Lợi dụng tang lễ, câu view bất chấp?
Nghệ sĩ Vũ Linh qua đời hôm 5/3 ở tuổi 65 sau thời gian bạo bệnh. Sự ra đi của "ông hoàng cải lương" nhận được sự tiếc thương của đông đảo khán giả. Lễ viếng và đám tang của nam nghệ sĩ tại nhà riêng thu hút sự quan tâm của người hâm mộ.
Trong những ngày diễn ra tang lễ, ngoài người thân, bạn bè, người hâm mộ đến thắp hương còn có những người hiếu kỳ và một số YouTuber, TikToker xuất hiện để quay video, thậm chí tường thuật trực tiếp lên các kênh mạng xã hội. Điều này góp phần tạo nên tình trạng lộn xộn, náo loạn trong tang lễ.
Streamer xuất hiện tại lễ viếng nghệ sĩ Vũ Linh hôm 6/3 - ngày đầu tiên của lễ viếng
Theo ghi nhận của phóng viên, các streamer có mặt tại lễ viếng Vũ Linh chuẩn bị "đồ nghề" rất kỹ lưỡng. Mỗi người mang theo 2,3 chiếc điện thoại cùng sạc dự phòng, gậy livestream. Ngoài việc theo dõi diễn biến của đám tang, nhiều streamer theo sát các nghệ sĩ đến viếng, hô to tên mỗi khi có người nổi tiếng xuất hiện.
Một số streamer vừa phát live, vừa bình luận diễn biến sự việc, dẫn đến ồn ào. Ở một số tình huống, dòng người chen lấn, xô đẩy để có được vị trí đẹp để ghi hình, gây khó khăn cho lực lượng an ninh.
Tại đêm nhạc tiễn biệt Vũ Linh diễn ra tối 8/3, có khoảng 1.000 khán giả kéo đến theo dõi
Trên mạng xã hội, những video về tang lễ "ông hoàng cải lương" thu hút lượt xem lớn. Trung bình, mỗi clip gắn từ khóa "đám tang Vũ Linh" đạt từ 50.000 lượt xem trở lên trên YouTube, thậm chí có những video đạt cả triệu lượt xem.
Trong bạt ngàn thông tin về đám tang nghệ sĩ Vũ Linh, có không ít những video được các kênh YouTube, TikTok giật tít câu view phản cảm. Điển hình như các video có tựa đề: "Hãi hùng cảnh hàng ngàn đóa hoa tang phủ kín lễ di quan đám tang nghệ sĩ Vũ Linh"; "Trực tiếp cảnh hạ huyệt, chôn cất Vũ Linh"; "Đêm ca nhạc cực hoành tráng tại tang lễ Vũ Linh"...
Thậm chí rất nhiều video đưa thông tin sai lệch như: "Hoài Linh tội nghiệp đến đám tang nghệ sĩ Vũ Linh một mình"; "Trấn Thành nửa đêm xuất hiện viếng NSƯT Vũ Linh", "Đám tang Vũ Linh có chuyện lạ chưa từng thấy"... Lại có những trường hợp sử dụng hình ảnh cắt ghép rất phản cảm, gây bức xúc trong cộng đồng mạng.
Trên YouTube xuất hiện nhiều video đưa tin giả mạo, cắt ghép câu view phản cảm về tang lễ
Trước tình trạng náo loạn ở đám tang nghệ sĩ Vũ Linh, nhiều người cho rằng tang lễ là nơi để tiễn biệt, thể hiện sự tôn trọng với người đã khuất và chia buồn với gia quyến. Nhưng thay vào đó, nhiều streamer bất chấp để quay chụp, đăng video phản cảm, câu kéo lượt view.
Phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Thành Trung - người được gia đình nghệ sĩ Vũ Linh nhờ cậy lo việc thông tin và tác nghiệp báo chí tại lễ tang. Chia sẻ về câu chuyện tranh cãi những ngày qua, ông Trung cho biết tang lễ nghệ sĩ Vũ Linh thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Dòng người đổ về lễ viếng gồm rất nhiều thành phần, từ người hiếu kỳ, người hâm mộ, streamer cho tới truyền thông, báo chí.
Đám đông cầm điện thoại ghi hình, chen lấn để có được vị trí đẹp
"Nếu nói riêng YouTuber, TikToker chen lấn, tụ tập gây náo nhiệt tại đám tang là không thực sự chính xác. Vì rất nhiều người có mặt ở tang lễ sử dụng điện thoại, ghi hình, rồi đăng video lên trang cá nhân họ.... Gia đình nghệ sĩ Vũ Linh dù không thoải mái với việc có quá đông người tới cầm điện thoại quay, chụp (bao gồm tất cả đối tượng), nhưng họ cũng hiểu Vũ Linh là nghệ sĩ lớn, được mọi người yêu thương và quan tâm… Gia đình vẫn nhắc nhở, lưu ý mọi người không nên đưa thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tới hình ảnh đẹp của nghệ sĩ trong lòng công chúng", ông Phạm Thành Trung nói.
Chuyên gia tâm lý: "Đó là hiệu ứng FOMO - nỗi sợ bỏ lỡ tin tức!"
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, tình trạng đám đông streamer đeo bám, đưa tin câu view tại đám tang nghệ sĩ Vũ Linh có thể giải thích ở góc độ về hiệu ứng FOMO (viết tắt của Fear of missing out - Nỗi sợ bỏ lỡ tin tức). Ngoài ra, với sự phát triển của điện thoại thông minh và xu thế mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng không gian mạng để lập kênh riêng, khai thác, phát tin tức, hình ảnh và kiếm tiền.
"Đây không phải lần đầu tiên có tình trạng này, mà đã xảy ra nhiều lần từ những sự việc, đám tang người nổi tiếng trước đây. Chúng ta đang sống trong nền kinh tế "chú ý", trong đó sự chú ý của cộng đồng có thể mang lại nguồn lợi ích cho cá nhân đó, cả về mặt danh tiếng, cả về mặt tài chính. Sự chú ý của cộng đồng trở thành biểu hiện cho giá trị cá nhân đó. Xã hội ngày nay ai cũng có tâm lý sợ bị bỏ lỡ tin tức, bị hiệu ứng FOMO, nên khi có sự việc sốt dẻo, người ta sẽ kéo tới để đưa tin, duy trì mức độ chú ý của cộng đồng trên kênh của họ", ông Trần Thành Nam chia sẻ với phóng viên.
đông sử dụng điện thoại, ghi hình diễn biến lễ di quan Vũ Linh, chiều 9/3
"Nhiều nội dung nhảm nhí, không có văn hóa lại được chú ý hơn những nội dung chuẩn mực. Vậy nên đám tang nghệ sĩ, vốn là nơi chia buồn, thì người ta kéo đến tường thuật. Tương tự như tai nạn, là lúc giúp đỡ người khác, thì nhiều người lại đến chụp hình, quay phim. Ngày nay mọi người đang bị hội chứng "vội, nhanh, kịp thời", muốn hóng hớt thông tin, nhưng không phải ai cũng có tư duy, nên xảy ra tình trạng thông tin truyền tải không chính xác", ông Nam cho biết.
Ông Trần Thành Nam cho rằng bất cứ ai khi sử dụng nền tảng mạng xã hội cũng cần tuân thủ tiêu chuẩn cộng đồng và giữ được đạo đức, sự chuyên nghiệp, tử tế.
Chuyên gia chia sẻ: "Khi sử dụng mạng xã hội, chúng ta đang hình thành một không gian mạng, trong đó có những luật quy tắc ứng xử, an ninh mạng rõ ràng. Có quá nhiều người dùng có hành vi không phù hợp, vi phạm nguyên tắc, gây ảnh hưởng đến những người sáng tạo nội dung chuyên nghiệp khác. Các nhà sáng tạo nội dung cần nâng cao nhận thức. Họ không chỉ có nhiệm vụ tạo nên nội dung hay, thu hút, mà còn phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ danh xưng nghề nghiệp, để nghề nghiệp được ghi nhận. Trí thông minh và sự sáng tạo giúp bạn tạo dựng thành công lúc đầu, nhưng để bền vững và trường tồn vẫn là đạo đức, văn hóa ứng xử và sự văn minh".
Theo Dân Trí