Có lẽ những ai quan tâm đến thông tin liên quan đến kỳ thi Quốc gia vừa qua sẽ cảm thấy có chút quen quen khi nhắc đến câu chuyện cảm động về người cha cõng con teo cơ đi thị Đại học. Mới khoảng 3 tháng trước, khi xuất hiện trên mặt báo, chuyện kể này đã khiến không ít người xúc động. Thế nhưng, nếu có cơ hội được theo chân hai cha con ấy, tìm hiểu tận cùng về cuộc sống của họ, hẳn nhiều người sẽ còn phải ngỡ ngàng hơn vì tình yêu thương bao la mà các đáng sinh thành đã dành cho con mình.
Gần 20 năm làm đôi chân dẫn con đi khắp thế gian
Đối với mỗi đứa trẻ, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là được ăn no, ngủ kỹ, chạy nhảy, nô đùa cũng bạn bè. Lê Xuân Bách (xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) - chàng sinh viên 22 tuổi của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội), cũng đã từng có những mơ ước giản dị ấy.
Sinh ra trong gia đình mẹ là giảng viên trường Đại học Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ), bố là lao động tự do, cuộc sống của Bách vốn rất hạnh phúc và cứ thế nhẹ nhàng trôi qua trong êm đềm. Thế nhưng, sự bình yên ấy kéo dài chẳng được bao lâu. Năm 4 tuổi, Bách bị những cơn co rút ở chân làm cho ngã quỵ, không đứng lên nổi. Bố mẹ đưa cậu đi khám bác sĩ và họ kết luận, cậu bị ắc chứng teo cơ.
Từ ngày biết con mang bệnh hiểm nghèo, ông Lê Xuân Hồng (cha của Bách) không đi làm, ở nhà chăm sóc con trai. Dù biết bệnh tình của Bách rất khó chữa lành nhưng với tâm lý còn nước, còn tát, suốt 10 năm, người cha đã lăn lội đưa cậu đi nhiều bệnh viện, gặp nhiều thầy lang để tìm cách chữa cho con..
Gần 20 năm qua, trên những cung đường mà Bách đi qua, chưa khi nào thiếu vắng sự
đồng hành của cha.
đồng hành của cha.
Đáp lại sự nỗ lực ấy là một kết quả hoàn toàn trái ngược. Đôi chân Bách chẳng bao giờ còn có thể đi lại được nữa. Xương chân, tay cậu vẫn cứ dài ra nhưng cơ bị teo nên không cử động được. Chúng dần trở nên teo tóp, mềm oặt, co quắp, không thể duỗi thẳng. Hằng đêm, mỗi khi ngủ, cậu phải nằm nghiêng người. Mỗi khi trời trở gió, những cơn đau buốt lại ùa về, cắn rứt từng thớ thịt ở tay chân. Ngón tay cậu hằng ngày chỉ cầm được vật rất nhẹ như chiếc bút, quyển sách, trong khoảng thời gian không lâu.
Nhớ lại những ngày đầu con bị bệnh, bà Tạ Thị Hoa (mẹ của Bách) xúc động kể: "Có một lần tôi đến đón con ở trường mẫu giáo nhưng không thấy cháu đâu. Tìm mãi, tôi thấy con đang ngồi khóc trong nhà vệ sinh vì bị vấp ngã mà không đứng lên được. Tôi ôm con và hai mẹ con lúc đó đều khóc".
Hình ảnh hai cha con chuẩn bị đến trường dự kỳ thi Quốc gia vừa qua.
Sau những thành công mà hai cha con vất vả đạt được luôn có hình bóng người mẹ
động viên, an ủi.
Sức khỏe Bách khá yếu, cơ thể lại co quắp, khó cõng nên suốt gần 20 năm qua, ông Hồng không thể tin tưởng khi giao cậu cho bất cứ ai chăm sóc. Bách không có đôi chân, ông nguyện làm đôi chân cho con. Từ khi cậu bắt đầu nhận thức được về thế giới xung quanh, cũng là lúc cậu biết rằng, không có ngả đường nào mình đi qua mà không có bước chân của cha đồng hành.
Con đường chữa bệnh, cha Bách đã không giúp cậu đi được đến thành công nhưng cũng giúp ông sớm nhận ra, không có đôi chân nhưng con trai mình rất thông minh. Vậy là ông lại tần tảo đưa cậu đi trên một con đường khác, trang bị cho Bách những hành trang mới - đó là tri thức. Dẫu rằng con đường ấy vô cùng gian nan và đòi hỏi sự phấn đấu bền bỉ, lâu dài, nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực của hai cha con, thành công mới đã bắt đầu ló rạng. Suốt nhưng năm học THPT, Bách từng giành giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý, đứng top 10/53 học sinh lớp 12A2 (lớp chọn khối A, Trường THPT Phong Châu, Lâm Thao). Và thành tích nổi bật nhất có lẽ chính là trong kỳ thi năm nay, dẫu đã có khoảng thời gian rời xa sách vở, chàng thanh niên ấy vẫn đạt kết quả cao và đỗ vào trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội).
Tình yêu thương lần đầu thổ lộ
Nhớ lại khoảnh khắc đỗ Đại học, Bách kể: "Mình canh trên mạng lúc đó là 1h sáng, trường Học viện công bố kết quả. Vừa xem xong, biết có tin vui, mình kêu lớn lên, thế là bố mẹ đang ngủ say cũng đều bật dậy, rất vui mừng".
"Nhiều khi nhìn nó ngồi học, tay chân run run mà tôi ngồi từ xa nhìn con bỗng rớt nước mắt", ông Hồng nói. Với ông, chuyện con trai đỗ Đại học là một niềm vui khó diễn tả bằng lời, là minh chứng để ông có thêm lòng tin vững vàng rằng "có công mài sắt, có ngày nên kim".
Giây phút Bách ngẹn lời khi nói về người cha mà cậu vô cùng kính trọng, nể phục.
Để giúp con nuôi dưỡng trọn vẹn giấc mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, ông Hồng đã bỏ việc ở quê nhà, theo chân con lên Hà Nội trọ học. Ngày Bách nhập học cũng là ngày đầu tiên ông đi làm bảo vệ trông xe cho nhà trường. Nói về cuộc sống hiện tại của bản thân, ông Hồng chia sẻ: "Như thế này là quá tốt đối với hai cha con tôi rồi, tôi bây giờ rất gần con, chỉ cần nó alo một tiếng thì tôi có thể nhờ anh em bảo vệ một lát để tranh thủ chạy đến giúp nó".
Niềm vui là thế nhưng không phải không có nỗi buồn đan xen. Xa vợ, xa mái nhà yên ấm và cả một nếp sống thân thuộc ở quê vốn là những lý do khiến đôi lúc ông Hồng chợt cảm thấy chạnh lòng. "Có lúc tôi chỉ thèm được về nhà, nhìn thấy bạn bè, uống với nhau một cốc bia thôi cũng được"...
"Xa bố con nó, nhiều lúc tôi về nhà cũng thấy căn nhà như trống trải hơn. Nhưng mà chỉ buồn thế thôi chứ trước mặt con, bao giờ cũng phải gắng vui vẻ để nó còn yên tâm học hành", mẹ Bách nói.
Nụ cười nở trên môi ông Hồng khi biết rằng từ nay, con trai ông đã có thể tự tin,
mạnh mẽ hơn để kiên định ý chí biến giấc mơ từ nhỏ trở thành hiện thực.
3 con người, ba trái tim giàu tình yêu thương, họ sống bên nhau, nương tựa vào nhau trong khó khăn, hoạn nạn nhưng lại chưa bao giờ kể cho nhau nghe những tâm tình từ đáy lòng..
Ông Hồng đôi khi thầm tự hỏi, không biết con có thương mình không mà sao chưa bao giờ nghe nó nói câu ấy. Đối với Bách, cậu lại luôn muốn hỏi, bao năm qua, cõng một người con trên lưng, cha có khi nào mệt mỏi hay không. Và, trong khoảnh khắc bất ngờ hội ngộ nhờ chương trình Điều ước thứ 7, tất cả những tình cảm ấy đã vỡ ra thành những lời nói chân thành, xúc động.
Khoảnh khắc hạnh phúc khi gia đình 3 người bất ngờ gặp nhau trong chương trình
Điều ước thứ 7.
Điều ước thứ 7.
Giây phút Bách tâm sự cậu yêu thương cha mẹ vô bờ và vì bấy lâu nay, cái bóng của cha là một hình ảnh quá vĩ đại nên lúc nào cậu cũng thấy mình bé nhỏ như một đứa trẻ nên không dám thốt ra những lời nói yêu thương của người lớn. Giây phút cậu nói rằng mình vô cùng biết ơn khi cha đã hy sinh những đam mê, hoài bão của người đàn ông để giúp cậu hoàn thành ước nguyện hay khoảnh khắc mẹ Bách nói rằng bà rất yêu cha cậu và tin rằng ông ấy chính là người cha, người chồng tuyệt vời nhất thế gian... đã khiến bao người rơi lệ.
Chứng kiến câu chuyện xúc động về tình phụ tử...
Rất nhiều giảng viên, sinh viên trường Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông
cũng phải bật khóc.
cũng phải bật khóc.
Theo Kênh 14/ Trí thức trẻ