Tại một buổi livestream mới đây, sư cô Thích Nữ Minh Viên đã tâm sự đôi điều về con người cố ca sĩ Phi Nhung.
Phi Nhung phải đi mướn đất rồi tự tay trồng sắn
Cơ sở bảo trợ xã hội "Phi Nhung vòng tay dưỡng tử" được thành lập vào năm 2007. Cũng năm đó, tôi nhận làm trụ trì chùa Pháp Lạc và được nhà nước chấp nhận cho thành lập cơ sở bảo trợ xã hội mang tên Phi Nhung (bên trong chùa Pháp Lạc).
Ca sĩ Phi Nhung.
Thời điểm đó, chị Phi Nhung vẫn còn ở Mỹ, chưa về hẳn Việt Nam nên cứ phải bay đi bay lại. Chị Phi Nhung muốn tôi về đó ở trước rồi cứ mỗi khi về chị lại mang tiền lên thăm tôi.
Thực ra, ban đầu ở đó tôi sợ lắm vì đó là vùng kinh tế mới, dân cư ít, hoang vắng nên nguy hiểm. Lúc tôi về, nơi đó chỉ là một cái am nhỏ. Hàng đêm, tôi phải ngủ trên tấm ván, chỉ cần màn rớt xuống đất là mối ăn hết.
Chưa kể, những lúc cúp điện, rắn rết bò ra, khiến tôi sợ vô cùng. Nhưng tôi vẫn cố gắng ở lại vì chị Phi Nhung bảo: "Mình nên cố gắng, những nơi hẻo lánh, nghèo khó mới cần mình tới để giúp đỡ chứ chỉ tới những nơi sung sướng thì không ý nghĩa".
Vì câu nói đó của chị Phi Nhung nên tôi mới ở lại chứ không cũng mấy lần muốn bỏ chạy vì sợ, xung quanh toàn rắn, mối, rết, cứ tối đến là mò ra.
Thời điểm xây chùa và cơ sở bảo trợ xã hội, chị Phi Nhung đang là ngôi sao hạng A tại hải ngoại, đắt show và đi đâu cũng được săn đón.
Tôi không dám nghĩ ngôi sao hạng A như chị lại một thân một mình về Việt Nam, sắn quần sắn áo, lội bùn đất cùng tôi để xây chùa.
Chị Phi Nhung phải đi mướn đất rồi tự tay trồng sắn để đem bán lấy tiền lo cho các con.
Chị Phi Nhung không bao giờ sơn móng tay
Tiếp đó, chị Phi Nhung còn làm nến, nhặt hạt điều đem về bóc lấy hạt được có 8 ngàn đồng một ký. Tôi cùng chị Phi Nhung ngồi bóc một ngày được có 8 ký hạt điều là nhiều lắm rồi.
Đó là lí do vì sao mọi người để ý sẽ thấy chị Phi Nhung không bao giờ sơn móng tay. Chị muốn để móng tay bình thường để còn bóc hạt điều.
Khi ở hải ngoại, chị Phi Nhung là ca sĩ nổi tiếng nhưng đến lúc về chùa sinh hoạt như một người bình thường, sắn quần sắn áo lên tắm rửa cho các con, vào bếp đút cơm cho các con ăn.
Tôi nhìn chị Phi Nhung không còn là một ca sĩ nổi tiếng nữa mà thực sự là một người mẹ đảm đang, tần tảo.
Trước khi thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, tôi cũng bận đi học, còn chị Phi Nhung phải bay đi bay lại giữa Mỹ với Việt Nam. Nhưng trong các chuyến đi từ thiện, chị thấy một số bé có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi không nơi nương tựa nên nhận nuôi rồi gửi ở một chỗ.
Tới khi về Bình Phước, chị Phi Nhung quyết định ở lại để xây dựng chùa cũng như cơ sở bảo trợ xã hội để nuôi các bé. Từ đó, chị mới nhận các bé làm con nuôi. Đây cũng là cơ sở đầu tiên của tỉnh Bình Phước.
Một số người biết được nên bỏ con trước cổng chùa rất nhiều. Có bé mới sinh chưa được vài ngày, còn chưa cắt rốn đã bị người ta bỏ vào giỏ lá đem để trước cổng chùa. Tôi và chị Phi Nhung đều nhận hết.
Chị Phi Nhung cưu mang hết các bé đó, tự tay tắm rửa, cho bú bình, chăm bé như chăm con mình. Hồi đó tôi cũng chưa biết chăm trẻ con sơ sinh như thế nào nhưng chị Phi Nhung động viên tôi làm. Nhờ chị thúc đẩy nên tôi cố gắng làm.
Theo Pháp Luật & Bạn Đọc