Robin Hammond, nhiếp ảnh gia người New Zealand, đã bắt thực hiện dự án của mình sau khi anh chứng kiến sự gia tăng những hành vi bạo hành với người đồng tính tại khu vực cận sa mạc Sahara, châu Phi. Anh chụp lại những cặp đôi đồng tính bị đối xử tệ và lập dự án ảnh “Nơi tình yêu là bất hợp pháp”.

Bộ ảnh là câu chuyện của những người đồng tính bị đối xử tệ bạc, tàn nhẫn, bị coi là kẻ tội phạm và thậm chí có thể bị giết. Họ bị xa lánh, phải lẩn trốn để có thể sống thật với bản thân.

Ban đầu, Robin chỉ chụp ảnh tại khu vực châu Phi. Nhưng sau đó, anh mở rộng dự án đến các cặp đôi đồng tính tại Malaysia, Nga, Lebanon,…
 


J và Q là cặp đôi đồng tính nữ đã kết hôn tại Uganda. Tuy nhiên, hôn nhân của họ không được công nhân. Tại Uganda, đồng tính bị coi là “một căn bệnh cần phải chữa”. J và Q phải giả làm hai chị em để sống được trong xã hội khắt khe này. Họ từng bị nhục mạ, đánh đập, theo dõi nhiều đến nỗi chẳng dám sống cùng nhau nhiều. Thậm chí có bọn chúng còn nói J và Q phải bị “hãm hiếp” thì sẽ thoát khỏi “căn bệnh” này.



Olwetu và Ntombozuko, người Nam Phi, đã sống cùng nhau 8 tháng và hy vọng sẽ được công nhận kết hôn. Tuy nhiên, họ thường bị người đời gọi là “Tom Boys” hay “phù thủy” chỉ vì là người đồng tính. Olwetu đã nhiều lần bị tấn công. Năm 2010, khi cô cùng vài người bạn đi mua đồ đã bị một nhóm đàn ông lăng mạ, đánh đập tàn nhẫn. Năm ngoái, Olwetu bị đâm vào bụng. Còn bây giờ, đi trên những con phố cũng khiến Olwetu thấy bất an. 



O, 27 tuổi và D, 23 tuổi, sống tại St. Petersburg, Nga. Cả hai bị tấn công sau một buổi đi xem hòa nhạc. Lúc đó, đang trên đường về nhà, O và D nắm tay và hôn nhau. Bất ngờ, O cảm thấy bị đánh mạnh vào sau gáy. “Đồng tính nữ chết tiệt!” – Kẻ tấn công hét lên trước khi đấm vào mặt D. Mặc dù O đã nói rằng họ là hai chị em nhưng kẻ tấn công vẫn khăng khăng họ đang “tuyên truyền LGBT”. Hắn đánh hai người, dọa giết nếu còn gặp lại cả hai một lần nữa. Kẻ đồng phạm quay phim từ đầu đến cuối.
 


Mitch Yusmar, 47, hiện đang sống cùng vợ là Lalita Abdullah, 39 tuổi. Họ nhận nuôi hai con Izzy, 9 tuổi và Daniya, 3 tuổi. Hiện cả gia đình sống tại Malaysia. Mitch là người chuyển giới và hiện là cha của hai con. Tuy nhiên, mối quan hệ của cả hai không được pháp luật công nhận. Chỉ có Lalita được công nhận là mẹ của hai con, còn Mitch thì không. Anh sợ sẽ có một ngày, mình sẽ không được nuôi con nữa.
 


Naomi, 25 tuổi và Dolores, 24 tuổi hiện đang sống tại Cameroon. Naomi là phụ nữ chuyển giới. Cả hai bị cảnh sát bắt và đánh đập mỗi ngày. Họ coi đồng tính là “tội”. Cả hai bị kết án 18 tháng tù trước khi luật sư kháng cáo thành công. “Ngày bị bắt, chúng tôi thấy bị sỉ nhục. Chúng tôi bị ngược đãi, bị xúc phạm, cáo buộc phù thủy và bị kết án 5 năm tù.” – Naomi giải thích.
 


Rihana và Kim đến từ Uganda. Tháng 1/2014, cả hai bị chủ nhà đuổi đi. Họ bị hàng xóm đánh đâp dã man cho đến khi cảnh sát can thiệp. Cả hai bị bắt giữ và bị buộc tội “đồng tính”, tạm giam trong 7 tháng. Lúc trong tù, Rihana và Kim thường xuyên bị đánh đập và bị bắt làm việc nặng nhọc. 



Kamrah Apollo, sinh năm 1988, người Uganda. Anh là con út trong gia đình 6 anh chị em. Năm 2010, anh bị đuổi học vì có tin đồn “qua lại” với nam sinh viên. Bố mẹ đuổi anh ra khỏi nhà vì đồng tính. Apollo trở thành nhà hoạt động vì người đồng tính: “Tôi bị cảnh sát tra tấn nhiều vì là người đồng tính. Họ dùng dây thừng trói tôi, đánh đập tôi, tra tấn tâm lý tôi.”



Boniwe, sống tại Nam Phi, đang cầm bức chân dung của con gái cô Nontsikelel. Nontsikelel bị hãm hiếp, bị đánh đập dã man trước khi bị bóp cổ đến chết. Thi thể cô được phát hiện trong thùng rác một năm sau đó trong tình trạng đang phân hủy. Hàng xóm thừa nhặn hắn đã giết Nontsikelel vì cô ấy là người đồng tính và hắn muốn “thay đổi” cô. 
 


Naze Flavier, sống tại Burundi và phải trốn đến Nam Phi với hy vọng sẽ được chấp nhận như một người chuyển giới. Nhưng cuối cùng, cô sống lay lắt, không nhà cửa, bị cưỡng hiếp. “Ở trường, thầy giáo hỏi tôi là nam hay nữ. Tôi không biết phải nói gì. Hàng xóm xì xào về tôi, tất cả đề nói về tôi. Lúc nào tôi cũng thấy buồn. Em gái tôi nói rằng, tôi không nên lo lắng và nên tự hào vì chính mình.”

Theo Afamily/Trí thức trẻ