Planet of the Apes (2001): Kế hoạch tái khởi động thương hiệu Hành tinh khỉ thực tế được vạch ra từ năm 1988, với nhiều cái tên đạo diễn, ngôi sao "đến rồi đi" như Peter Jackson, Oliver Stone, Philliip Noyce, Michael Bay, James Cameron, Arnold Schwarzenegger… Tuy nhiên, chỉ tới khi Tim Burton xuất hiện, mọi chuyện mới lăn bánh với thành phẩm ra đời vào năm 2001. Tuy nhiên, dự án trị giá 100 triệu USD nhận nhiều lời chê bai hơn là khen ngợi. Cuối năm, "Planet of the Apes" thậm chí còn phải “ẵm” giải Mâm xôi vàng.
Freddy vs. Jason (2003): Các nhà sản xuất từng muốn hai kẻ sát nhân khát máu trên màn ảnh đụng độ từ năm 1987. Thậm chí, cảnh kết Jason Goes to Hell: The Final Friday (1993) còn hé mở điều này qua hình ảnh chiếc găng tay của Freddy. Tuy nhiên, cũng phải tới 10 năm sau, Freddy vs. Jason mới ra đời. Dẫu vậy, tác phẩm crossover khiến số đông thất vọng bởi kỹ xảo giả tạo và các nhân vật mờ nhạt. Đội ngũ nhà sản xuất có thể cảm thấy an ủi phần nào khi doanh thu của tác phẩm thuộc hàng có lãi.
Catwoman (2003): Miêu Nữ của Michelle Pfeiffer trong Batman Returns (1992) gây ấn tượng đến mức các nhà sản xuất muốn sớm làm phim riêng dành cho nhân vật. Tuy nhiên, kế hoạch đổ bể bởi Batman được tái khởi động với Joel Schumacher. Năm 2001, lần lượt Ashley Judd, Nicole Kidman từ chối vai diễn. Cuối cùng, Warner Bros. tìm thấy Halle Berry. Song, bộ phim năm 2003 quả là một nỗ lực tuyệt vọng. Catwoman thường bị coi là “điểm đen” của dòng phim siêu anh hùng nói riêng, hay điện ảnh Hollywood nói chung. Berry sau này đích thân tới dự lễ trao giải Mâm xôi vàng, và không ngại ngần gọi tác phẩm là “mớ rác”.
Alien vs. Predator (2004): Một dự án crossover khác được nhiều người chờ đợi là cuộc chạm trán giữa hai loài quái vật không gian. Trong Predator 2 (1990), hộp sọ Xenomorph đã xuất hiện, và nhà sản xuất “bật đèn xanh” dự án từ 1991. Tuy nhiên, kế hoạch này từng bị James Cameron chỉ trích là “vắt sữa” thương hiệu. Và quả vậy, sau 8 năm phát triển, Paul W.S. Anderson chỉ cho ra đời một tác phẩm làng nhàng, tẻ nhạt. Dẫu vậy, thành công nhất định tại phòng vé giúp phim có thêm phần hai. Song, các nhà sản xuất không thể “lừa” công chúng hai lần, và thương hiệu crossover đến giờ đã “ngủ yên”.
Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull (2008): Nhân vật Indiana Jones của Harrison Ford đi vào huyền thoại nhờ ba tập phim hồi thập niên 1980. Và nhà sản xuất phải mất gần hai thập kỷ mới có thể trình làng phần bốn mang tên Kingdom of the Crystal Skull. Nhưng rốt cuộc, đây bị coi là tác phẩm làm “vấy bẩn” thương hiệu bởi cốt truyện nhợt nhạt, các tình tiết phi lý, kỹ xảo giả tạo… Thật khó tin khi nhà sản xuất trải qua gần 20 năm, nhưng chỉ cho ra một kịch bản kém cỏi đến như vậy, thậm chí còn dùng nhiều ý tưởng cũ kỹ của George Lucas từ thập niên 1990. Và càng khó tin hơn khi tất cả hiện muốn tiếp tục thương hiệu với Harrison Ford ở tuổi 78.
Green Lantern (2011): Ryan Reynolds đến giờ vẫn đùa cợt về Green Lantern trên mạng xã hội và các phim Deadpool bởi sự dở tệ của tác phẩm. Trên thực tế, Warner Bros. đã lên kế hoạch dự án từ năm 1997. Nhiều cái tên từng được nhắc tới, như Kevin Smith, Quentin Tarantino, hay thậm chí Jack Black (với một phiên bản hài hước), nhưng không thể tìm thấy tiếng nói chung với nhà sản xuất. Ryan Reynolds cũng không phải lựa chọn hàng đầu, sau khi Bradley Cooper và Justin Timberlake từ chối vai Hal Jordan. Không chỉ bị chê bai về mặt chất lượng nội dung, Green Lantern còn gây lỗ một khoản lên tới 100 triệu USD.
Fantastic Four (2015): Cảm thấy sốt ruột khi Warner Bros. có loạt The Dark Knight, còn Marvel Studios đang ấp ủ MCU, Fox không thể ngồi yên chỉ với X-Men. Họ muốn tái khởi động Fantastic Four từ 2009, nhưng phải mất 6 năm, thành phẩm mới ra đời. Tuy nhiên, phiên bản Bộ tứ Siêu đẳng của Josh Trank bị đánh giá là thảm họa. Giữa nhà làm phim với Fox xảy ra tranh cãi lớn, và Trank cho rằng bản chiếu rạp đã bị can thiệp quá sâu. Đến nay, Fantastic Four năm 2015 thường bị đánh giá thuộc nhóm phim siêu anh hùng kém cỏi nhất mọi thời đại.
Independence Day: Resurgence (2016): Mùa hè năm 1996, Ngày độc lập trở thành cú nổ lớn tại phòng vé, góp phần biến Will Smith trở thành ngôi sao hạng A. Nhưng cũng phải tới 2001, đạo diễn Roland Emmerich mới bắt tay vào kế hoạch biến đây thành bộ ba phim (trilogy). Quá trình kéo dài hơn dự kiến, và khó khăn nảy sinh khi Will Smith đòi khoản thù lao kếch xù lên tới 50 triệu USD. Mãi tới 2016, Resurgence mới ra đời. Nhưng vắng bóng Smith, phim trở thành “bom xịt” tại phòng vé và hứng chịu vô số lời chê bai. Giờ thì Independence Day 3 khó lòng còn có thể được triển khai.
The Dark Tower (2017): Nguyên tác The Dark Tower được đánh giá là thiên anh hùng ca đến từ nhà văn Stephen King, và hãng Sony muốn xây dựng một vũ trụ rộng lớn dựa trên đó, cả điện ảnh lẫn truyền hình. Song, dự án thực tế bị luân chuyển qua nhiều studio khác nhau từ lâu. Sony chỉ rót 66 triệu USD cho tác phẩm mở màn có thời lượng vỏn vẹn 95 phút. Kết quả, The Dark Tower tẻ nhạt và xa rời tinh thần nguyên tác. Theo đó, thương hiệu coi như đã đâm đầu vào ngõ cụt trong sự thất vọng của công chúng.
Gemini Man (2019): Kịch bản của Gemini Man từng hoàn thành từ giữa thập niên 1990, nhưng nhiều vấn đề khách quan khiến dự án cứ thế “đóng băng”. Khi Lý An cùng Will Smith xuất hiện, kỳ vọng bỗng dưng tăng cao, nhất là khi họ tuyên bố sẽ áp dụng công nghệ kỹ xảo tối tân nhằm tạo ra hai phiên bản già - trẻ của nhân vật chính. Song, có lẽ do tốn quá nhiều thời gian cho mảng kỹ thuật, ê-kíp không nhận ra rằng kịch bản Gemini Man đã trở nên lỗi thời ở thời điểm 2019. Hậu quả là Paramount nhận “trái đắng” với khoản lỗ lên tới 100 triệu USD.