Nhiều hàng quán vỉa hè ngày Tết quá tải, bát đĩa khách ăn xong còn trên bàn, trong khi đó dưới sàn giấy ăn la liệt. Khách vẫn phải cố chờ cả tiếng mới tới lượt.
Ám ảnh ăn vỉa hè ngày Tết là tình trạng chung tại nhiều đô thị lớn khi nhiều cửa hàng đóng cửa, trong khi đó nhu cầu ăn uống lại gia tăng. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Hà Nội) sau khi ăn xong bát bún ốc vẫn cảm thấy rùng mình. Chị kể, chiều mùng 3 Tết, chị cùng gia đình đi chơi sau đó có ăn tối tại một quán bún ốc.
Quán đông khách trong khi đó người phục vụ lại rất ít nên đã quá tải. Bước vào quán, cảnh bát đũa khách ăn xong còn la liệt trên bàn đập vào mắt. Còn dưới sàn, giấy rác lộn xộn khắp nơi. “Cảnh tượng đúng như một bãi chiến trường, mình gọi nhân viên phục vụ dọn hộ để có bàn nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu”, chị cho biết.
Quán ăn la liệt bát đĩa chưa dọn
Để có chỗ ngồi, chị tự phục vụ bê đống bát và dọn bàn ăn. “Giá đắt là một chuyện nhưng sợ nhất là chất lượng phục vụ của các quán. Lần sau dịp Tết chắc chẳng dám ăn hàng nữa”, chị ngán ngẩm.
Theo chị Hiền, nhiều chủ quán sẵn sàng chửi bậy, đuổi khách nếu phàn nàn. Chính vì thế khi đã vào quán, những khách hàng như chị đều phải chấp nhận bỏ qua.
Tương tự như chị Hiền, chị Đỗ Tuyết Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng phàn nàn về tình trạng quán ăn vỉa hè dịp Tết. Chị Mai cho hay, ăn hàng dịp Tết như cực hình, cả nhà chị phải chờ hơn 30 phút mới tới lượt. Thậm chí, bàn chưa kịp dọn đã có người ngồi dành chỗ. “Ai muốn có chỗ ngồi thì tự dọn, còn muốn ăn nhanh thì tự ra bê mang về bàn” chị Mai cho hay.
Nhiều người ăn chấp nhận ngồi cạnh đống rác
Lý giải về tình trạng này, nhiều chủ quán cho hay do số lượng nhân viên nghỉ về quê nên không thể phục vụ hết. Tiền lương nhân viên dịp Tết cũng phải tăng gấp đôi họ mới ở lại làm. Các chủ quán đều mong khách hàng thông cảm và sẽ điều chỉnh lại chất lượng phục vụ sau Tết.
Đại diện quán ăn ở quận Hoàn Kiếm cho biết, một số nhân viên phục vụ nghỉ Tết, khách lại quá đông nên khá lúng túng. “Chúng tôi đã thông báo tới toàn bộ nhân viên phục vụ ngày làm việc cụ thể, chế độ lương, thưởng xứng đáng trong dịp Tết. Tuy nhiên, nhiều người quê xa nên cũng phải thông cảm cho họ”, ông nói.
Không chỉ hàng ăn, các quán cà phê cũng kín khách từ sáng tới tối. Nhu cầu tụ tập, gặp gỡ bạn bè, người thân sau một năm xa cách tăng cao khiến những quán cà phê, hàng ăn kín chỗ.
Chưa tối quán đã hết hàng
Các quán cafe tại Trung Hoà – Nhân Chính, Láng Hạ, Giảng Võ,… cũng nườm nượp người ra vào. Lượng xe máy luôn đỗ kín trước các quán, hầu hết đều trong tình trạng không còn một bàn trống. Theo chia sẻ của anh Vinh, từ ngày 29 Tết đến nay, mỗi ngày quán cà phê của anh thu được tối thiểu 20 triệu đồng. Trừ chi phí thuê nhân viên, anh lãi từ 10-15 triệu đồng/ngày.
Cùng với lượng khách đổ xô về các nhà hàng thì giá cả cũng được đội lên nhiều lần. Một chủ nhà hàng lý giải: Do giá cả thị trường sau Tết đều tăng nên nhà hàng nhập với giá cao hơn. Vì vậy, bắt buộc phải tăng giá đối với khách dù đó là điều không muốn vì uy tín khách hàng.
Tình trạng chặt chém dịp Tết lại tái diễn. Cách đây ít ngày, một phiếu thanh toán được cho là một nhà hàng ở Nha Trang, Khánh Hòa bị tố “chặt chém” nhóm du khách Malaysia sau khi ăn uống tại đây, hôm mùng 3 Tết.
Cụ thể, toàn bộ số tiền mà nhóm du khách thanh toán cho nhà hàng, ghi rõ là 9,2 triệu đồng. Trong đó, một số món ăn giá gần như “cắt cổ”, cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung ở Nha Trang.
Theo đó, món mì xào hải sản 500.000 đồng/phần (gọi 3 phần là 1,5 triệu đồng), đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần, đậu hà lan xào tỏi 300.000 đồng/phần, cơm trắng 200.000 đồng/phần (gọi 4 phần 800.000 đồng), trứng xào cà chua 500.000 đồng/phần (gọi 3 phần là 1,5 triệu đồng). Cơ quan chức năng đã vào cuộc để xác minh vụ việc.
Theo Vietnamnet