Fifty Shades of Grey (2015): Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết phòng the 50 sắc thái của E.L. James, tác phẩm điện ảnh do Sam-Taylor Johnson thực hiện là chủ đề nóng của giới truyền thông trong suốt năm 2014. Đoàn làm phim hứa hẹn đem tới nhiều cảnh giường chiếu nóng bỏng, lôi kéo lượng khán giả lớn tới rạp trong mùa lễ Valentine 2014. Song, bản thân chất lượng của Fifty Shades of Grey thì không hề xứng đáng với bầu không khí nó tạo ra trước giờ ra rạp. |
The Interview (2014): Tác phẩm giễu nhại hình ảnh nhà lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un khiến hãng Sony Pictures bị nhiều nhóm hacker nước này tấn công, chịu thiệt hại hàng triệu USD và phải hủy buổi họp báo ra mắt vào phút chót. Tổng thống Obama chỉ trích quyết định của Sony, còn nhiều rạp chiếu phim vẫn trình chiếu The Interview như tiếng nói chống lại hành động khủng bố mạng. Trên thực tế, bộ phim của Seth Rogen - James Franco gây chú ý nhờ những lùm xùm đó, còn bản thân tác phẩm chỉ dừng lại ở mức trung bình, nếu không muốn nói là đáng quên. |
Prometheus (2012): Đây là dự án khoa học viễn tưởng đầy tham vọng của đạo diễn Ridley Scott. Giữ kín nội dung phim cho tới phút chót, đáng buồn thay, Prometheus lại trở thành tác phẩm mà “trailer hay hơn phim”. Bộ phim có thể thỏa mãn trí tưởng tượng của các fan dòng khoa học viễn tưởng, nhưng hàng loạt lỗ hổng trong câu chuyện là điều không thể chối cãi. Giờ thì Ridley Scott sẽ tìm cách khắc phục chúng bằng phần tiếp theo mang tên Alien: Covenant (2017). |
Twilight (2008): Thành công của loạt tiểu thuyết Chạng vạng khiến bộ phim chuyển thể trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trước thềm mùa đông 2008. Nhờ lượng fan trung thành khổng lồ, thành công về doanh thu, dẫn tới bốn phần tiếp theo, là điều được dự đoán từ trước. Nhưng The Twilight Saga đồng thời trở thành “chủ đề tiếu lâm” cho giới phê bình và trên nhiều diễn đàn điện ảnh suốt nhiều năm, bởi lối diễn xuất khô cứng của dàn diễn viên và nội dung có phần ngô nghê. Hai ngôi sao Kristen Stewart và Robert Pattinson hẳn còn phải mất lâu nữa mới thoát được khỏi cái bóng của Chạng vạng. |
Snakes on a Plane (2006): Trong thời kỳ blog đang nở rộ, bộ phim hành động giật gân xoay quanh chiếc máy bay bị loài rắn tấn công là đề tài nóng sốt trong mùa hè 2006. Tuy nhiên, Snakes on a Plane trở thành bài học nhãn tiền cho các nhà sản xuất, khi chuyện được nhắc tới nhiều trên mạng Internet chưa chắc đã chuyển hóa thành kết quả phòng vé. Phim rơi xuống hạng 6 trên bảng xếp hạng phòng vé chỉ sau đúng hai tuần. Điều kỳ lạ là giới phê bình ưu ái cho phim điểm 68% trên Rotten Tomatoes, nhưng người dùng IMDb chỉ cho nó 5,6 điểm. |
The Matrix Revolutions (2003): Bốn năm sau khi tạo ra cuộc cách mạng điện ảnh với The Matrix (1999), chị em đạo diễn nhà Wachowski thực hiện cùng lúc hai phần tiếp theo, tiếp tục theo chân nhân vật người hùng Neo (Keanu Reeves) ở thế giới tương lai khi máy móc cai trị loài người. The Matrix Reloaded thu tới hơn 742,1 triệu USD, với chất lượng ở mức khá. Song, 6 tháng sau, tập cuối The Matrix Revolutions lại trở thành nỗi thất vọng lớn đối với cả giới phê bình lẫn người hâm mộ và đạt doanh thu còn kém hơn cả tập đầu. |
Star Wars Episode I: The Phantom Menace (1999): 16 năm trước, người ta cũng xếp hàng chờ đợi The Phantom Menace, tập đầu tiên trong bộ ba phim kể lại sự ra đời của “Chúa tể bóng tối” Darth Vader. Theo ước tính, đã có 2,2 triệu người Mỹ trốn hoặc nghỉ làm để tới rạp theo dõi bom tấn trong sáng 19/5/1999. Nhưng nó rốt cuộc trở thành tập phim bị fan Star Wars ghét bỏ nhất, khiến cha đẻ loạt phim là George Lucas bị chỉ trích nặng nề. Diễn xuất khô cứng của dàn sao và nhân vật Jar Jar Binks vô duyên tới mức khó chịu là lý do chính của câu chuyện. |
The Godfather: Part III (1990): 16 năm sau The Godfather: Part II, đạo diễn Francis Ford Coppola thực hiện phần tiếp theo của một trong những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất lịch sử. Vẫn còn đó những gương mặt cũ, nhưng Part III không thể tạo ra sự màu nhiệm. Ngoài ra, chuyện nhà làm phim để con gái Sofia Coppola sắm vai Mary Corleone cũng gây ra nhiều tranh cãi. Phim nhận 7 đề cử Oscar nhưng không một lần được xướng tên chiến thắng. Có lẽ The Godfather: Part III là nạn nhân của sự vĩ đại đến từ chính hai tập Bố già trước. |
King Kong (1976): Đạo diễn Dino De Laurentiis làm lại tác phẩm kinh điển King Kong năm 1933 bằng công nghệ điện ảnh tân tiến của thập niên 1970. Các nhà sản xuất không ngần ngại quảng cáo đây là “sự kiện điện ảnh thú vị nhất mọi thời đại”, kết hợp với tạp chí Time và chuỗi đồ ăn nhanh Burger Chef để thu hút sự chú ý của công chúng. Dù gặt hái thành công doanh thu, bộ phim lại bị giới phê bình ghẻ lạnh và đánh giá là một trong những phiên bản King Kong tệ nhất. |
Macabre (1958): Đạo diễn William Castle gây chú ý cho tác phẩm kinh dị hạng B của mình bằng cách ký hợp đồng bảo hiểm với khán giả, hứa trả cho ai do quá sợ khi xem phim mà lăn ra chết 1.000 USD (tương đương 8,2 triệu USD ở thời điểm năm 2015). Nhiều y tá giả được thuê túc trực ngay trong các phòng chiếu, còn xe cứu thương hết ca được thuê để đỗ ngoài rạp chiếu phim. Nhưng rốt cuộc thì Macabre chẳng gây sợ hãi đến thế và chỉ là một tác phẩm tầm thường. Theo Zing |