4 điểm trừ của Grammy 2016 khiến Tùng Dương thất vọng

(2Sao) – Có nhiều điểm trừ của Grammy 2016 khiến ca sĩ Tùng Dương phải thốt lên “chất lượng thảm họa”.

Hệ thống âm thanh ngớ ngẩn

Là giải thưởng âm nhạc lớn nhất Hoa Kỳ và cũng có thể coi là đứng đầu thế giới, Grammy luôn được đánh giá cao về chất lượng âm thanh hoàn hảo.

Thế nhưng, Grammy năm nay liên tục mắc phải những lỗi âm thanh ngớ ngẩn.

Tùng Dương thất vọng về Grammy 2016

Ngay từ màn trình diễn mở màn của Taylor Swift, âm thanh đã không thực sự được trau chuốt, khiến cô liên tục hát lạc note, chệch nhịp và khán giả cảm nhận được rõ điều đó.

Đỉnh điểm ở phần trình diễn của Adele, mic của cô lúc to lúc nhỏ khiến cô rất khó khăn để hát và bị chênh phô một số chỗ. Cô còn cho rằng mic đã rơi xuống cây đàn piano, khiến tiếng guitar liên tục bị lạc điệu, khiến cô không thể kiểm soát được giọng hát, dẫn đến vỡ note, lạc giọng.

Adele đã rất buồn về sự cố này, cô đã bỏ ra ngoài đến tiệm đồ ăn nhanh và khóc suốt đêm sau đó.

Không chỉ riêng Adele, tất cả khán giả đều thất vọng về sự cố âm thanh này, vì ai cũng mong chờ tiết mục của cô sẽ cứu vớt cho chất lượng Grammy năm nay. Nhiều người còn cho rằng, Adele đã bị chơi xấu. Trong khi đó, nhà sản xuất Grammy chỉ đáp lại một câu là sự cố âm thanh nằm ngoài kiểm soát của họ.

Adele buồn bã về chỗ ngay sau màn trình diễn

Tiết mục của Justin Bieber cũng dính phải một số lỗi âm thanh khiến anh trình diễn khó khăn, mất phong độ. Nhiều sự cố âm thanh liên tiếp khiến công chúng hoài nghi về sự làm việc thiếu nghiêm túc của ekip hàng đầu thế giới này.

Màn trình diễn mở màn nhạt nhòa nhất lịch sử Grammy

Taylor Swift được chọn mở màn cho Grammy năm nay, nhưng cô khiến khán giả cảm thấy chán ngấy vì sự nhạt nhòa của cô.

Chưa tính đến sự cố âm thanh,  ngay bản thân Taylor cũng không thể hiện được điều gì đặc biệt ngoài vóc dáng model của cô. Vẫn như mọi khi, Taylor live yếu, chênh phô liên tục, âm sắc giọng như một học sinh tuổi teen, cách nhả chữ, phát âm cũng không có chút thần thái nào.

Taylor Swift trình diễn tại Grammy 2016

Nhiều nghệ sĩ cũng không có giọng hát khủng, quãng giọng rộng, âm sắc đẹp, như Madonna chẳng hạn, nhưng vẫn khiến người nghe cảm thấy hài lòng nhờ biết cách nhả chữ, xử lí ca khúc cho có thần thái.

Yếu về giọng hát, nhưng Taylor cũng không có sự đầu tư trình diễn nào đặc sắc để lấy phần nhìn bù lại như nhiều ca sĩ khác, cô không thể hiện được vũ đạo đẹp như Madonna, Beyonce, Britney, không thể đầu tư công nghệ hay nội dung trình diễn như Lady Gaga. Tóm lại, màn trình diễn này hụt hẫng cả phần nghe lẫn phần nhìn.

Nhiều người tự hỏi, tại sao nền công nghiệp âm nhạc hàng đầu thế giới lại có một màn trình diễn nhạt nhòa như vậy mở màn ở giải thưởng âm nhạc lớn nhất.

Nhìn lại những màn trình diễn của thế hệ trước tại Grammy như Whitney Houston, Michael Jackson, Aretha Frankin, Mariah Carey, Madonna, Christina Aguilera, Tina Turner, Patti Labelle… người ta không khỏi chán nản về màn trình diễn của Taylor.

Không có màn trình diễn nào để lại dấu ấn sâu đậm

Hầu hết ở những năm trước, Grammy đều có một hoặc dăm ba màn trình diễn kinh điển, ấn tượng, khiến công chúng nhớ mãi, tìm xem lại trong hàng chục năm sau đó. Chẳng hạn như màn trình diễn của Michael Jackson năm 1988, của Whitney Houston năm 1989, của Mariah Carey năm 2005, Pink năm 2012, Adele năm 2012, Celine Dion năm 1998… 

Màn trình diễn đáng nhớ của Pink tại Grammy 2010

Nhưng Grammy 2016 hầu như không để lại một màn trình diễn nào ấn tượng. Công phu nhất có lẽ là màn trình diễn của Lady Gaga, nhưng ngoài phần công nghệ hiện đại được áp dụng thì khán giả cũng không đọng lại được nhiều điều, dù cô đã rất cố gắng khi cover lại David Bowie. Demi Lovato thể hiện vocal tốt, nhưng không khiến khán giả ấn tượng. Justin Bieber lại càng không thể. Adele thì bị dính sự cố âm thanh.

Những giải thưởng gây tranh cãi


Dù cũng có nhiều năm Grammy gây tranh cãi về việc trao thưởng của mình, nhưng chưa có năm nào lại khiến dân tình bất mãn như năm nay.

Việc nghệ sĩ có tên ở các đề cử là Taylor Swift lại cũng là thành viên hội đồng giám khảo tạo nên một tiền lệ lạ lùng và thiếu minh bạch công khai nhất của Grammy 2016. Dù Grammy có tới cả ngàn giám khảo trong hội đồng chấm giải, nhưng một lá phiếu cũng trở nên quan trọng trong trường hợp hai đề cử cùng tương đương số phiếu. Không ai chắc chắn rằng nghệ sĩ có mặt trong hội đồng giám khảo sẽ không tự bầu cho chính mình hoặc vận động hành lang với các giám khảo khác.

Và việc Taylor Swift vượt qua nhiều đối thủ đáng gờm nhất để giành giải thưởng quan trọng năm nay càng khiến dân tình hoài nghi.

Taylor là một nghệ sĩ tài năng và album 1989 của cô cũng là một album chất lượng, nhưng vẫn ở mức trung bình nếu so với các nghệ sĩ cùng hạng mục đề cử với cô. Chẳng hạn, trong hạng mục quan trọng nhất Grammy là Album of the year, người ta đánh giá cao  To pimp a butterfly của  Kendrick Lamar và Beauty behind the madness  của The Weekend hơn nhiều.

Mặc dù, người ta đã phân tích những yếu tố khách quan giúp Taylor chiến thắng ở hạng mục lớn nhất Grammy năm nay như số phiếu không bị chia nhỏ cho đối thủ cùng thể loại, xu hướng thiên về pop để tăng tính an toàn và không lặp lại rock, r&b của Grammy các mùa trước, sự phân biệt màu da… Nhưng dù thế nào, việc một album ít tính đột phá, cách mạng, nội dung chủ yếu xoay quanh cuốn nhật kí tình yêu của cô gái trẻ với các chàng trai của cô ấy lại chiến thắng trước những tác phẩm xuất sắc như To pimp a butterfly với nội dung sâu sắc, nhân sinh, mang tính nhân quyền, đấu tranh chủng tộc hay Beauty behind the madness với sự khám phá, trải nghiệm bản thân, cuộc sống, thế giới… cũng khiến công chúng thấy thất vọng.

Ngoài ra, việc Taylor Swift chiến thắng tiếp hạng mục Best pop vocal album càng khiến người ta lạ lẫm. Dù ai cũng biết Grammy là giải thưởng về bên thu âm, và tên hạng mục Best pop vocal album để phân biệt với instrumental (hòa âm, phối khí), chỉ yêu cầu phần vocal chiếm độ dài trên 51% album, nhưng không ai là không hoài nghi về giải thưởng này.


Không ai đòi hỏi người đoạt giải này phải có giọng hát khủng, quãng giọng rộng hay live khỏe, nhưng nếu đã có chữ “vocal” thì phần thể hiện vocal vẫn phải được chấm điểm ít nhất trên 51% số điểm album so với phần phối khí, giai điệu. Thể hiện vocal ở đây không nhất thiết phải khoe giọng, khoe kĩ thuật, nhưng phải khiến người nghe ấn tượng với vocal ở cách nhả chữ, nhấn nhá, phối kết hợp cùng nhạc khí, hay ở việc sáng tạo những lối thể hiện vocal mới trong âm nhạc như Madonna triệt để sử dụng giọng đọc trong bản thu, Anael dùng nghệ thuật thu âm hòa giọng hát với nhạc khí tạo thành âm thanh của thiên nhiên hay Toni Braxton sáng tạo việc nhấn nhá cho dòng R&B hiện đại đâu thập niên 90.

Chưa bàn tới khả năng hát live của Taylor, chỉ cần xét tới bản thu âm theo đúng tiêu chí của Grammy, cô cũng chưa khiến người ta tâm phục ở hạng mục này.

Trong khi đó, đối thủ cùng hạng mục Best pop vocal album với cô là Florence and the Machine lại có những bản thu âm chứa đựng phần vocal sâu sắc hơn, biến ảo hơn, kết hợp với phối khí, nhạc cụ tốt hơn.

Hoặc, nếu so sánh Taylor với những người từng đoạt giải thưởng ở hạng mục này những năm trước như Adele, Madonna, Duffy, Amy Winehouse… sẽ thấy một sự chênh lệch lớn. Những người này đều không phải diva có giọng khủng, kĩ thuật khủng, nhưng họ biết cách sáng tạo, thể hiện phần vocal của mình vào album một cách ấn tượng, đặc sắc. Họ khiến công chúng cảm thấy hài lòng với chữ “Best pop vocal” trao cho họ.

Thị trường hay nghệ thuật?


Có một số ý kiến cho rằng công chúng đang sai lầm khi nghĩ cái gì ít phổ biến thì giá trị nghệ thuật cao hơn. Nhưng tại sao trong số những cái phổ biến, chỉ có Taylor bị phản đối mà không phải ai khác? Adele, Whitney Houston, Mariah Carey, Michael Jackson, The Beatles… khi đạt Grammy thậm chí còn đạt lượng sale album cao ngất ngưởng hơn Taylor và thống trị các bảng xếp hạng, tại sao họ không bị phản đối vì sự phổ biến của họ? Đơn giản vì họ khiến công chúng hài lòng về tính đại chúng lẫn nghệ thuật trong sản phẩm của mình. Mainstream hay Indie cũng đều có giá trị của nó. Khi bạn vừa thỏa mãn được thị trường lẫn nghệ thuật, bạn thành công.

Nói như vậy không có nghĩa các sản phẩm của Taylor thiếu chất lượng hay thiếu nghệ thuật. 1989 vẫn là một album chất lượng tốt. Nhưng chỉ cần nhìn suốt chiều dài lịch sử Grammy hay nhìn sang chiều ngang là những nghệ sĩ được đề cử năm nay, ta vẫn thấy có một sự đi xuống ở đây.

Âm nhạc Mỹ là một nền âm nhạc tự do, đào sâu sáng tạo, nơi người ta dùng âm nhạc để đấu tranh, làm chính trị, khám phá bản thân, sáng tạo, tìm tòi các trường phái. Nhắc đến nhạc Mỹ, người ta từng thán phục với âm nhạc tôn giáo, âm nhạc hiện sinh, âm nhạc hiện đại, hậu hiện đại, âm nhạc đa chiều, âm nhạc chính trị, âm nhạc nhân quyền, âm nhạc tạo hình, âm nhạc hội họa, âm nhạc thể nghiệm… hơn là những bài hát về chuyện tình của một cô gái hào nhoáng với danh sách các chàng bồ cũ của cô ấy.


Đức Long
Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao