Yêu cầu sớm ứng phó với Mangkhut - siêu bão đang mạnh nhất thế giới

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảnh báo Mangkhut là siêu bão mạnh, khi đổ bộ ảnh hưởng nhiều tỉnh nên cần chủ động ứng phó từ bây giờ để giảm thiểu thiệt hại tính mạng và tài sản.


Phó thủ tướng: 'Chủ động ứng phó siêu bão từ bây giờ' Đây là cơn bão rất mạnh, dự báo đổ bộ vào khu vực đông dân cư, có rất nhiều tàu thuyền, phương tiện hoạt động nên cần chủ động lên phương án ứng phó từ đầu.

'Mạnh nhất trong 9 cơn bão đang hoạt động'

Chiều 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có cuộc họp trực tuyến với các địa phương, lên phương án ứng phó với siêu bão Mangkhut, dự kiến là cơn bão số 6 trên Biển Đông năm nay.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trên thế giới có 9 cơn bão đang hoạt động cùng lúc. Trong đó, Mangkhut là cơn mạnh nhất.

"Bão Mangkhut đạt cấp Cat 5 - cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế - mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 (Cat 4)", ông Cường nói.

Yêu cầu sớm ứng phó với Mangkhut - siêu bão đang mạnh nhất thế giới-1
Dự báo các đài khí tượng thủy văn các nước đều cho biết bão Mangkhut đang mạnh nhất trong 9 cơn bão hoạt động trên biển. Ảnh chụp màn hình: Phạm Trường.

Với cường độ cấp 17 chiều 14/9, bão Mangkhut đang hoạt động ở vùng biển phía đông Philippines và bắt đầu ảnh hưởng đến Luzon. Dự báo sẽ đi vào phía đông bắc Biển Đông trong sáng 15/9 với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17. Bão khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9.

Cơn bão khi đổ bộ sẽ gây ảnh hưởng đến 27 tỉnh Bắc Bộ. Cường độ của bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, hoàn lưu của cơn bão có bán kính rất rộng, từ 400-500 km tính từ tâm bão và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Bão gây sóng lớn cao 14 m ở khu vực bắc Biển Đông, cao 5 m ở quần đảo Hoàng Sa, giữa Biển Đông. Tổ hợp nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4-5 m.

"Siêu bão đang giữ cấp độ, hướng đi và tốc độ di chuyển, không có sự biến đổi. Các đài dự báo bão các nước cũng đều có chung nhận định về sức mạnh của cơn bão này", ông Cường nói.

Yêu cầu sớm ứng phó với Mangkhut - siêu bão đang mạnh nhất thế giới-2
Ảnh mây vệ tinh của siêu bão Mangkhut lúc 18h40 ngày 14/9 cho thấy sức mạnh cũng như vùng ảnh hưởng khổng lồ của cơn bão. Ảnh: NCHMF.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết theo nhận định và dự báo từ các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong nước và nước ngoài thì nhiều khả năng cơn bão hướng vào vịnh Bắc Bộ và các tỉnh phía bắc ở cấp 12. Sau gần 10 ngày hình thành và di chuyển, cơn bão có khả năng suy yếu bớt khi vào sát đất liền.

Yêu cầu sớm ứng phó với Mangkhut - siêu bão đang mạnh nhất thế giới-3
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, báo cáo về hướng đi và mức độ ảnh hưởng cơn bão có thể xảy ra. Ảnh: Phạm Trường.

Trong ngày mai (15/9) bão bắt đầu vào Biển Đông và sẽ giảm 1 đến 2 cấp. Trưa chiều 16/9, do hoàn lưu cơn bão rất mạnh nên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến vịnh Bắc Bộ.

Trong các ngày 17-19/9, vịnh Bắc Bộ và các tỉnh phía Bắc sẽ xuất hiện mưa to đến rất to. Khu vực Quảng Ninh đến Thanh Hóa là vùng ảnh hưởng mạnh nhất và hứng chịu mưa lớn, lượng phổ biến 200-300 mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nước sông Lô và sông Thao dâng cao gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

'Phải có phương án ứng phó từ bây giờ'

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhận định Mangkhut đang là cơn bão rất mạnh, được đánh giá là siêu bão, mạnh nhất trong 9 cơn bão đang hoạt động trên biển hiện nay. Đặc biệt, siêu bão được dự báo gây mưa rất to sau khi đổ bộ ở khu vực đông dân cư có sự phát triển kinh tế lớn.

Nếu không có phương án chủ động ứng phó sẽ thiệt hại rất lớn. Cần quán triệt tập trung lên phương án ứng phó ngay từ bây giờ để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân và Nhà nước”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Yêu cầu sớm ứng phó với Mangkhut - siêu bão đang mạnh nhất thế giới-4
Vị trí tâm bão Mangkhut lúc 16h ngày 14/9 và dự báo về đường đi trong những ngày tới. Ảnh: NCHMF.

Phó thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cần phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, đặc biệt là vai trò của lực lượng vũ trang để xây dựng ngay phương án ứng phó hiệu quả nhất, giảm thiểu thiệt hại.

Ủy ban quốc gia về Tìm kiếm cứu nạn và Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cần cập nhật thông tin về cơn bão, công bố vùng biển bão vào để tuyệt đối bảo đảm an toàn trên biển; Rà soát, kiểm tra tàu thuyền trên biển đi ra khỏi nơi có bão, di chuyển vào nơi tránh trú ẩn an toàn. Các đơn vị cũng cần có cấm biển, trong thời điểm này cũng không cho tàu thuyền ra khơi xa để đảm bảo an toàn.

Các địa phương cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở các khu vực nuôi lồng bè, có phương án di dân khi cần thiết. Ngoài ra cũng cần đảm bảo đến khách du lịch trên các đảo và khu vực có khả năng cơn bão sẽ đổ bộ.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra cơ sở hạ tầng, các trường học, bệnh viện, đường lưới điện đã đủ an toàn để đón bão và có phương án xử lý cụ thể nếu cần.

Phải có giải pháp bảo vệ an toàn mái nhà của người dân, các công trình hạ tầng, các cột tháp cao; triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án đang thi công, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện...", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Việc tập trung đảm bảo an toàn hồ đập, các khu vực có nguy cơ sạt lở, xảy ra lũ ống, lũ quét cần kiên quyết đảm bảo an toàn cho người dân cũng được Phó thủ tướng nhắc đến với lãnh đạo các địa phương.

Yêu cầu sớm ứng phó với Mangkhut - siêu bão đang mạnh nhất thế giới-5
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi họp lên phương án ứng phó bão Mangkhut. Ảnh: Thanh Bình.

Ông Dũng cũng đề nghị Bộ NN&PTNN kiểm tra, chủ động bảo vệ các công trình ở vùng núi, giảm thiểu thiệt hại nhất có thể. Bên cạnh đó, các tỉnh phải rà soát các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đê điều, bảo vệ sản xuất. Bảo đảm an toàn cho người dân ở các khu du lịch, các công trình dịch vụ, cơ sở hạ tầng trên địa bàn, công trình nhà ở của người dân.

“Cần tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các lực lượng tại chỗ của địa phương, lực lượng vũ trang sẽ là nòng cốt trong xử lý sự cố, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân”, Phó thủ tướng nói.

Theo Zing


Bão Mangkhut bão số 5 tin bão

Tin tức mới nhất