Vì sao 'Đói quanh năm, no ba ngày Tết'?

PGS.TS Bùi Xuân Đính chia sẻ một số giá trị bất biến của Tết cổ truyền Việt Nam. Tết là sự "lại mới", là dịp mua quần áo mới, may đồ mới. Tết còn mang ý nghĩa đoàn viên. Trước kia, để có được ba ngày Tết, cha ông ta trải qua cả hành trình chuẩn bị công phu. Dân gian quan niệm: "Đói quanh năm no ba ngày Tết" .

Tết là dịp no đủ nhất

Dù có nhiều biến đổi do tác động từ nhu cầu cuộc sống hay xu hướng toàn cầu hóa, phong vị Tết Việt vẫn có những giá trị, nét đặc trưng bất biến. Tết Nguyên đán không có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng được cha ông ta "cải tiến" để mang đậm bản sắc dân tộc Việt.

Chia sẻ về câu chuyện Tết xưa, Tết nay, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết thực tế, Tết chỉ diễn ra trong ba ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 tháng Giêng.

Nhưng để có được ba ngày đó, thời trước cha ông ta trải qua cả hành trình chuẩn bị Tết rất công phu. Dân gian quan niệm: "Đói quanh năm no ba ngày Tết".

Vì sao Đói quanh năm, no ba ngày Tết?-1Vì sao Đói quanh năm, no ba ngày Tết?-2
Tư liệu hình ảnh người Hà Nội xưa gói, luộc bánh chưng.

"Một số gia đình chuẩn bị Tết sớm, từ tháng 8 tháng 9. Nhà nào chậm thì tháng Chạp cũng rục rịch đón Tết. Tết là ngày tập trung ăn uống, nên xuất hiện quan niệm Đói quanh năm no ba ngày Tết và cách gọi ăn Tết", PGS.TS Bùi Xuân Đính chia sẻ.

Vì sao Đói quanh năm, no ba ngày Tết?-3
Chuyên gia văn hóa Bùi Xuân Đính chia sẻ về một số đặc trưng của Tết cổ truyền.

Ông lý giải cha ông ta có quan niệm món gì ngon nhất, quý nhất mà ngày thường không có, không dùng thì ngày Tết sẽ phải tập trung đủ những thứ đó.

Xưa chỉ có ngày Tết mọi người mới ăn bánh chưng, thịt đông... Nồi bánh chưng là trung tâm của hành trình chuẩn bị Tết.

Khi điều kiện còn thiếu thốn, chỉ có Tết mới ăn no nên cha ông càng phải chuẩn bị chu đáo.

Những hằng số của Tết

PGS.TS Bùi Xuân Đính phân tích Tết cổ truyền Việt Nam có một số đặc trưng mang tính hằng số.

Thứ nhất, Tết là sự "lại mới", có nghĩa là dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm, bao sái ban thờ. Tết là dịp mua quần áo mới, may đồ mới.

Tết còn mang ý nghĩa đoàn viên, là dịp cha con, anh em, họ hàng... quây quần bên mâm cơm.

Vì sao Đói quanh năm, no ba ngày Tết?-4
Một số triển lãm mở cửa dịp đầu năm mới phục dựng không gian Tết xưa.

"Tết là sự khoan dung, xóa bỏ hiềm khích ngày thường và chúc nhau những điều tốt đẹp. Tết là sự tri ân. Con cái tri ân bố mẹ, các cháu tri ân ông bà, trò tri ân thầy... Hành trình chuẩn bị Tết gồm nhiều việc, đòi hỏi phải tỉ mỉ chu đáo vì Tết là ngày vẹn toàn. Tất cả thành viên trong gia đình cần đồng tâm hiệp lực, xắn tay vào làm", nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính chia sẻ.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/vi-sao-doi-quanh-nam-no-ba-ngay-tet-post1611051.tpo

Tết Nguyên Đán

Tin tức mới nhất