Sáng 22/7, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng 49 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Trong số gần 100.000 nhà đầu tư và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập chỉ có vài chục người có mặt theo dõi phiên tòa.
Rạp lắp máy chiếu cho bị hại đến theo dõi phiên nhưng gần như không có người.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa sẽ triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu mã ROS trong lần bán ra đầu tiên. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này cũng được triệu tập trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).
Để phục vụ, tòa đã dựng rạp rộng nghìn mét vuông có lắp máy chiếu và một hội trường cỡ lớn.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Tiền Phong sáng nay chỉ có vài chục bị hại có mặt.
Trong phần làm thủ tục khai mạc phiên tòa, luật sư của bị cáo Lê Văn Sắc (75 tuổi), cựu giám đốc Công ty FLC Land, đề nghị HĐXX cho thân chủ ngồi trong quá trình xét xử, do đây là bị cáo lớn tuổi nhất.
Luật sư của bị cáo Trần Thế Anh, cựu Phó tổng giám đốc tập đoàn FLC, cho hay thân chủ được em trai bồi thường thay, do đó đề nghị được triệu tập người này với vai trò người liên quan, để có thể đến tòa và nộp thêm tiền.
Bị cáo Lê Hải Trà (cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán HOSE.
Sau hội ý, HĐXX quyết định do phiên tòa dài ngày, tùy diễn biến sẽ triệu tập những người được đề nghị nếu thấy cần thiết.
Đến 9h30, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội công bố cáo trạng hơn 150 trang.
Trước đó, luật sư của bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết, thân chủ của ông vẫn phải đang điều trị bệnh lao bằng cách uống thuốc hằng ngày.
Hồi tháng 5/2024, ông Trịnh Văn Quyết được đưa từ trại tạm giam đến Bệnh viện 19/8 Bộ Công an để khám với các triệu chứng nặng nhưng đến nay, do được chăm sóc y tế tốt nên sức khỏe đã ổn định, đủ sức tham gia phiên tòa dài ngày, có thể lên tới một tháng.
Về quan điểm với cáo buộc phạm tội, luật sư cho hay bị cáo Trịnh Văn Quyết luôn có ý thức tích cực và chủ động bồi thường thiệt hại.
Theo luật sư, trong một bản tự khai hồi tháng 3/2024, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã nhận mọi trách nhiệm trong vụ án cho các bị cáo khác, gồm cả trách nhiệm bồi thường.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng vận động gia đình, bạn bè giúp đỡ mình khắc phục hậu quả vụ án và đến nay, có hơn 212 tỷ đồng được nộp. "Khi phiên tòa diễn ra, có thể có thêm tiền khắc phục hậu quả của bị cáo Quyết", luật sư nói.
Bị cáo Hương Trần Kiều Dung.
Trong cáo trạng, Viện kiểm sát xác định ông Quyết giữ vai trò chính trong vụ án, chỉ đạo thuộc cấp thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo gây thiệt hại là 3.621 tỷ đồng; hành vi Thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại là 684 tỷ đồng.
Tổng cộng thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra là 4.305 tỷ đồng.
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong nhiều ngày, dưới sự điều hành của Thẩm phán Vũ Quang Huy, Phó Chánh tòa, Tòa Hình sự; về phía đại diện Viện KSND TP Hà Nội tham gia phiên tòa gồm có ông Phạm Văn Dũng, bà Trịnh Thị Lan Anh, ông Nguyễn Đăng Lâm, ông Phạm Công Lưu, bà Đoàn Trần Thị Trân và bà Bùi Thị Vân Anh.
Theo Tiền Phong