Thử tưởng tượng thế này, bạn đang đi mua các nhu yếu phẩm trong siêu thị thì con bạn nài nỉ bạn mua cho 1 món đồ chơi. Đứa trẻ có thể nói: "Tất cả lũ bạn thân của con đều có nó", hoặc "Mẹ chưa từng mua cho con món đồ chơi nào hết".
Vậy bạn sẽ nói thế nào? Bạn sẽ đầu hàng, đồng ý mua món đồ chơi đó cho con, hoặc nói rằng bạn không đủ tiền mua nó ư? Xin chúc mừng. Vậy là bạn đang dạy con hình thành một kiểu tư duy nghèo khổ.
Tôi biết là bạn không cố ý, nhưng bạn đang ngầm dạy chúng rằng, tiền bạc nằm ngoài khả năng của chúng, tốt hơn là có đồng nào hãy xào đồng ấy đi vì dòng tiền trong gia đình bạn luôn thiếu ổn định.
Tác giả bài viết này cũng đã từng có những cách ứng xử sai lầm như thế. Vậy bạn có tò mò những người giàu dạy con tiêu tiền ra sao không?
1. Không né tránh việc nói về tiền bạc
Người giàu rất chú ý đến tiền bạc. Họ nói về tiền bạc, và không cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Nó là 1 khía cạnh tự nhiên và được chào đón trong cuộc sống của họ.
Họ nói với con cái về giá cả của các món đồ, so sánh nó với những món đồ khác. Họ cho các con biết họ đang tiết kiệm tiền với mục đích gì và háo hức mua món đồ đó ra sao.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ giàu có cũng hay nói với các con về chuyện kiếm tiền và đầu tư. Đây không phải là các chủ đề cấm kỵ trong gia đình họ.
2. Họ dạy con cách quản lý tiền bạc
Người giàu không ngại nói về tiền và luôn biết cách dạy con quản lý tiền. Họ sẽ cho con tiền tiêu vặt. Đây là số tiền mà bọn trẻ có toàn quyền sử dụng.
Khi tôi còn nhỏ, bố tôi đã cho tôi tiền tiêu vặt, và tôi vẫn nhớ cảm giác được đếm những đồng xu trong cái hộp thiếc và mong chờ việc mua 1 món đồ mới tí hon cho ngôi nhà búp bê của mình.
(Ảnh minh họa)
Khi tôi lớn hơn, tôi đã rất háo hức mong chờ việc mua đôi giày trượt patin đẹp nhất mà tôi có thể có. Tôi thật sự trân trọng những đồ chơi mà mình đã mua vì đã phải phải đợi rất lâu mới có được nó và phải vượt qua những sự cám dỗ để cuối cùng cũng có thể mua nó.
Vì thế, khi con bạn đủ lớn để đếm được đến 10, hãy cho con của bạn 1 ít tiền tiêu vặt. Hãy cho chúng chơi với nó, hãy cho chúng cơ hội đánh mất 1 đồng tiền và buồn bã vì điều đó (con trai tôi mới đánh rơi 1 đồng xu vào bãi phân voi ở trong sở thú. Giờ thì nó cất tiền rất kỹ trong ví).
Hãy thi thoảng cho chúng mua món đồ nào đó một cách dễ dãi, sau đó phải hối hận để chúng có cơ hội tiết kiệm tiền cho những thứ mà chúng thật sự muốn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tạo cơ hội cho con mua thứ gì đó ý nghĩa và tặng cho người khác, tận hưởng niềm vui của sự hào phóng.
Cứ như thế, quá trình bạn cho chúng tự quyết định trong một chừng mực nào đấy sẽ cho chúng kinh nghiệm và biết cách phải quản lý đồng tiền ra sao.
3. Dạy con rằng tiền là vô hạn, hãy đi kiếm chúng
Bạn cần dừng lại ngay những cách nói kiểu như: "Chúng ta không có đủ tiền để mua thứ đó", hoặc "Con đang làm mẹ phá sản đấy".
Hãy thừa nhận đi, đa số chúng ta chỉ nói như vậy với mục đích dọa nạt lũ trẻ chứ không phải thật sự như vậy. Vậy thì đầu tiên, bạn đã là kẻ nói dối.
(Ảnh minh họa)
Thay vào đó, hãy dạy con một cách đúng đắn hơn, rằng tiền không phải là thứ hữu hạn. Có rất nhiều tiền trên thế giới này, chúng ta chỉ cần nghĩ cách kiếm tiền mà thôi.
Nếu bạn nghĩ tiền có giới hạn, bạn sẽ không bao giờ thật sự cảm thấy thoải mái khi kiếm được nhiều, vì như thể là bạn đang lấy đi phần của ai đó.
Nhưng sự thật không phải thế, khi dòng tiền luân chuyển nhanh, sẽ càng có nhiều tiền hơn. Nó không giống 1 cái bánh ngọt bạn chỉ được ăn 1 lần. Tiền là vô hạn.
Hãy dạy con bạn rằng có rất nhiều tiền và đủ cho tất cả chúng ta. Quan trọng là chúng ta phải tìm ra cách kiếm tiền.
4. Dạy con cách kiếm tiền
Hãy cho con cơ hội thử nghiệm và sáng tạo với việc kiếm tiền. Hãy cho chúng bán mấy món đồ chơi cũ của chúng ở chợ trời, hoặc đi thu thập vỏ chai để bán đồng nát...
Hãy cho chúng biết được niềm vui cũng như sự vất vả của việc kiếm tiền. Đây sẽ là những bài học bổ ích và quý giá, khiến chúng không thể vung tiền bừa bãi.
Đừng ngại cho con thử sức với việc kiếm tiền để biết nó không đơn giản. (Ảnh minh họa)
Và nếu bạn dạy con cách kiếm tiền chân chính như vậy, trong tương lai, nếu cần đến tiền, bộ não của chúng sẽ tự động nghĩ đến các giải pháp để có tiền thay vì việc tìm đến bố mẹ để xin xỏ hay vay mượn.
5. Dạy con về các loại tài sản và các khoản nợ
Người giàu sẽ dạy con rằng một số tài sản sẽ tạo ra tiền (ví dụ như 1 căn hộ không dùng và có thể cho thuê), nhưng một số tài sản lại chỉ lấy đi tiền của chúng ta (ví dụ nuôi thú cưng chẳng hạn).
Hãy cho con cái của bạn làm quen với những khái niệm này từ sớm, từ đó giúp con hiểu về các loại chi phí mà bạn phải bỏ ra để duy trì các tài sản của mình và chúng sẽ hành động 1 cách có trách nhiệm hơn.
6. Dạy con sự kiên nhẫn và việc tạm hoãn các nhu cầu
Có thể bạn đã nghe nói đến thí nghiệm nổi tiếng về kẹo xốp, trong đó mỗi đứa trẻ được cho ngồi trong 1 căn phòng với 1 chiếc kẹo xốp để trước mặt chúng. Nếu chờ được người lớn quay lại, chúng sẽ được ăn thêm 1 chiếc nữa.
(Ảnh minh họa)
Các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ biết kiềm chế ham muốn ăn kẹo ngay lập tức và biết chờ người lớn quay lại để lấy được nhiều kẹo hơn thì sau khi lớn lên đều có sự nghiệp thành công hơn những đứa trẻ nôn nóng và ăn luôn chiếc kẹo xốp duy nhất.
Kết luận của thí nghiệm này là, việc hoãn lại các nhu cầu của mình và kiểm soát ham muốn của bản thân chính là các kỹ năng quan trọng mà trẻ cần phải học được.
Bạn làm điều đó bằng cách nào? Hãy để chúng quản lý đồng tiền của mình. Chúng sẽ học được cách từ bỏ những thứ chúng không muốn lắm để có được thứ chúng thật sự muốn.
7. Dạy con cách kiên định
Thành công là kết quả của việc hành động một cách kiên định.
(Ảnh minh họa)
Tôi nhớ giáo viên dạy tiếng Anh của tôi từng nói rằng nếu mỗi ngày tôi học được 1 từ mới thì 1 năm vốn từ vựng của tôi sẽ tăng lên 365 từ. Nếu mỗi ngày học được 2 từ mới thì 1 năm con số này sẽ là 730 từ.
Mỗi ngày việc học 1 hay 2 từ mới nghe có vẻ là chuyện rất nhỏ, nhưng kết quả cả 1 năm của nó thì dường như rất ấn tượng. Chính vì thế, tôi đã quyết định học 5 từ mới mỗi ngày. Khi đó, tôi đang ở Đan Mạch và muốn chuyển tới Canada, nơi chị gái tôi đang sống, và việc biết tiếng Anh sẽ đem lại cho tôi rất nhiều lợi ích.
Quay trở lại câu chuyện làm cha mẹ của bạn, con bạn đang quan tâm đến điều gì? Nếu mỗi ngày con trai bạn tìm hiểu được về 1 chú khủng long, thì sau 1 năm, cháu sẽ biết được bao nhiêu con? Chắc chắn con số sẽ không hề nhỏ chút nào.
8. Dạy con tự chăm sóc cho bản thân
Có lẽ bạn đã nghe đến câu chuyện một anh chàng Trung Quốc đã học hết đại học mà vẫn cần có mẹ chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ cũng như việc giặt giũ quần áo.
Sau đó, khi học lên nghiên cứu sinh, anh ta cũng không thể thay đổi lối sống này, và vì nhà trường không đồng ý cho người mẹ sống cùng để chăm sóc anh ta nên cuối cùng, thanh niên này đã bị buộc phải thôi học.
Điều đó có nghĩa là gì?
Nếu chúng ta bảo bọc con mình 1 cách thái quá, thì dù nó có lĩnh hội được nhiều kiến thức của nhân loại đến đâu, nhưng nếu thiếu kỹ năng tự chăm lo cho bản thân, kỹ năng tự tồn tại thì điều đó cũng vô dụng.
(Ảnh minh họa)
Bạn nghĩ những người giàu thì sẽ nuông chiều con ư? Không, họ sẽ bảo đảm rằng con họ biết không ai nợ nần gì chúng và sẽ không có ai đến cứu giúp chúng cả. Chúng sẽ phải tự đi lên bằng đôi chân của mình.
Trong 1 cuộc phỏng vấn với hãng tin CBS, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama từng chia sẻ rằng các con gái của bà phải tự dọn dẹp giường cũng như phòng ngủ cho chúng thay vì được người giúp việc hỗ trợ.
"Đó là điều đầu tiên tôi nói với các nhân viên của Nhà Trắng. Tôi bảo họ đừng dọn giường của các con gái tôi, vì chúng cần phải học những việc cơ bản đó", bà Michelle nhấn mạnh.
9. Dạy chúng cách giải quyết vấn đề
Tất cả các tỷ phú tự thân đều là những người rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề. Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hoặc là bạn phải giải quyết được 1 vấn đề lớn, hoặc là giải quyết được vấn đề cho rất nhiều người.
Do đó, hãy dạy con bạn nghĩ đến các vấn đề cần được giải quyết, và yên tâm là chúng sẽ có khả năng trở thành các doanh nhân hoặc nhà lãnh đạo và khó mà rơi vào cảnh túng thiếu.
10. Dạy con những quy tắc xã hội cơ bản
Một trong những cuốn sách yêu thích nhất của tỷ phú Warren Buffett là cuốn sách How to Win Friends and Influence People của tác giả Dale Carnegie, ở Việt Nam được biết đến với tên gọi là Đắc nhân tâm.
(Ảnh minh họa)
Buffett cho biết, cuốn sách này đã dạy ông biết cách cư xử, là 1 nhà ngoại giao xuất sắc và có lẽ những chiến lược của Dale Carnegie cũng đã giúp Buffet trở thành 1 trong những người giàu nhất trên thế giới.
Nhưng tất nhiên, đó không phải là lý do lớn nhất để chúng ta dạy con những quy tắc xã hội cơ bản.
Các quy tắc xã hội là nền tảng cơ bản đem đến một cuộc sống hạnh phúc. Hãy dạy con bạn những nguyên tắc của cuốn sách, và chúng sẽ giúp con bạn làm tốt hơn cả trong công việc cũng như các mối quan hệ.
Như Warren Buffett từng nói: "Nếu những người mà bạn muốn họ yêu mình cũng thực sự yêu quý bạn thì bạn đã thành công rồi đấy".
Đôi điều về tác giả bài viết: Cô là một cựu phóng viên tài chính với kinh nghiệm làm việc ở Reuters cũng như các tờ báo quốc gia ở Copenhagen, Đan Mạch, nơi cô sinh sống. Sau khi phải nghỉ việc vì sinh con, cô đã trở thành nhà đầu tư toàn thời gian. Cô cho biết sứ mệnh của mình là giúp các độc giả đạt được sự tự do về tài chính. |
Theo Trí thức trẻ