Hãy quan tâm
Mới đây, dư luận đang xôn xao trước cái chết của bé 8 tuổi nghi bị bạo hành tử vong ở TP.HCM. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy trên cơ thể bé gái có nhiều vất bầm, đầu có vết sẹo và bị phù nề phổi.
Hàng xóm xung quanh chia sẻ rằng họ thường xuyên nghe thấy tiếng ồn ào, la hét ở căn hộ nơi bé gái sinh sống. Tuy nhiên sự việc lại không được giải quyết triệt để dẫn đến hậu quả đau lòng.
Người thân và hàng xóm xót xa trong lễ tưởng niệm bé gái
Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu quan tâm của xã hội với vấn đề bạo hành trẻ em. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ em bị lạm dụng, ngược đãi mà chưa được phát hiện.
Điều khiến việc lạm dụng trẻ em khó bị phát hiện và ngăn chặn là kẻ bạo hành hầu hết lại chính là người quen thuộc với nạn nhân. Các em thường miễn cưỡng che giấu sự thật vì sợ hãi hoặc có thể là vì không muốn tố giác người thân.
Do vậy, để tránh gây ra hậu quả thương tâm ở trên và không còn bi kịch đau lòng mất đi một sinh mạng, mọi người cần nắm rõ các dấu hiệu cũng như đặc điểm về vấn nạn lạm dụng trẻ em.
Hành động ngay
Lạm dụng trẻ em gồm lạm dụng thể chất; lạm dụng tình dục; lạm dụng tinh thần; bỏ bê không quan tâm và chăm sóc đứa trẻ; lạm dụng chất kích thích gây hại cho trẻ nhỏ hay lạm dụng y tế khi không để đứa trẻ điều trị y tế hoặc không hỗ trợ sức khỏe tinh thần cần thiết; buôn người...
Khi phát hiện một trong các dấu hiệu dưới đây, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng. Điều này cũng đã được luật hóa, quy định trong Nghị định 56/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Luật trẻ em: Bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có thông tin về trẻ bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng.
Luật cũng quy định cơ quan tiếp nhận thông tin là Tổng đài quốc gia 111, cơ quan công an các cấp, UBND các cấp, cơ sở Lao động Thương binh và Xã hội các cấp... nơi xảy ra vụ việc.
Cục trưởng Cục trẻ em khẳng định, thông tin cá nhân của người cung cấp thông tin về trẻ sẽ được bảo mật tuyệt đối; người cung cấp thông tin được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Theo Pháp luật & Bạn đọc