Y sĩ bị nghi lây nhiễm HIV cho cả xã: 'Tôi bất lực vì không thể minh oan'

Sau nhiều tuần chịu áp lực của dư luận, y sĩ T. lần đầu lên tiếng, chia sẻ nhiều tâm tư, trăn trở quanh sự việc 42 người tại xã Kim Thượng nhiễm HIV.

Chia sẻ với VietNamNet, y sĩ T. (34 tuổi, Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết, kể từ khi râm ran thông tin cho rằng anh dùng chung bơm kim tiêm khiến nhiều người bị lây nhiễm HIV, cả gia đình anh đã suy nghĩ rất nhiều, cuộc sống đảo lộn. Trong 1 tháng qua, bản thân anh sụt tới 6kg, còn vợ anh giảm 5kg.

Những ngày đầu tiên, đi tới đâu vợ chồng tôi cũng gặp những ánh mắt soi mói, kỳ thị của người dân trong xã, dù họ không trực tiếp nói nhưng tỏ thái độ”, anh T. chia sẻ.

Một số người trực tiếp đến nhà anh “nói lời vào ra”, một số khác doạ đến nhà để làm rõ chuyện.

Thời điểm đó, hàng ngày anh T. vẫn đến BV đa khoa huyện Tân Sơn làm việc, dù được nhiều đồng nghiệp chia sẻ, động viên nhưng tâm lý vẫn rất nặng nề.

Lương tâm con người, đạo đức nghề nghiệp không bao giờ cho phép tôi làm những việc thất đức như thế. Bây giờ kim tiêm dùng 1 lần có giá rất rẻ, chỉ 600-650 đồng/cái, không đáng gì để mình phải làm vậy. Mình biết mình bị oan nhưng không tìm cách nào chứng minh được, tôi bất lực vì không thể minh oan, nhiều đêm mất ngủ”, y sĩ T. chia sẻ.

Y sĩ bị nghi lây nhiễm HIV cho cả xã: Tôi bất lực vì không thể minh oan-1
1 tuần nay, y sĩ T. phối hợp với cơ quan công an để làm rõ nguyên nhân lây nhiễm HIV tại xã Kim Thượng

Anh chia sẻ, khi bị người dân trong xã nghi ngờ, bản thân anh rất buồn, nghĩ nhiều, trăn trở nhiều xem tại sao có những người ít có khả năng nhiễm bệnh vẫn dương tính với HIV.

Khi rộ lên thông tin, chính anh cũng hoang mang do những bệnh nhân đó đã từng đến nhà, con cái, vợ chồng đều tiếp xúc nên anh tự mình đi xét nghiệm HIV trước khi đưa cả nhà xét nghiệm vào cuối tháng 7 vừa qua. May mắn, kết quả đều âm tính.

1 tuần nay, công việc của anh T. tại BV tạm gián đoạn do phối hợp với cơ quan công an làm rõ nguyên nhân.

Không thể quay ra hắt hủi bà con

Theo y sĩ T., xã Kim Thượng nhiều năm nay vẫn có một số trường hợp nhiễm HIV, bản thân anh cũng nghĩ nhiều đến tình huống nhiều bệnh nhân muốn giấu nguy cơ nên nhân cơ hội này đổ vạ để không phải giải thích với gia đình.

Tuy nhiên khoảng 1 tuần nay, khi người dân được tiếp cận với phân tích của các chuyên gia nhiều hơn, đã phần nào hiểu rõ sự việc.

2-3 ngày trở lại đây, một số bà con không may nhiễm HIV đã quay lại nhà y sĩ T. nhờ tư vấn. Một số bệnh nhân mới dùng thuốc ARV có tác dụng phụ, 11-12h đêm cũng đến nhà gõ cửa hỏi tại sao uống vào lại buồn nôn. Với kiến thức mình có, y sĩ T. cặn kẽ giải thích cho người dân yên tâm.

“Chuyện gì xảy ra cũng xảy ra rồi, không phải vì vậy mà mình chán ghét, hắt hủi bà con, trái lại còn thương hơn vì nhận thức của người dân ở đây cũng thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc. Dân không biết, mình biết được cái gì thì tư vấn thôi”, y sĩ T. bộc bạch.

Anh T. cho biết, anh từng học điều dưỡng tại TP. Việt Trì, Phú Thọ, sau đó có 2 năm làm hợp đồng tại trạm y tế xã Kim Thượng, kế đó thi đỗ vào BV đa khoa huyện Tân Sơn, làm điều dưỡng khoa Khám bệnh.

Trong quá trình làm việc, anh T. được cơ quan cử đi học nhiều đợt để nâng cao tay nghề, được chuyển ngạch là y sĩ từ năm 2012.

Y sĩ T. cho hay, bắt đầu từ cuối 2015 anh mới bắt đầu giúp người dân tiêm truyền tại nhà do thời gian trước đó phải đi học, tập huấn.

Tháng đông nhất cũng chỉ có khoảng 10 người dân đến nhờ khám, tư vấn, tiêm truyền các bệnh phổ biến như sốt, ho và các bệnh thông thường khác. Chủ yếu là anh em họ hàng, hàng xóm đến nhờ chứ tôi không tổ chức khám chữa bệnh, ở nhà cũng không có dụng cụ gì”, lời anh T.

Sau sự việc, anh T. mong mỏi, ngành y tế tỉnh sẽ sớm có những đợt tuyên truyền trực tiếp đến người dân trong xã để mọi người có kiến thức về bệnh HIV cũng như cách dự phòng, điều trị.

Theo Vietnamnet


lây nhiễm HIV Nhiễm HIV ở Phú Thọ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao