khiến họ không tài nào dành được ngày nghỉ lễ cho riêng mình.
Cứ mỗi buổi sáng sớm, khi sương chưa kịp tan thì những cô lao công đã bắt đầu tất bật với công việc quen thuộc. Bất chấp nắng mưa, họ vẫn cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao - kể cả đó là ngày Phụ nữ Việt Nam hay dịp lễ Tết hằng năm.
Có lúc, những người phụ nữ ấy lại chợt mỉm cười khi bắt gặp vài bó hoa rất đẹp mà các chị em khác đem bỏ ngoài đường. Bởi họ đang tưởng tượng một ngày mình cũng được tặng hoa và quà như vậy, được hưởng những lời chúc tốt đẹp từ đồng nghiệp xung quanh. Thế rồi, họ bất giác quay về với thực tại và lại tiếp tục đẩy chiếc xe chở rác đi dọc các tuyến phố Thủ đô trong nỗi buồn cùng sự lặng lẽ khó tả.
Bất chấp nắng mưa, những nữ công nhân vệ sinh đã có mặt từ sớm để tiếp tục với công việc quen thuộc của mình.
Không riêng gì ai, hoàn cảnh khó khăn cùng bao nỗi lo toan thường nhật đã và đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc cùng khuôn mặt khắc khổ của những bà cụ chạc ngoài bảy mươi. Ở cái tuổi ấy, đáng lẽ ra họ phải được quây quần bên con cháu để an hưởng tuổi già. Thế nhưng, họ vẫn miệt mài nơi phố thị đông đúc để mời chào mọi người mua những món đồ lặt vặt nhằm kiếm thêm cái ăn, cái mặc mỗi ngày.
"Suốt mười mấy năm nay tôi đã phải đi bán hàng dạo rồi. Con cái cũng nghèo khó, các cháu thì còn nhỏ quá nên tôi chỉ muốn kiếm thêm chút tiền để đỡ đần chúng nó. Con trai, con dâu đều làm phụ hồ, nhà lại ở xa nên cũng vất vả lắm, có dám nghỉ ngày nào đâu. Dịp lễ tết lại càng phải đi bán cô ạ", bà Yên - một người bán hàng rong chia sẻ.
Dù đã ngoài tám mươi nhưng cụ bà này vẫn miệt mài bày bán những món đồ chơi trẻ em giữa phố phường sầm uất.
Cũng là công việc buôn bán, song hai người phụ nữ này lại phải lang thang trên khắp các con đường Thủ đô để rao bán vài món đồ lặt vặt một cách rất chật vật.
Suốt ngày dài "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng họ cũng chẳng thể có một bữa ăn đầy đủ như bao người khác.
Trong khi những người phụ nữ xinh đẹp được mời đi liên hoan tại các nhà hàng sang trọng, được thưởng thức những món ăn ngon bên cạnh gia đình và người thân thì kiếp lao động nghèo lại phải ngồi ven đường, ăn tạm ổ bánh mì "không người lái" để lấy sức đi rao bán hàng rong trên khắp các con phố Hà Nội.
Nhọc nhằn những tiếng rao đêm
Vào thời điểm mọi người được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả, những người phụ nữ nghèo vẫn lặng lẽ rao bán vài món hàng rong trên các tuyến phố đông người qua lại. Thậm chí, có người còn phải đi nhặt vỏ chai, rác thải hay thậm chí là các món đồ có thể bán được tại các tụ điểm ăn uống nhằm kiếm thêm thu nhập.
Tranh thủ lúc phố xá lên đèn, những thân phận lao động nghèo như cô bán hoa quả trong ảnh đã phải gồng mình và rao đến khản cả tiếng để kiếm thêm chút thu nhập ít ỏi.
Trong khi nhiều chị em khác đang tươi cười rạng rỡ thì họ lại tranh thủ ghé tới để mời khách mua đồ. Có lẽ đang vui vẻ nên đa số đều sẵn sàng ủng hộ vài phong kẹo cao su hay một chiếc cặp tóc nhỏ bằng nhựa với mức giá khoảng mười ngàn đồng.
Tuy nhiên, người mua thì ít mà người bán lại nhiều, những người phụ nữ nghèo cũng phải cạnh tranh lẫn nhau để có được một bữa cơm no ấm cho cả gia đình.
"Thấy người ta tụ tập ăn uống đông đúc trong ngày 20/10 thì tôi cũng cố gắng đi bán nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập. Chứ ngày thường có khi còn chẳng đủ mua mớ rau hay lạng thịt cho cả nhà cùng ăn", chị Mận nghẹn ngào nói.
Một cụ bà bước đi chậm rãi trên tuyến phố đông đúc để nhặt nhạn vỏ chai từ những hàng quán ven đường.
Rồi khi đêm xuống, lại dễ dàng bắt gặp những tiếng rao đêm với nhiều âm sắc khác nhau. Thế nhưng tiếng rao ấy sao mà buồn thế, sao mà hụt hơi và đứt đoạn đến khàn cả đi.
Hôm nào cũng vậy, những khuôn mặt xanh xao và gầy gò của bao người phụ nữ bán xôi đêm, bán bánh mì dạo,... cứ vàng lên giữa bộn bề phố xá. Có vài đêm Hà Nội mưa xối xả, họ chấp nhận mặc manh áo sờn ướt dính đầy nước mưa, đội chiếc nón lá rách bươm để cố gắng kiếm thêm thu nhập. Trong đôi mắt sâu thẳm của họ luôn cất giấu bao nỗi lo toan muộn phiền của cuộc sống.
Đâu đó ngoài kia, còn rất nhiều người phụ nữ khác vẫn đang phải nhọc nhằn mưu sinh trong các ngày lễ tết. Dĩ nhiên, 20/10 họ cũng chẳng có quà hay có hoa chúc mừng, thậm chí còn không kịp nhận lời động viên từ gia đình vì khi trở về nhà, cả thành phố đã yên giấc ngủ say....
Những người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ đang cố gắng tìm kiếm những thứ có giá trị trong đống đồ bỏ đi từ các hàng quán trên phố cổ.
Còn đây, những người phụ nữ từ tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm sống đang phải còng lưng rửa hết chén đĩa tại một cửa hàng đồ ăn đêm.
Mới ba giờ sáng nhưng người phụ nữ này đã tất bật với công việc chở rau ra chợ nhằm kiếm kế sinh nhai.
Lan Hương
Ảnh: Bảo Hòa
Theo Vietnamnet