Cư dân mạng vừa chia sẻ rầm rộ hình ảnh người cha già bị con trói vào gốc cây và đánh đập. Câu chuyện vừa được đăng tải lên đã khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ. Nhiều ý kiến nói rằng, nguyên nhân của việc này là từ chuyện pha một gói chè. Con pha chè, cha không đồng ý và cuối cùng, cha bị trói vào gốc cây. Nhưng lại có người đính chính, nguyên nhân chính không phải xuất phát từ gói chè mà chính là từ câu chuyện tranh giành đất đai.

Người đúng, người sai và có nhiều nguyên nhân sâu xa từ một vấn đề mà người ngoài không thể là người phán xét. Nhưng ở góc độ đạo đức, không ai có thể chấp nhận được hành động cụ già nhiều tuổi như thế còn bị trói vào gốc cây… trong khi con trai thì ngồi đó…

Câu chuyện của cụ ông khiến tôi nhớ lại những tháng ngày tôi xa nhà. Đi học, làm sinh viên, suốt thời gian xa bố mẹ hơn 2 tháng, tôi khóc ròng. Nhớ về những ngày tháng ấy, bây giờ, sống mũi vẫn còn cay. Con cái không thể xa rời vòng tay cha mẹ, ngay cả đến khi trưởng thành thì với con cái, cha mẹ vẫn là chỗ dựa, là niềm tin duy nhất. Tôi đã khóc suốt mấy tháng trời và kết quả là, chỉ trong vòng gần 1 tháng, tôi đã sụt 4kg vì nhớ bố, nhớ mẹ và nhớ gia đình. Đã có lúc muốn từ bỏ chuyện học hành để về quê phụ giúp mẹ cha, dù là làm việc gì đi nữa. Ăn cơm nhớ mẹ, đi học nhớ mẹ, nằm ngủ thì càng nhớ mẹ tha thiết…

 


Chữ hiếu ở đâu, sự báo đáp ơn nghĩa sinh thành ở đâu? Cha mẹ nuôi con đâu cần con phải đền đáp,

chỉ mong nhận được sự yêu thương, kính trọng và được chứng kiến con hạnh phúc, vậy là quá đủ rồi… (Ảnh internet)

Đó là tình yêu của con cái dành cho cha mẹ và cũng là tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Còn nhớ một lần tôi ốm, báo với mẹ là con bị ốm, tưởng nói vậy để được vơi đi nỗi lòng. Nhưng không ngờ, mẹ đến tận trường thăm con dù cách xa cả vài trăm km. Rồi mẹ còn thức trắng cả đêm không ngủ chỉ vì lo cho sức khỏe của con ở xa nhà, không tự lo cho bản thân được. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là bao la rộng lớn như thế đó. Dù khi con đi lấy chồng, lấy vợ, rồi khi con có con cái, cha mẹ vẫn mãi là điểm tựa trên đời…

Sinh con ra sau 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, xót lòng khi con ốm, con đau, còn lo lắng hơn cả chính bản thân mình ốm. Cha mẹ nào cũng mong khi con lớn rồi con trưởng thành, có được công việc tốt, có cuộc sống đủ đầy. Ấy vậy mà, cuộc đời lại giống như canh bạc. Có những người, cả đời vì con mà cuối cùng lại không thể có được sự báo đáp ơn nghĩa sinh thành…

Câu chuyện về bức ảnh con trói cha vào gốc cây khiến nhiều người phẫn nộ. Dù nguyên nhân sâu xa là gì, dù với bất cứ lý do gì và ai là người sai thì chuyện một người lớn tuổi bị đối xử như vậy chính là việc làm sai trái của con cái. Không có cha mẹ nào lại không thương con, cũng không có người nào mong con mình khổ. Con cái dù hành động thế nào thì hãy nhớ, những ngày tháng con côi cút, những khi ốm khi đau, ai là người cận kề chăm sóc, yêu thương nũng nịu từng ngày… Tôi xin cá rằng, những lúc bạn buồn, bạn thất bại, bạn đau khổ, điều mà bạn nghĩ tới chính là bố, là mẹ, là quê hương, là mái nhà nơi bạn sinh ra…? Ai rồi cũng sẽ có lúc trải qua cảm giác như thế dù cuộc sống bộn bề ngoài kia vô tình khiến chúng ta quên đi mất…

Có những ngày xa gia đình, những dịp Tết không kịp về quê, đón giao thừa mà nước mắt lưng tròng. Đó chính là tình yêu, là quê hương nơi ta sinh ra và mãi mãi muốn quay trở về. Cha mẹ già rồi, phải được nghỉ ngơi, được nhìn con cái vương trưởng, hạnh phúc, được sống an nhàn, đó mới là điều bất cứ người làm con nào cũng nên làm cho cha mẹ.

Có thể, cuộc sống muôn vàn khó khăn và có những điều chúng ta không hài lòng về nhau, cha con, anh chị em xảy ra mâu thuẫn, nhưng ở đời này, tình thân khó tìm, sự chân tình khó kiếm. Nếu như chúng ta dễ dàng vứt bỏ, chà đạp lên ngay cả tình ruột thịt thì hi vọng gì tìm kiếm được sự yêu thương, chân thành từ những người xung quanh…?

Chữ hiếu ở đâu, sự báo đáp ơn nghĩa sinh thành ở đâu? Cha mẹ nuôi con đâu cần con phải đền đáp, chỉ mong nhận được sự yêu thương, kính trọng và được chứng kiến con hạnh phúc, vậy là quá đủ rồi…

Dù đi đâu, làm gì, chúng ta cũng không được quên cha mẹ. Chỉ cần nhớ một điều, không có cha mẹ, làm gì có chúng ta…!

Theo Khám phá