Tai nạn máy bay thảm khốc trên dãy Andes đã khiến 29 người thiệt mạng. (ảnh CORBIS)

Bác sĩ Roberto Canessa sắp xuất bản cuốn sách ghi lại hành trình sống sót đáng kinh ngạc của mình và người bạn Nando trong vụ tai nạn máy bay mang số hiệu 571 của Uruguay năm 1972 khiến 29/45 người thiệt mạng trên dãy Andes. Tai nạn thương tâm xảy ra khi Canessa cùng những đồng đội trong đội bóng bầu dục Old Christians đến Chile thi đấu. 

Trong cơn đói khát, người đàn ông này đã phải ăn thịt xác của chính những người bạn thân – ranh giới cấm kỵ cuối cùng của con người, nhất là những người học Y như ông.

Trở về từ cõi chết, Roberto Canessa vẫn còn phải đối mặt với một thử thách ám ảnh hơn: đến gặp các gia đình những người bạn mà ông đã ăn để duy trì sự sống. Một câu chuyện rùng rợn, gay cấn nhưng cũng đầy tự hào về bản năng sinh tồn của con người và cả những bài học tình người sâu sắc.

Ông Roberto Canessa hiện tại và vào năm 1972. (ảnh Wireimage/Shutterstock)

Sau đây là tóm tắt hành trình xuống núi của bác sĩ Roberto Canessa và Nando sau 2 tháng bám trụ trên dãy núi tuyết:

Xuống núi –  quyết định mạo hiểm buộc phải làm

Sau lưng chúng tôi, xác chiếc máy bay nhỏ dần và nhỏ dần. Những người ở lại dõi mắt trông theo tôi từ đống đổ nát. Thi thoảng, tôi quay lại nhìn họ cho đến họ bé lại như những chú kiến đen nhỏ bò trên một tấm vải trắng bằng tuyết.

Không có gì ngạc nhiên nếu chiếc máy bay cứu hộ không nhìn thấy chúng tôi. Với thân máy bay màu trắng được phủ tuyết, chúng tôi hoàn toàn vô hình. Chỉ có 16 người sống sót và tôi đã nghĩ tới viễn cảnh sẽ không bao giờ gặp lại họ.

Tôi mang theo một chiếc túi ngủ làm bằng sợi cách nhiệt và những chiếc vớ to chứa đầy thức ăn: các dải thịt người đông lạnh cắt ra từ xác chết của bạn bè tôi. Trong cơn hoảng loạn và đói khát, chúng tôi không nghĩ được gì nhiều về thứ mà chúng tôi ăn – phần thân xác của những người bạn. 

Tôi và Nando dùng giày trượt tuyết, một sợi dây nối nhau và 2 cây gậy kim loại để lần mò lối đi. Thật sự chúng tôi chưa có kinh nghiệm gì trong việc leo núi. Các vách núi gần như thẳng đứng và không khí rất loãng khiến chúng tôi mất sức nhanh. 

Khi màn đêm buông xuống, bóng tối nhanh chóng bao trùm khoảng không phía trước, nơi những khe núi tử thần luôn chực chờ chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã đến được một khu vực thoáng, lộng gió và an toàn để nghỉ chân sau những giờ đi bộ liên tục.

Đến ngày thứ ba, Nando và tôi đã được tiếp cận các đỉnh núi cao, nơi chúng tôi có thể phóng tầm mắt ra xung quanh. Đầu tôi lúc ấy đã hiện ra hình ảnh những thung lũng xanh mướt, những làng mạc cổ kính với những tay du mục luôn sẵn thức ăn.

Nando lao nhanh về phía trước. Tôi hỏi với theo: “ Có gì ở phía dưới thế?”. Đáp lại lời tôi nói là một sự im lặng đáng sợ. Đông, Tây, Nam, Bắc chỉ toàn núi và tuyết. Lúc ấy tôi như ngã khuỵu và muốn đầu hàng số phận.

Trong cơn đói khát, người đàn ông này đã phải ăn thịt xác của chính những người bạn thân – ranh giới cấm kỵ cuối cùng của con người, nhất là những người học Y như ông. (ảnh CORBIS)

Nhưng Nando vẫn chỉ về phía trước và thúc giục tôi đi tới. Cậu ấy cứ liên tục nói: “Sẽ tuyệt thế nào nếu chúng ta không bỏ mạng ở đây nhỉ”? Đêm đó, chúng tôi quấn lấy nhau trong túi ngủ, vừa để giữ ấm vừa tránh những suy nghĩ tiêu cực. Bọn tôi xác định cái chết là điều hiển nhiên nhưng hạ quyết tâm sẽ chiến đấu tới cùng.

Cách duy nhất giúp tôi trải qua những ngày đầu khó khăn chính là việc tự vạch ra những mục tiêu ngắn hạn: vách đá bên kia, tảng đá tiếp theo...nhờ đó mà chúng tôi không cảm thấy chới với giữa khoảng không như vô tận.

Ánh sáng của sự sống

Bước sang ngày thứ 7, tâm trí và cơ thể chúng tôi như muốn đầu hàng. Da tôi ngả xanh, và ngón chân của tôi đã chuyển màu đen do hạ thân nhiệt. Tôi nghĩ đến bạn gái Lauri ở Montevideo. Cô ấy chắc phải tìm bạn trai khác rồi. Nhưng còn mẹ tôi? Mẹ tôi sẽ làm sao vượt qua nỗi đau này? (nếu tôi chết)..

Giữa những suy nghĩ vẩn vơ về sự sống và cái chết, tôi chợt nhận ra một sự thay đổi lớn. Đồng hồ điểm 4h15 chiều và mặt trời vẫn chiếu sáng dù mọi khi đây là lúc trời tối dần.

“Nando, mặt trời vẫn chiếu sáng lên thung lũng?”Chúng tôi nhìn lên phía trên. "Nếu mặt trời không bị chắn thì có nghĩa là chúng tôi gần tìm được đường xuống chân núi” – tôi hét lên.

Một giờ sau, điều tuyệt vời nhất đã xuất hiện: một con thằn lằn. Tôi như bị mê hoặc trước nó. Một con vật sống!

Tôi đã cảm nhận mùi của sự sống quanh đây.

Ngày hôm sau, các dấu hiệu của nền văn minh bắt đầu nhiều hơn. Một móng ngựa. Một lon nước. Và hai con bò cạnh lùm cây tỏa bóng xuống dòng sông.

Bất chợt, tôi quay sang nhìn ở phía xa sau Nando. Nhìn kìa! Một người đang đội mũ đứng nhìn chúng ta. Chúng tôi bắt đầu la hét, nhưng tiếng thét của chúng tôi đã bị át đi bởi những con sóng chảy xiết.

Người đàn ông ông ra hiệu bằng tay và hét lớn lên 'Ngày mai'. Ông ấy rút giấy và bút chì ra khỏi túi của mình, viết gì đó rồi gói vào hòn đá ném sang chỗ chúng tôi với hàng chữ “Tôi đã gọi người đến. Cho tôi biết bạn muốn gì?”

Nando viết câu trả lời ở mặt kia của tờ giấy. "Chúng tôi gặp tai nạn máy bay trên núi. Chúng tôi đã đi bộ trong mười ngày. Còn 14 người sống sót khác trên núi. Chúng tôi không có thức ăn và đang rất mệt”.

Sau đó, Nando ném đá trở lại bờ bên kia.

Hai giờ sau, một người đàn ông khác cưỡi ngựa đến. Ông ta nói tên là Armando và chính là người được Sergio Catalan (người đầu tiên nhìn thấy chúng tôi) gọi đến.

Ngồi sau lưng ngựa của Armando, tôi và Nando vẫn chưa thể hoàn hồn. Chúng tôi đã sống sót sau 10 ngày kinh hoàng với cái lạnh cắt da trên núi tuyết ư? 

Ít giờ sau, chúng tôi đến một trang trại nhỏ, nơi có thức ăn. Ngay khi Armando ngỏ ý mời chúng tôi ăn pho mát, Nando đã nhanh tay “nhón” một miếng và ăn ngấu nghiến. Tôi cũng lao vào ăn không chút ngại ngần. Khoảng 6h tối, 10 sĩ quan đã xuất hiện và nghe chúng tôi thuật lại mọi chuyện.

'Không thể nào!' - trung sĩ thốt lên khi nghe kể lại câu chuyện của chúng tôi.

Nhưng tôi không bị cuốn vào những câu chuyện và lời xuýt xoa. Chúng tôi thúc giục họ cứu 14 người bạn vẫn còn trên núi. Lính cứu hộ yêu cầu 1 trong 2 chúng tôi đi theo dẫn đường. Nando xung phong đi, còn tôi đã mệt lả từ bao giờ. Nhiệm vụ cứu hộ hoàn thành trong 2 ngày. Bạn bè tôi vẫn sống sót trong khoảng thời gian chúng tôi xuống núi – tất nhiên là nhờ thịt của những người bạn xấu số.

Chúng tôi đã sống sót một cách kỳ diệu sau hơn 2 tháng mắc kẹt trên đỉnh núi. Một hành trình mà tôi sẽ khắc cốt ghi tâm suốt đời.

Sống cho bản thân và cho những người đã khuất

Điều khó khăn nhất khi trở về là phải đối mặt với một thực tế: Chúng tôi đã ăn thi thể của những người bạn thân. Tôi đã quyết định đến thăm gia quyến những người bạn xấu số để an ủi họ và tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn. Tôi đã giữ cẩn thận những kỷ vật còn sót lại của từng người bạn: đồng hồ, hộ chiếu và những vật có giá trị.

Khi tôi đến thăm nhà Gustavo và Raquel Nicolich, tôi đã rất cảm kích trước cái cách mà họ vượt qua nỗi đau mất con để giúp chúng tôi, những người còn sống, thôi dằn vặt và day dứt. Tôi nhận ra rằng, cơ thể này là Chúa ban tặng và chỉ có linh hồn là điều mãi tồn tại. Các bạn tôi đã không hy sinh vô ích, họ chết đi và giúp chúng tôi “tái sinh”.

Hai tháng sau khi trở về, tôi trở lại trường y. Trong lớp học giải phẫu, tôi đã phải giải phẫu tử thi như cách mà tôi đã từng làm trên núi tuyết. Có một chút rùng mình và xúc động nhưng tôi đã nhanh chóng làm chủ mình. Tôi bắt đầu chơi bóng bầu dục trở lại cùng các bạn của mình – những người sống sót và cả linh hồn của những người đã khuất.

Sau này, bọn tôi vẫn họp mặt hàng năm vào ngày kỷ niệm thảm kịch năm xưa. Chúng tôi như được ràng buộc thêm sợi dây tình cảm mật thiết sau khi trải qua ranh giới sống-chết. Tôi đã cố gắng sống thật ý nghĩa, thật hạnh phúc để xứng đáng với mạng sống của những người bạn tôi, xứng đáng với tình cảm của mọi người.

Những người bạn xấu số dường như đã chuyển giao những hoài bão, tài sản cuộc đời cho chúng tôi – người sống tiếp giấc mơ của họ. Khi trở lại nơi tưởng niệm thảm kịch cùng con gái Lala, tôi đã nói với vong linh những người bạn rằng “Như tôi từng hứa với các bạn, tôi đã sống tốt nhất có thể. Và đây, con gái tôi, chính là “hoa thơm trái ngọt” từ sự hy sinh tuyệt vời của các bạn”.

(Lược dịch từ Daily Mail, theo nội dung cuốn sách I Had To Survive: How A Plane Crash In The Andes Inspired My Calling To Save Lives được viết bởi chính Roberto Canessa and Pablo Vierci, dự kiến được xuất bản vào đầu tháng 3)

Kết: Roberto Canessa đã trở về với cuộc sống thường nhật sau thảm kịch kinh hoàng trong cuộc đời. Hành trình thoát khỏi Tử thần của ông là câu chuyện sinh tồn sống động và đáng kinh ngạc, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của con người. Câu chuyện của ông còn là bài học lớn về tình cảm gia đình, bạn bè và thái độ sống tích cực dù gặp hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta rằng phải biết trân trọng mạng sống của chính mình, bởi sự sống là một điều kỳ diệu.

Theo Đại Đoàn Kết