Quả lậu (nậu), con rốc, quả tiêu, phình choé,.. là những từ ngữ địa phương chỉ một loại quả đặc trưng ở miền Tây mà có lẽ nếu không nói bạn cũng sẽ không biết - đó chính là quả bần (người dân miền Tây hay gọi là trái bần).
Dân mạng bàn luận rôm rả về tên gọi vùng miền của trái bần...
Người miền Tây gọi quả trên là trái bần, người miền Bắc gọi là quả bần, thế nhưng người Hải Phòng lại gọi là quả lậu, riêng Thái Bình gọi là con rốc,... Một số nơi gọi nó là quả mác, một số khác còn gọi là phình choé,...
Trái bần được tìm thấy nhiều trong các bãi bùn thủy triều nhiệt đới. Cây của rừng ngập mặn, gặp dọc bờ biển nước ta. Trải dài ở các vùng ven sông Bạch Ðằng, qua Nha Trang đến thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...
Bần là loại cây cho trái quanh năm, rễ của nó khá "nhập nhằng", mọc thành cụm như cây đước, thế nên ở một số vùng, cây bần được xem "hàng rào" bảo vệ đất đai ven biển.
Trái bần có nhiều tên gọi khác nhau
Trái bần có hình bầu, hơi dẹt và có vị chua, chát. Đuôi trái bần nhọn và phần cuống chĩa ra như các cánh ngôi sao. Khi chín trái bần mềm, ngà vàng, toả ra một mùi thơm chua như khế.
Người dân miền Tây thường dùng quả bần để ăn kèm với mắm sống, ngoài ra còn dùng quả nấu canh chua thay me, làm mứt, có thể phơi khô làm thuốc nam.
Theo Pháp luật và bạn đọc