10,7 triệu sim "rác", được kích hoạt sẵn, đăng ký sai thông tin đã bị khóa dịch vụ chỉ sau 3 tuần Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát trên toàn quốc lời cam kết dẹp bỏ sim "rác" của 5 nhà mạng. Đây cũng là số lượng sim "rác" lớn nhất từ trước tới nay bị thu hồi, xử lý so với các đợt thanh kiểm tra trước đó.
Điều đó cho thấy quyết tâm của Bộ trong việc lành mạnh thị trường thông tin viễn thông, ngăn chặn vấn nạn tin nhắn "rác", đề cao tinh thần trách nhiệm của các nhà mạng đối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu tích cực này, liệu rằng 5 nhà mạng có thực hiện cam kết xoá sổ sim "rác", chặn tin nhắn "rác" một cách nghiêm túc và lâu dài? Liệu có giải pháp nào để sau cao điểm kiểm tra giám sát trên, vấn nạn sim "rác" không bùng phát trở lại?
Để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về vấn đề thời sự này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet mời bạn đọc cùng theo dõi cuộc trò chuyện trực tuyến với hai đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông- những người đã trực tiếp thực hiện chiến dịch trên.
Đó là ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông và ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện tại 2 video dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các vị khách mời, vấn đề sim "rác", tin nhắn "rác" đã tồn tại rất lâu nhưng dường như trong thời gian vừa qua, chúng ta vẫn chưa xử lý được triệt để. Vậy vì sao tình trạng này lại kéo dài như vậy?
Thêm nữa đến ngày 1/11 vừa rồi, dư luận lại nhìn thấy một động thái rất mới là đồng loạt 5 nhà mạng ký cam kết với Bộ TT&TT về việc dọn dẹp sim "rác" này. Vậy theo các ông, đây là sự tự nguyện hay chỉ là các nhà mạng ký cam kết một cách đối phó?
Mối quan tâm đầu tiên này của bạn đọc, mong ông Trung có thể giải thích rõ?
Ông Nguyễn Đức Trung: Trước vấn nạn tin nhắn "rác", chúng ta thấy rằng bản thân người dân rất bức xúc, thậm chí bên lề Quốc hội, nhiều Đại biểu cũng đặt ra vấn đề này là cần có biện pháp giải quyết.
Sim "rác" trên thực tế đã được Bộ TT&TT đặt vấn đề quản lý từ lâu. Bộ cũng đã có rất nhiều đợt thanh tra diện rộng về vấn đề quản lý thông tin thuê bao ở trên toàn quốc để làm hạn chế tình hình này.
Vừa qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo và về phía Bộ TT&TT, trực tiếp là Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nêu vấn đề, đưa ra giải pháp xóa tình trạng tin nhắn "rác". Bản thân đồng chí Bộ trưởng đã triệu tập những người đứng đầu của 5 doanh nghiệp di động, quán triệt việc thực hiện việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, 5 nhà mạng đã ký cam kết với Bộ TT&TT là thực hiện chiến dịch thu hồi những sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối như hiện nay.
Nhà báo Phạm Huyền: Chúng ta cũng nhìn thấy có vấn đề ở đây, người đứng đầu Bộ TT&TT có động thái chỉ đạo hết sức quyết liệt thì bắt buộc các doanh nghiệp phải ký cam kết thực hiện.
Thưa ông Trí, từ góc độ là người làm trong công tác thanh tra, kiểm tra, ông có lo ngại thế nào nếu như tình trạng sim "rác" hay tin nhắn "rác" không được xử lý triệt để? Có lẽ, hệ lụy ở đây không chỉ là sự bất tiện, phiền toái đối với người tiêu dùng?
Ông Đỗ Hữu Trí: Theo tôi, hệ lụy của tin nhắn "rác" mà chúng ta có thể thấy rất rõ là tin nhắn "rác" làm phiền, quấy rối, rồi tin nhắn "rác" lừa đảo, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Nó ảnh hưởng tới vấn đề an ninh xã hội khi mà có những tổ chức cá nhân cố tình dùng những sim "rác" để gửi những tin nhắn bôi nhọ người khác hay quấy rối để ẩn danh mà không thể phát hiện ra. Đó là tình trạng gây mất trật tự xã hội.
Tin nhắn "rác" cũng gây ảnh hưởng tới an ninh, ví dụ như nói xấu các cán bộ, lãnh đạo hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Thậm chí ở một số nước, các sim "rác" cũng dùng vào mục đích gây mất an toàn xã hội như là đánh bom chẳng hạn. Việc sử dụng một chiếc điện thoại rồi lắp sim "rác" vào để điều khiển từ xa cho một vụ phá hoại thì chúng ta đã thấy, tại các nước đã xảy ra rồi.
Vấn nạn về sim "rác" và tin nhắn "rác" đi kèm với nhiều hệ luỵ như vậy, chúng ta thấy rõ là cần phải giải quyết. Chúng ta để lâu quá rồi!
Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng, trong thời điểm hiện nay, việc sở hữu một số sim và có chính danh xác thực, cũng chính là gắn với trách nhiệm trước pháp luật của người sử dụng số sim đó.
Thưa ông Trung, về vấn đề này ông có ý kiến gì không? Tôi thì tôi nghĩ với con số 12,2 triệu sim "rác" đã được xác định thì có lẽ đó là số lượng rất lớn, một tài nguyên số rất lớn. Nếu như chỉ tồn tại ở dạng sim "rác", tức đăng kí rồi mà không hoạt động thì cũng là một sự lãng phí. Ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Đức Trung: Tôi nghĩ rằng, việc thu hồi, khoá những sim đã kích hoạt sẵn hiện nay chứng tỏ một điều quan trọng, chúng ta tiến tới nâng cao hiệu quả sử dụng kho số.
Về lâu dài, trong khi nhiều phương tiện có sử dụng môi trường thông tin di động thì việc này sẽ rất quan trọng.
Nhà mạng đã cố tình buông lỏng việc xử sim "rác"
Nhà báo Phạm Huyền: Trong việc để bùng nổ sim "rác", các nhà mạng có thu lời bất chính gì ở đây không, thưa hai ông?
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra, Bộ TT&TT đang trao đổi |
Ông Đỗ Hữu Trí: Chắc chắn, các nhà mạng cũng có lợi. Thứ nhất, đó là lợi ích về mặt kinh tế. Đó là điều chắc chắn. Vì các doanh nghiệp đều muốn phát triển thị phần của mình, số lượng thuê bao của mình càng nhiều càng tốt.
Doanh nghiệp cũng cần thành tích. Ví dụ như các giải thưởng cũng căn cứ vào tiêu chí phát triển doanh thu. Tôi nghĩ, nguyên nhân chủ yếu ở đây, trước mắt là về kinh tế, do sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Nhà báo Phạm Huyền: Còn ông Trung, ông nghĩ thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Đức Trung: Ở đây có hai câu chuyện! Một tôi đồng ý với ý kiến của anh Trí. Các doanh nghiệp đua nhau để giành thị phần bằng các chiêu khuyến mại, kết hợp với việc người dân có thói quen muốn mua cái gì có sẵn, không cần chính danh. Các doanh nghiệp hưởng lợi ở đây, đúng như anh Trí nói là việc chiếm được thi phần.
Nhưng vấn đề thứ hai là liên quan đến vấn đề các khuyến mại "khủng". Thường những sim "rác" mà nhắn tin "rác" cho chúng ta, họ thường dùng dựa vào giá trị khuyến mại nhiều hơn, chứ không phải dựa vào tài khoản có tiền thật trong đó. Vì vậy, khi họ gửi các tin nhắn từ tài khoản khuyến mại như vậy, bản thân doanh nghiệp cũng không được lợi.
Tôi có họp với các doanh nghiệp, họ cũng nhìn thấy rằng, việc tăng cường khuyến mại mạnh như vậy thì cũng đều gây thiệt cho các nhà mạng.
Nhà báo Phạm Huyền: Nhưng quay trở lại thời gian vừa qua, các ông có đánh giá như thế nào về khả năng có sự tiếp tay của các nhà mạng khi để bùng nổ phát triển sim "rác" tự do như vậy?
Ông Nguyễn Đức Trung: Đúng là, ở đây, để dẫn tới bùng nổ sim "rác" tự do như vậy là có trách nhiệm trước tiên của các nhà mạng. Vì lợi ích kinh tế, họ đã không hoàn toàn nghiêm túc tuân thủ các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đặc biệt, họ đã buông lỏng quản lý các đại lý được trao quyền phân phối các sim. Trong đó, tất nhiên có một nguyên nhân từ phía các khách hàng. Bản thân, người dân muốn mua một cái sim mà không cần phải đăng ký, vì sự tiện lợi và có khi, cũng muốn ẩn danh.
Tôi nghĩ rằng, trong đợt thu hồi sim kích hoạt sẵn này, qua dư luận, tôi thấy công luận, người dân rất ủng hộ. Tôi cũng mong rằng, trong thời gian tới, bản thân người dân khi đăng ký thông tin thuê bao, đặc biệt sắp tới khi các nhà mạng phát triển dịch vụ trên mạng 4G, người dân sẽ buộc phải đổi sim từ 3G sang 4GG. Vì lúc này, sim 3G sẽ không dùng được nữa. Tôi cũng mong tới lúc đó, các thuê bao đến đăng ký chính chủ.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục Viễn thông đã có văn bản yêu cầu các công ty viễn thông chỉ được kích hoạt các sim 4G với thuê bao có chứng minh thông tin chính xác.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa hai vị khách mời, trở lại một vấn đề thời sự hiện nay, đó là chiến dịch kiểm tra và giám sát việc thu hồi sim "rác" của các nhà mạng. Thưa ông Trí, được biết ông là Trưởng đoàn công tác này, ông có nhận định sơ bộ nào như thế nào về kết quả kiểm tra trong 3 tuần vừa qua?
Theo VNN