Thông tin diễn viên xiếc bị cá sấu cắn vào mặt ở Hà Nam đang làm rúng động dư luận. Màn đưa đầu vào miệng cá sấu rất nguy hiểm nhưng để chiều lòng khán giả, nam diễn viên này đã thử đi thử lại và gặp tai nạn đáng tiếc. Thật đáng buồn, trên thế giới cũng không ít trường hợp thương tâm như vậy trong rạp xiếc.
Voi giẫm chết quản tượng
Ngày 12/9/1916, con voi có tên Mary đã xéo chết quản tượng của mình là diễn viên xiếc Red Eldridge. Những người chứng kiến kể rằng Eldridge lấy gậy chọc vào con voi khiến nó nổi giận và gây ra vụ việc. Cái chết của Eldridge thật bi thảm và khủng khiếp nhưng số phận của con voi Mary cũng đáng buồn không kém.
Người dân ở Kingsport, Tennessee đã đòi trả thù cho Eldridge bằng việc treo cổ con voi. Vào ngày 13/9/1916, đám đông 2.500 người (chủ yếu là trẻ em) đã tụ tập xem vụ hành quyết Mary. Con voi này bị treo cổ bằng cần cẩu công nghiệp. Tuy nhiên, lần đầu, dây xích chằng cổ bị đứt và Mary rơi xuống đất khiến hông con vật bị thương nặng. Một chuỗi xích chắc chắn hơn được làm và trong lần thứ hai này, Mary đã vùng vẫy suốt nửa giờ trước khi bị ném xuống hố chôn.
Ngã từ độ cao 10m xuống đất
Dessi Espana là nghệ sĩ xiếc người Bulgari-Mỹ. Cô sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống biểu diễn. Cô từng hoạt động trong nhiều năm và thậm chí giành Kỷ lục Guinness. Không may, một sự cố kỹ thuật đã kết thúc sự nghiệp của cô vào năm 2004. Khi đó, Espana đang biểu diễn múa trên không thì thiết bị giữ dải lụa giữ cô bị gãy, khiến cô rơi từ độ cao gần 10m, đầu chúc xuống đất. Espana sau đó đã tử vong vì vết thương nặng.
Bị đàn sư tử xé nát thân thể
Massarti (Thomas MacCarte) là một người luyện hổ táo bạo dù chỉ còn một tay. Vào ngày 3/1/1872, khi đang biểu diễn với bầy thú ở Bolton, Anh, không hiểu vì lý do gì, một con hổ tên Tyrant đã tấn công anh. Ngay sau đó, ba con hổ khác cũng lao vào cắn xé người dạy thú. Vụ việc xảy ra trước mặt hàng trăm nhân chứng.
Ba nghệ sĩ bị thương nặng vì đu bị lỗi
Xiếc đu dây là một trong những màn biểu diễn nguy hiểm nhất, đòi hỏi nghệ sĩ phải khéo léo và có thể lực tốt. Dù vậy, mọi khóa đào tạo đu dây cũng không thể ngăn được sai sót về mặt thiết bị. Năm 1987, Fred Lazelle và Billy Millson, hai nghệ sĩ đu nổi tiếng, đã ngã từ trên không xuống do chiếc đu bị hỏng. George North, một vận động viên thể dục, không may đứng cạnh chiếc đu khi nó đổ nên cũng bị thương nặng.
Vụ việc u ám lịch sử xiếc Mỹ
.
Ngày 14/6/1920, đoàn xiếc James Robinson tới Duluth, Minnesota, Mỹ biểu diễn. Hai cô gái là Irene Tusken, 19 tuổi và James Sullivan, 18 tuổi, đã xem những diễn viên xiếc người Mỹ gốc Phi này dựng rạp. Sau đêm đó, Tusken tuyên bố sáu trong số những người này đã bắt và hãm hiếp cô.
Cảnh sát nhanh chóng bắt giữ sáu người có liên quan. Ngay sau đó, một đám đông khổng lồ, từ năm tới mười ngàn người đã tổ chức phá nhà ngục sau khi tòa buộc Elias Clayton, Elmer Jackson và Isaac McGhie tội cưỡng hiếp. Đám đông đã đánh đập những kẻ phạm tội, lôi ba người này ra một ngọn đèn và trừng phạt họ.
Ba nghệ sĩ tử nạn vì lập kim tự tháp trên dây
Flying Wallendas là một gánh xiếc gia đình lâu đời gồm Karl, vợ là Helen Kreis, em trai Herman và một số thành viên khác trong gia đình. Karrl Wallenda là người đi tiên phong trong tiết mục kim tự tháp bảy người, trong đó bảy người giữ thăng bằng trên dây kéo căng (và một chiếc ghế) ở trên không mà không có lưới an toàn phía dưới. Gánh xiếc này rõ ràng là những người nhào lộn xuất sắc nhưng quá liều lĩnh.
Năm 1962, họ đã mắc một sai lầm chết người. Do người đi đầu chần chừ, cả ba người đã ngã xuống sàn. Con rể Karl Wallenda, Richard Faughnan, cháu trai Wallenda là Dieter Schepp, đã tử nạn. Con nuôi Wallenda là Mario bị liệt từ thắt lưng đổ xuống.
Cháy rạp Cleveland năm 1942
Dù thảm kịch kinh hoàng không gây ra thiệt hại về người nhưng hàng trăm con thú của rạp xiếc đã bị thiêu trong bể lửa. Một ngọn lửa không rõ nguồn gốc đã lan ra từ lều của nhà Anh em Ringling và Barnum & Bailey. Người xem và các nghệ sĩ dễ dàng thoát khỏi ngọn lửa nhưng do lửa lan quá nhanh, các con thú đã không thể cứu được.
Chín chiếc lồng – chứa đầy hổ, sư tử và ngựa vằn – đã bị thiêu. Một số con tìm cách thoát ra được nhưng 26 con khác bị bỏng nặng và cảnh sát đã hạ chúng bằng súng máy.
Hai tàu hỏa nhà Wallace đâm vào nhau
Năm 1903, hai chiếc tàu của gánh xiếc Wallace đã đâm vào nhau. Chiếc tàu đi trước đã chạy chậm lại để chuẩn bị đường – và mặc dù đã nhận tín hiệu cảnh báo, người lái đoàn tàu thứ hai đã không phanh kịp, dẫn tới vụ tai nạn khiến 30 người thiệt mạng và 27 người khác bị thương. Một số động vật cũng bị chết, gồm một con ngựa Ả Rập, ba con lạc đà, một con chó Đan Mạch lớn và một con voi có tên Maud.
Tàu quân đội đâm vào tàu của gánh xiếc, 86 người thiệt mạng
Vào ngày 22/7/1918, gánh xiếc Hagenbeck-Wallace đã lưu diễn bằng tàu hỏa tới Hammond, Indiana, Mỹ. Xe dừng vào ban đêm và rất nhiều nghệ sĩ xiếc đã ngủ lại trên tàu. Vào 4h sáng, một chiếc tàu chở quân đã đâm vào tàu của gánh xiếc với tốc độ hơn 50km/h. Nguyên nhân là người lái tàu quân đội ngủ quên nên không thấy cảnh báo dừng của tàu chở các nghệ sĩ xiếc. Vụ tai nạn khiến 86 người tử nạn và 127 người khác bị thương.
Thảm kịch kinh hoàng nhất lịch sử làng xiếc
Vào ngày 6/7/1944, một đám cháy nhỏ bắt đầu lan ra từ thành lều chính của nhà Anh em Ringling và Barnum & Bailey. Bởi vì lều này có khả năng chống nước nên nỗ lực dập lửa gặp nhiều trở ngại. Đám đông bảy ngàn khán giả đã vô cùng hoảng loạn lao về phía cửa ra. Tuy nhiên, hai trong số các lối này đã bị chặn bởi máng xối dùng để đưa các con thú vào rạp, khiến cảnh thoát chạy càng hỗn loạn, gây ra thảm kịch giẫm đạp, nghiền nát nhau.
Một số người đã nhảy từ khán đài xuống đất để tránh lửa nhưng nỗ lực trốn thoát này lại khiến nhiều người bị giết hơn là được cứu. Cuối cùng, khoảng 169 người đã thiệt mạng và hơn 700 người khác bị thương. Đây là thảm kịch gây thương vong lớn nhất trong lịch sử làng xiếc quốc tế.
Theo trí thức trẻ