Xương rồng có tên khoa học là Euphorbia antiquorum L. Thị trường cây cảnh hiện có rất nhiều loại xương rồng đẹp với hình dáng, kích thước đa dạng như xương rồng mini, xương rồng ngọc bích, xương rồng cba cạnh, xương rồng móng rồng...
Cây xương rồng được nhiều người ưa thích vì vẻ đẹp độc đáo và tính biểu tượng của nó: Với sức sống phi thường, chúng có thể phát triển trong môi trường khắc nghiệt nhất. Cũng vì thế mà cây này không cần chăm sóc nhiều.
Nhiều người thích xương rồng nhưng lại e ngại vì quan niệm phong thủy cho rằng nên tránh trồng cây này trong nhà, rằng chúng tỏa ra năng lượng tiêu cực, phá vỡ cảm giác yên bình, ảnh hưởng đến luồng năng lượng tích cực trong nhà.
Xương rồng có phải là cây cấm kỵ trồng trong nhà? Để trả lời câu hỏi này, bạn cần biết những ảnh hưởng của xương rồng đối với con người. (Ảnh: Houseplants)
Xương rồng có phải là cây cấm kỵ trồng trong nhà?
Thật ra, quan niệm phong thủy nói trên xuất phát từ hình dáng đặc trưng của xương rồng, đó là có nhiều gai nhọn. Còn nếu xét những ảnh hưởng thực tế của xương rồng đối với con người trên cơ sở khoa học, việc trồng cây này trong nhà đem lại nhiều lợi ích, bao gồm:
Giảm căng thẳng
Theo Thelovelystuff, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010 ở Mỹ đã xác nhận rằng cây trồng trong nhà có thể làm giảm căng thẳng/lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi và cảm giác tức giận cho con người. nhiều nghiên cứu đã chứng minh các cây trồng trong nhà giúp giảm căng thẳng cho con người.
Xương rồng là cây cảnh đẹp, sức sống mãnh liệt của nó đem lại ý nghĩa tích cực cho con người, lại không khiến chủ nhân phải vất vả chăm sóc.
Việc trồng cây xương rồng yêu thích trong nhà có thể tăng hiệu quả làm việc của bạn, khiến bạn cảm thấy vui vẻ.
Cải thiện chất lượng không khí
Tất cả chúng ta đều biết thực vật giúp cải thiện bầu không khí bằng quá trình quang hợp của mình. Việc trồng cây ngay trong nhà có thể làm tăng đáng kể mức độ chất lượng không khí trong nhà bạn. Điều này thường khiến tâm trạng của bạn cũng tốt hơn.
Không khí trong lành do cây xương rồng tạo ra không chỉ giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn mà còn có thể cải thiện chứng đau đầu. Bằng cách trồng cây xương rồng trong nhà, bạn có thể giảm hơn 50% lượng tạp chất không khí, cụ thể là giảm lượng bụi và vi khuẩn tích tụ.
Tăng cường trí nhớ
Nghiên cứu tâm lý học do Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện đã chỉ ra rất nhiều lợi ích đáng kinh ngạc mà con người có được khi tương tác với thiên nhiên. Cách tương tác có thể là đi dạo trong công viên, xem ảnh thực vật hoặc trồng cây trong nhà.
Việc tương tác với thiên nhiên có thể tăng cường trí nhớ tới 20%, dẫn đến hiệu suất làm việc được cải thiện.
Xương rồng là cây trồng vừa đẹp vừa có tác dụng cải thiện chất lượng không khí, vì vậy nếu thích nó, bạn cứ yên tâm trồng trong nhà, và đó là một cách để tương tác với thiên nhiên.
Nhiều tác dụng với sức khỏe
Theo Đông y, xương rồng tính hàn, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, giải độc, trị lở loét. Nó là nguyên liệu chính trong một số bài thuốc chữa đau lưng, đau thần kinh tọa, đau nhức xương... Loại xương rồng được dùng để chữa đau lưng là xương rồng bẹ và xương rồng ba cạnh.
Theo nghiên cứu của Đại học Vienna (Áo), việc ăn lá xương rồng giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Cơ sở này cũng thử nghiệm cho 24 người bệnh tiểu đường không bị béo phì ăn lá xương rồng, kết quả lượng đường trong máu họ giảm 11%.
Các nhà khoa học Pháp cũng từng thử nghiệm cho 68 phụ nữ ăn lá xương rồng trong 4 tuần và nhận thấy lượng cholesterol và chất béo đều giảm.
Tạp chí Plant Food for Human Nutrition cho biết, các hoạt chất trong xương rồng làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư ruột kết, gan, vú và tuyến tiền liệt mà không gây hại các tế bào khỏe mạnh.
Ngoài ra, loài cây này còn có tác dụng chống viêm, tăng cường tiêu hóa, bảo vệ tế bào não.
Tất nhiên, bạn không được tự ý sử dụng xương rồng chữa bệnh. Việc khám phá các tác dụng của cây này giúp bạn biết rằng đây là loại cây tốt lành, vì vậy nếu thích vẻ đẹp của nó thì bạn cứ yên tâm dùng làm cảnh, vì xương rồng không phải là cây cấm kỵ trồng trong nhà như nhiều người lo lắng.
Lưu ý khi trồng cây xương rồng trong nhà
Để có chậu xương rồng khỏe, đẹp, bạn cần chọn giống cây phù hợp với điều kiện chăm sóc, và nhớ rằng không phải cây xương rồng nào cũng dễ ra hoa, do đó nếu bạn muốn loại xương rồng có hoa, hãy tìm hiểu kỹ để chọn mua đúng cây mình cần.
Nếu nhà có trẻ nhỏ, nên chọn những giống xương rồng có gai mềm để không làm các bé bị thương.
Chậu trồng xương rồng phải phù hợp với kích thước dự kiến của cây. Xương rồng không ăn sâu xuống đất nên cần chọn loại chậu nông, có đường kính rộng hơn thân cây để cây có chỗ phát triển tiếp, và phải có lỗ thoát nước để cây không bị úng.
Loại cây này không yêu cầu cao về đất, tuy nhiên cây sẽ phát triển tốt hơn nếu đất được trộn kỹ với các nguyên liệu giàu dinh dưỡng. Bạn có thể trộn đất thịt với một ít sỏi, cát, xơ dừa, bón thêm nitơ và phốt pho.
Nên đặt cây xương rồng ở nơi có ánh sáng mặt trời trực tiếp, hoặc nơi mà cây có thể nhận được ánh sáng mặt trời ít nhất 4 - 6 giờ mỗi ngày.
Bạn chỉ cần tưới nước khoảng một lần mỗi tuần, bón phân mỗi năm 1-2 lần. Bạn điều chỉnh lượng phân theo kích thước của cây, chỉ cần bón bổ sung nitơ và phốt pho.
Theo VTC